Người họa sĩ 35 năm trăn trở với tranh biếm họa

HOÀNG YÊN- ANH KHOA 17:41, 07/01/2023

(LĐ online) - Tại huyện Di Linh, có một họa sĩ đã gắn bó với tranh biếm họa hơn 35 năm qua, với ông, niềm đam mê vẽ tranh biếm đã ngấm vào máu thịt. Hiện, từng ngày ông vẫn đắm mình bên những nét vẽ dí dỏm nhưng đầy trí tuệ của mình.  

Hơn 35 năm là cộng tác viên vẽ tranh biếm họa cho các tờ báo, đến nay gia tài của họa sĩ biếm Lâm Trọng Tường đã lên đến hàng nghìn tác phẩm
Hơn 35 năm là cộng tác viên vẽ tranh biếm họa cho các tờ báo, đến nay gia tài của họa sĩ biếm Lâm Trọng Tường đã lên đến hàng nghìn tác phẩm

Căn nhà nhỏ của họa sĩ biếm Lâm Trọng Tường (thị trấn Di Linh) có 1 chiếc tủ nhỏ, nhiều năm qua, anh dùng nó để lưu giữ bộ sưu tập quý của mình. Đó là những bức tranh biếm họa do chính tay ông vẽ được cắt từ những trang báo, là những cuốn sổ cũ sờn màu thời gian được ông dán những bức tranh biếm hay hàng trăm tờ báo Tuổi Trẻ Cười có đăng tranh của mình. 

Ông Tường kể, năm 1987, khi còn là học sinh lớp 11, ông tập tành vẽ những bức tranh biếm đầu tiên, sau khi được tòa soạn đăng, ông vỡ òa trong sung sướng vì tác phẩm đầu tay của mình được ghi nhận. Và kể từ đó, vẽ tranh biếm gắn bó với ông đến mãi sau này. Với ông, đó không phải là nghề nghiệp, mà đó là niềm đam mê, nó giúp ông đi qua những vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống mà vẫn giữ được cho mình một tâm hồn đẹp, bình thản với cuộc đời. 

Trong những năm vừa qua, đâu đó chúng ta vẫn thường thấy những bức tranh biếm họa về những vấn đề trong xã hội như: nạn tham nhũng, cải cách giáo dục và đặc biệt là các đề tài tiêu cực trong xã hội… được thể hiện trên một cách sâu cay, nhạy bén nhưng lại dí dỏm. 

Họa sĩ Lâm Trọng Tường cho biết, biếm họa là một hình thức thông tin đặc thù, biểu đạt thông điệp bằng ngôn ngữ họa hình. Ở một khía cạnh khác, biếm họa còn được hiểu, đó là một hình thức minh họa, hoạt hình. Bản chất của biếm hoạ là phê bình và tự phê bình, do đó tranh biếm hoạ nhiều khi không cần chữ viết bên cạnh mà cần phải tự cất lời một cách hài hước khi phê phán. Tranh biếm hoạ có sức đấu tranh rất lớn đối với báo chí, nó có nội dung chủ yếu là phê phán, lên án thói hư, tật xấu…

Các tác phẩm của ông Lâm Trọng Tường được đăng trên báo Tuổi trẻ Cười
Các tác phẩm của ông Lâm Trọng Tường được đăng trên báo Tuổi trẻ Cười

Hơn 35 năm là cộng tác viên vẽ tranh biếm họa cho các tờ báo, đến nay gia tài của họa sĩ biếm Lâm Trọng Tường đã lên đến hàng nghìn tác phẩm. Với anh, đó là gia tài của niềm đam mê và trí tuệ, là những tác phẩm phản ánh cuộc sống, phản biện xã hội mang phong cách dí dỏm. 

Ngày này qua ngày khác, họa sĩ Lâm Trọng Tường vẫn làm việc một cách cần mẫn, âm thầm đóng góp cho xã hội những sản phẩm tinh thần rất đáng khâm phục. Tác phẩm của ông có tính đấu tranh cao và ý thức xây dựng xã hội tích cực. Ông cho rằng, vẽ tranh biếm họa vừa phải đậm hơi thở cuộc sống, vừa phải có nét xa xôi, cường điệu. Phải tìm được điểm nhìn từ góc nào thì hài hước hơn, bởi, nhìn đúng là chuyện hết sức bình thường ai cũng làm được, song nhìn cái mà người khác không nhìn thấy thì đó là năng khiếu riêng của người họa sĩ.

Với cây bút bi nước trong tay, hàng ngày, họa sĩ biếm Lâm Trọng Tường vẫn vẽ tranh, vẫn thể hiện lối tư duy sáng tạo, thay đổi theo dòng chảy của xã hội, các tác phẩm của ông luôn chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc và lý lẽ…