Những bước chuyển trong xây dựng nông thôn mới

VĂN VIỆT 06:09, 07/02/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong năm qua tiếp tục đi vào chiều sâu, tạo những bước chuyển quan trọng để tiến tới xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh trong năm vừa qua, Lâm Đồng đã tăng thêm 788 ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn
Triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh trong năm vừa qua, Lâm Đồng đã tăng thêm 788 ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC HƠN 281 TỶ ĐỒNG

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong năm qua chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Theo đó, các địa phương tiếp tục đăng ký, thực hiện Mô hình Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với tổ chức thành viên, cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các cấp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... tập trung phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ký kết giao ước thi đua “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… 

Qua vận động kết hợp triển khai các chính sách hỗ trợ, người dân tại các vùng nông thôn mới trong tỉnh tích cực phát triển sản xuất đạt tổng diện tích gieo trồng gần 378.150 ha, tăng gần 3,2% so cùng kỳ. Trong đó, cây hàng năm hơn 111.107 ha, cây lâu năm hơn 267.042 ha, tăng lần lượt so với năm trước đó hơn 8% và gần 1,3%. Toàn tỉnh tái canh, cải tạo gần 5.350 ha cà phê, hơn 1.367 ha điều; 752 ha lúa; hơn 3.624 ha cây trồng khác. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh trên nhiều đối tượng cây trồng với hơn 63.896 ha, tăng hơn 788 ha so với cùng kỳ. Cụ thể gồm các loại cây như: cà phê (21.706 ha); rau (hơn 26.180 ha); lúa (5.045 ha); chè (4.954 ha); cây ăn quả (3.463 ha); hoa (hơn 2.161 ha); dược liệu (134 ha); nấm (hơn 20 ha); dâu tây, phúc bồn tử, vườn ươm rau, hoa (gần 233 ha). Trong đó hơn 377 ha áp dụng công nghệ số trong canh tác. 

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 4 liên hiệp hợp tác xã (HTX) đang hoạt động với 25 HTX thành viên; 376 HTX nông nghiệp với gần 8.460 thành viên, tăng 9 HTX so với năm 2021, doanh thu bình quân gần 2,3 tỷ đồng/HTX/năm. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 381 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp với 8.476 tổ viên cùng nhau tham gia sản xuất một chủng loại sản phẩm, cùng tìm doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, giúp nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. “Đến nay, toàn tỉnh phát triển 190 chuỗi liên kết với 16.178 hộ trồng trọt và 2.453 hộ chăn nuôi. Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt gần 30.52,7 ha (sản lượng 437.226 tấn); trong chăn nuôi đạt 461.400 con gà, 153.000 con chim cút, 204.050 con heo, 23.760 con bò sữa, 1.200 con bò thịt, 264 ha trồng dâu nuôi tằm (sản lượng hơn 126.560 tấn)...”, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết. 

Thống kê tổng nguồn vốn bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022 hơn 281 tỷ đồng. Bao gồm nguồn vốn ngân sách tỉnh 150 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương và vốn đối ứng của địa phương gần 132 tỷ đồng. Kết quả, 5 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm qua, có thêm 2 xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 100% xã hoàn thành và công khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà đã được phê duyệt quy hoạch vùng huyện...

PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM CHỦ LỰC

Triển khai giải pháp năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới Lâm Đồng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trên cơ sở các danh mục dự án đã được phê duyệt, tạo cơ chế cho UBND các huyện, thành phố chủ động phân bổ vốn cho những công trình cụ thể. Đồng thời, rà soát điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách thuận lợi để xây dựng, nâng cấp hạ tầng nông thôn có trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, ưu tiêu hỗ trợ nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển kinh tế hợp tác, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn...