Điểm sáng giáo dục vùng sâu

08:10, 28/10/2015

Hơn 5 năm thành lập là "tuổi đời" còn "non trẻ" của một ngôi trường vùng sâu thuộc huyện nghèo Đam Rông. Thế nhưng, cái tên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Phi Liêng) đã dần khẳng định mình trên "bản đồ" giáo dục của địa phương với những nỗ lực của thầy và trò trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó. 

Hơn 5 năm thành lập là “tuổi đời” còn “non trẻ” của một ngôi trường vùng sâu thuộc huyện nghèo Đam Rông. Thế nhưng, cái tên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Phi Liêng) đã dần khẳng định mình trên “bản đồ” giáo dục của địa phương với những nỗ lực của thầy và trò trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó. 
 
Một tiết học Địa lý của cô và trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh
Một tiết học Địa lý của cô và trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh
Một tiết sinh hoạt ngoài giờ của học sinh 3 khối 10, 11, 12 của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh diễn ra trong không khí hào hứng. Chỉ là những trò chơi tập thể nhưng tinh thần thi đua của từng khối lớp thể hiện rõ trên khuôn mặt các bạn học sinh. “Ngày trước, số lượng học sinh đến trường rất ít, các em cũng rất thụ động, rụt rè. Nhưng mấy năm trở lại đây, trường chúng tôi đã đúng nghĩa là trường với hơn 400 học sinh mỗi năm học. Các em dần có ý thức hơn đối với việc học của mình, tỷ lệ bỏ học vì vậy mà cũng giảm đi đáng kể, năm học 2014 - 2015 vừa qua chỉ còn 3,5% thay vì trên 10% như trước kia”, cô Lê Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Câu chuyện của cô về những ngày đầu xã mới có trường cấp 3, khi đó còn đang là Trường THCS và THPT Phi Liêng mới biết việc giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng DTTS của huyện nghèo Đam Rông vất vả thế nào. Bên cạnh việc vừa phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các thầy, cô giáo nơi đây còn phải làm công tác “dân vận” khi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh đến lớp. Chưa đủ, khi học sinh đã đi học, các thầy cô lại vừa phải làm giáo viên, vừa đảm nhận một phần vai trò làm cha, làm mẹ để chăm lo cho các em từng miếng ăn, tấm áo, quyển sách, cây bút… khi đa số phụ huynh vùng DTTS còn tâm lý ỷ lại cho nhà trường. Rồi mọi nỗ lực cũng được đền đáp, học sinh đi học ngày càng nhiều, phụ huynh cũng dần để ý đến việc học của con em mình hơn. Đa số học sinh của trường là đồng bào DTTS, có nhiều em nhà xa trường hơn 10km, phải thuê nhà trọ để theo học, nhưng cứ cuối tuần lại bắt xe về nhà mang thêm gạo, rau, mắm, muối… để theo đuổi ước mơ “con chữ”. Là học sinh lớp 12, Lơ Mu Ha Sang đã 3 năm liền xa nhà ở trọ với quyết tâm sau này trở thành thầy giáo về dạy chữ lại cho con em trong xã mình: “Trước đây em cũng đã nhiều lần định nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình, nhưng được các thầy cô đến tận nhà động viên, đi học cũng được thầy cô chỉ dạy tận tình, lại có nhiều bạn bè nữa nên em cố gắng học và mong muốn được làm giáo viên như các thầy cô của em”, Ha Sang tâm sự.
 
Giờ đây, sau khi tách trường, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã có một “cơ ngơi” khang trang, là một trong những “bộ mặt” của ngành giáo dục Đam Rông. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học của xã Phi Liêng. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên gồm 42 người đủ về số lượng và chất lượng, trong đó, đảng viên chiếm 25,6%, hầu hết giáo viên của trường đều còn trẻ nên rất nhiệt tình và có tinh thần tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhà trường luôn động viên và tạo điều kiện để giáo viên tham gia các cuộc thi, hội thi do ngành Giáo dục tổ chức. Hàng năm, 100% giáo viên hoàn thành nhiệm vụ năm học, 6/7 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp trường, 5/6 giáo viên đạt nghiệp vụ sư phạm trẻ. Là trường vùng sâu nhưng nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục mũi nhọn như bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi theo hướng tăng cường sự vận dụng sáng tạo, tránh ghi nhớ máy móc. Công tác bồi dưỡng được thực hiện ngay từ đầu năm học đối với các môn: Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh học. Sau đó, tổ chức thi học sinh giỏi cấp trường và tham gia thi cấp tỉnh. Kết quả, năm học 2014 - 2015 có 5 học sinh giỏi cấp trường, 4 học sinh giỏi cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi giải Toán trên Internet, thi tiếng Anh trên Internet, thi Olympic… và có 1 học sinh đạt giải khuyến khích cấp tỉnh môn Toán trong năm học vừa qua. 
 
“Do chất lượng đầu vào của học sinh không đồng đều và thấp, vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh, chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu, nắm chắc tình hình, nguyên nhân học sinh bỏ học và có giải pháp khắc phục tình trạng này; đồng thời, thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã tham gia vận động học sinh nhằm duy trì sĩ số”, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh Lê Thị Thu Hằng cho biết. 
 
Với những nỗ lực cũng như tâm huyết của những người mang sứ mệnh “trồng người”, các thầy cô giáo vùng khó đang miệt mài ngày đêm không quản khó khăn, vất vả để những “mầm xanh” nơi núi rừng sẽ có ngày vươn lên “tươi tốt”. Chính những điều này đã và đang góp phần vào sự phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương, đưa giáo dục vùng khó Đam Rông có thể “sánh vai” cùng với các địa phương khác trong tỉnh.
 
TUẤN HƯƠNG