Công cụ đắc lực phục vụ cho sự phát triển KT - XH của địa phương

08:11, 20/11/2015

LTS: Ngày 10/8/1976, ngành Thanh tra Lâm Đồng được thành lập. Trong 39 năm qua, Thanh tra Lâm Đồng không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra Lâm Đồng và vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đức Hưng - Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh.

LTS: Ngày 10/8/1976, ngành Thanh tra Lâm Đồng được thành lập. Trong 39 năm qua, Thanh tra Lâm Đồng không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra Lâm Đồng và vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đức Hưng - Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh.
 
PV: Xin đồng chí cho biết ngành Thanh tra Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu quan trọng gì trong 39 năm qua?
 
Đồng chí Nguyễn Đức Hưng - TUV, Chánh Thanh tra tỉnh. Ảnh: P.NHÂN
Đồng chí Nguyễn Đức Hưng - TUV, Chánh Thanh tra tỉnh. Ảnh: P.NHÂN
Đ/c Nguyễn Đức Hưng: Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của ngành, Thanh tra Lâm Đồng ngay từ những ngày đầu thành lập đã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự giám sát ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân...
 
Khi mới được thành lập, ngành Thanh tra Lâm Đồng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về công tác cán bộ; chỉ có 2 cán bộ và chưa được đào tạo về nghiệp vụ thanh tra; đến nay, ngành Thanh tra Lâm Đồng đã được củng cố về bộ máy tổ chức theo quy định của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ. Và nay ngành Thanh tra Lâm Đồng có 222 cán bộ, trong đó có 201 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học; 105 thanh tra viên, 16 thanh tra viên chính; ngoài trình độ chuyên môn, nhiều đồng chí đã được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ chuyên ngành thanh tra, ngoại ngữ và tin học... Cán bộ, công chức trong ngành có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được giao, luôn có ý thức học hỏi để nâng cao trình độ nghiệp vụ.
 
Trong 39 năm qua, đội ngũ CBCC ngành Thanh tra Lâm Đồng không ngừng được củng cố và trưởng thành, với nỗ lực của đội ngũ CBCC thanh tra đã khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt việc đổi mới trong hoạt động thanh tra. Kết quả đó được thể hiện rõ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng: Trong 39 năm qua ngành Thanh tra Lâm Đồng đã thực hiện 5.480 cuộc thanh tra, nội dung thanh tra tập trung một số lĩnh vực như: đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng đất đai, quản lý tài chính - ngân sách, tín dụng - ngân hàng; các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh .v.v. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm và xử lý thu hồi theo thẩm quyền 189,731 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 1.179ha đất các loại và các vật tư tài sản khác...; kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật đối với 1.353 trường hợp vi phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ 32 vụ việc. Tham mưu giải quyết được 68.290 đơn khiếu nại, tố cáo; tiếp được 66.589 lượt công dân...
 
Như vậy, kể từ khi thành lập đến nay, ngành Thanh tra Lâm Đồng đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra hàng năm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Các cuộc thanh tra đều đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan, gắn công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với phòng, chống tham nhũng; chống lãng phí. Các vi phạm phát hiện qua thanh tra được xử lý kiên quyết, thu hồi kịp thời tiền, tài sản vi phạm về cho ngân sách nhà nước và có nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách... Về công tác giải quyết khiếu nại, tối cáo (KNTC): ngành Thanh tra đã tích cực tham mưu cho UBND các cấp và thủ trưởng các ngành tăng cường chỉ đạo công tác giải quyết KNTC; tập trung tham mưu giải quyết kịp thời các đơn thư KNTC phát sinh, nhất là việc rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh và các đơn phức tạp đông người, đơn có liên quan đến đồng bào dân tộc, tôn giáo, không để “điểm nóng” phát sinh về KNTC, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị tại địa phương. Tổ chức bộ máy toàn ngành đến nay đã ổn định, chất lượng đội ngũ CBCC ngày càng được nâng lên, phẩm chất đạo đức luôn được rèn luyện đáp ứng yêu cầu công tác của ngành.
 
PV: Thưa đồng chí, thời gian tới, ngành Thanh tra Lâm Đồng sẽ thực hiện những gì để nâng cao hiệu quả thanh tra?
 
Đ/c Nguyễn Đức Hưng: Để nâng cao hiệu quả thanh tra của ngành Thanh tra Lâm Đồng trong những năm tới, cần phải tiến hành đồng thời những nhiệm vụ sau:
 
* Thứ nhất, về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC:
 
- Tham mưu cho lãnh đạo địa phương, ngành thực hiện tốt công tác tiếp dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp dân; tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tăng cường công tác tiếp dân ở cơ sở, những nơi đang thực hiện việc thu hồi, bồi thường để triển khai các công trình trọng điểm của tỉnh và những nơi có các vụ việc, bức xúc, liên quan đến nhiều người. 
 
- Coi trọng việc theo dõi chặt chẽ ngay từ đầu việc thực hiện các chủ trương của Nhà nước liên quan đến quyền lợi của công dân như: về thu hồi, bồi thường, tái định canh, định cư phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế của tỉnh, các công trình trọng điểm ở địa phương, nhất là tạo ra cơ chế tham gia giám sát của các tổ chức quần chúng, của chính quyền cơ sở, đặc biệt là mặt trận các đoàn thể về quy trình, cũng như việc công khai, dân chủ; làm tốt công tác đối thoại rộng rãi trong việc thu hồi, bồi thường, tái định cư... nhằm ngăn chặn ngay việc phát sinh đơn thư KNTC phức tạp, không để “điểm nóng” xảy ra và hạn chế khiếu nại vượt cấp.
 
- Qua công tác tiếp dân và công tác tham mưu giải quyết đơn thư KNTC, ngành Thanh tra phải chủ động tham mưu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về những chủ trương, chính sách còn bất cập, không còn phù hợp, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Kiến nghị xử lý kiên quyết những cán bộ trong thực thi nhiệm vụ do không làm hết trách nhiệm, làm không đúng, không kịp thời gây bức xúc cho người khiếu nại, có làm được vậy thì mới hạn chế được đơn phát sinh và khiếu nại vượt cấp, đông người phức tạp.
 
* Thứ hai, về công tác thanh tra:
 
- Hàng năm hoàn thành các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được thủ trưởng các cấp, các ngành, các địa phương phê duyệt và các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh và thủ trưởng các ngành, các địa phương. Hoạt động thanh tra phải phục vụ tích cực cho yêu cầu quản lý nhà nước của UBND tỉnh, cho việc đẩy mạnh cải cách hành chính của Chính phủ và UBND tỉnh đề ra, gắn với thanh tra trách nhiệm chức trách, công vụ của CBCC, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề nổi cộm.
 
- Tăng cường thanh tra trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với các cấp, các ngành về chấp hành Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
 
- Tập trung thanh tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành. Đây là những vấn đề trọng tâm trong công tác thanh tra của những năm tiếp theo.
 
- Tiến độ các cuộc thanh tra thực hiện phải đảm bảo thời gian theo quyết định; kết luận thanh tra phải chính xác, khách quan, trung thực; kiến nghị xử lý kịp thời. Qua thanh tra, làm rõ đúng, sai, tìm ra nguyên nhân của các sai phạm, kiến nghị biện pháp khắc phục, phục vụ yêu cầu công tác QLNN của ngành và của lãnh đạo địa phương. 
 
- Nâng cao chất lượng các kiến nghị của từng đoàn thanh tra, các kiến nghị phải được đơn vị được thanh tra và cơ quan có thẩm quyền chấp nhận xử lý. Kiên quyết, kịp thời thu hồi những tiền, tài sản vi phạm phát hiện qua thanh về cho ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra để đảm bảo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra theo quy định của Luật thanh tra.
 
* Thứ ba, về công tác xây dựng ngành:
 
- Tập trung củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo thanh tra các cấp, các ngành; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho CBCC thanh tra, nhất là quan tâm đào tạo về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ thanh tra, ngoại ngữ, tin học để xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng, thông thạo về nghiệp vụ chuyên môn “giỏi một việc biết nhiều việc” “là một tấm gương thanh liêm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
- Tổ chức thực hiện tốt việc chống tham nhũng ngay trong nội bộ đơn vị mình; kiên quyết thực hiện nghiêm các nội qui, quy chế của ngành, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ, nhất là quy chế Đoàn thanh tra; 5 điều kỷ luật đối với cán bộ của ngành; Quy chế giám sát, kiểm tra Đoàn thanh tra... Thường xuyên giáo dục CBCC, thanh tra viên để không có hành vi tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu trong quá trình thực thi nhiệm vụ..., không để một cán bộ nào trong đơn vị vi phạm tiêu cực tham nhũng và các vi phạm pháp luật khác. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ không đủ phẩm chất và không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chánh Thanh tra!
 
PV (Thực hiện)