Một cựu binh thiện nguyện

09:12, 17/12/2015

Về xã Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh) hay gặp Hội Chữ thập đỏ huyện Đạ Tẻh, khi hỏi về người cựu chiến binh Trường Sơn Tạ Thị Ngọc Hiền với tấm lòng thiện nguyện đều được trả lời một cách trân trọng. Chị Hiền không chỉ là cựu binh mà còn là hội viên Hội VH-NT tỉnh Lâm Đồng. Chị đã dùng ngòi bút của mình khơi dậy lòng nhân ái của mọi người từ thành thị cho đến nông thôn.

Về xã Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh) hay gặp Hội Chữ thập đỏ huyện Đạ Tẻh, khi hỏi về người cựu chiến binh Trường Sơn Tạ Thị Ngọc Hiền với tấm lòng thiện nguyện đều được trả lời một cách trân trọng. Chị Hiền không chỉ là cựu binh mà còn là hội viên Hội VH-NT tỉnh Lâm Đồng. Chị đã dùng ngòi bút của mình khơi dậy lòng nhân ái của mọi người từ thành thị cho đến nông thôn.
 
Chị Tạ Thị Ngọc Hiền sinh tại Sài Gòn rồi lớn lên trong một gia đình thiếu vắng bóng mẹ. Tuổi thơ của chị trôi bồng bềnh trên những con kênh đào mùa nước nổi ở Long An. Năm 1968, chị tham gia công tác quân báo trong lực lượng vũ trang ở quân khu. Đến 1972 được tổ chức cho vượt Trường Sơn ra Bắc học văn hóa, nghiệp vụ để trở thành cán bộ nguồn cho thời chiến tranh và nước nhà thống nhất. Thế nhưng, cuộc đời không giống như giấc mơ vàng của thời con gái, tổ ấm gia đình tan vỡ, chị dẫn hai con về Đạ Tẻh như duyên số gắn bó với rừng núi đại ngàn. Ngày ấy, Đạ Tẻh là vùng kinh tế mới thiếu thốn trăm bề.
 
Khi được hỏi về những tác phẩm ra đời và những chuyến đi từ thiện giúp đỡ người cô đơn, bệnh tật, chị bật máy vi tính in ra cho tôi hai tờ giấy A4 chi chít “chiến công”, từ việc vận động Mạnh Thường Quân làm hai chiếc cầu treo ở Hà Lâm và liên thôn xã Đạ Kho đến xây nhà tình nghĩa, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, người bị nhiễm HIV cho đến các bệnh hiểm nghèo, rồi bữa cơm từ thiện ở bệnh viện địa phương nơi mình cư trú. Những năm tháng qua, người cựu binh Trường Sơn đã trở thành ân nhân của những cuộc đời bất hạnh.
 
Để giải thích câu hỏi của tôi về những công việc thiện nguyện của mình, chị Hiền dẫn tôi đi vòng quanh một số địa chỉ từ Trường mầm non Anh Đào, Hoa Hồng, nhà anh Thêu, chị Yên bệnh tâm thần đến chị Luyến (Đạ Lây), anh Thiện ở Đạ Pal… rồi hai cây cầu ở Hà Lâm, Đạ Kho… Đến đâu chị cũng được mọi người chào đón như một ân nhân nghĩa tình.
 
Hoàn cảnh chưa giàu có, số tiền chị kiếm được giao tận tay cho người mang bệnh hiểm nghèo đều từ nhuận bút làm thơ, viết báo hoặc trực tiếp đi vận động những người có tâm. Trong những cuộc thi văn nghệ quần chúng được giải nhất hay giải nhì đơn ca, chị đề nghị ban giám khảo chuyển thẳng số tiền cho anh A, chị B… mang bệnh hiểm nghèo.
 
Chị tìm kiếm trong kệ sách lấy ra tấm ảnh chiếc cầu treo Hà Lâm đã ngả màu. Chị nói trong nước mắt: “Năm 2007, Hội VH-NT tỉnh Lâm Đồng tổ chức trại sáng tác ở huyện Đạ Huoai. Tại xã Hà Lâm có thôn 1, thôn 2 nằm bên kia suối Đạ Bré. Ở tại con suối đá này, mỗi năm vào mùa lụt đã không ít người bị chết đuối nước, tổng số là 8 người. Khi chúng tôi đến nhằm lúc cảnh tang thương ấy xảy ra. Bên bờ Đạ Bré vọng lên tiếng khóc khàn, tiếng kêu gào của người thân réo gọi tên con em mình trong tuyệt vọng làm chúng tôi bật khóc. Ngay ngày hôm sau, tôi làm thơ, văn, photo bài viết gởi đi kêu gọi tấm lòng vàng để làm chiếc cầu treo. Anh Ba Nhơn ở miền Tây, người chuyên làm cầu treo từ thiện, sau khi đọc được bài báo đến “gõ cửa” Báo Công an TP. HCM được hỗ trợ một khoản tiền lớn nhưng không đủ. Tôi và người bạn La Ty về chợ Kim Biên ở Sài Gòn xin thêm. Khi khánh thành cầu, gần 400 ân nhân buôn gánh bán bưng từ các nơi đến dự. Thời điểm đó, chúng tôi còn nợ công phá đá 50 triệu đồng không có khả năng chi trả. Lúc ấy, chúng tôi vừa lo vừa sợ chủ nợ xiết nhà, nên đứng trên cầu cầm micro hát bài “Chiếc cầu mới nghĩa tình” do tôi sáng tác, vừa hát vừa khóc. Bà con xã Hà Lâm và ân nhân cũng khóc, họ móc những tờ bạc cuối cùng còn mùi cá, mùi mồ hôi mặn chát cong queo đặt trên lưng người khác vuốt thẳng thớm đến góp. Kết quả đủ tiền trả nợ”.
 
* * *
 
Tết này, nữ chiến binh Tạ Thị Ngọc Hiền sang tuổi 62. Lúc chia tay, chị ngậm ngùi nói với tôi: “Mình sẽ làm từ thiện đến cuối đời bằng ngòi bút và phong cách sương gió của người lính, sẵn sàng mang ba lô đi khai mở những tấm lòng vàng để đến với những hoàn cảnh neo đơn hay bệnh tật hiểm nghèo. Hạnh phúc của người thiện nguyện là nụ cười và tia mắt hy vọng của bà con trong cơn hoạn nạn”.
 
TRẦN ĐẠI