Âu tàu Song Tử Tây - nơi neo đậu giữa trùng khơi sóng

09:01, 12/01/2016

Song Tử Tây - hòn đảo có hình bầu dục nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển tạo cho nơi này sự bình yên giữa muôn trùng sóng gió. Với bà con ngư dân, nơi đây là chốn neo đậu thanh bình bởi có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá có công suất lớn cùng những chiếc tàu đặc chủng luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. 

Song Tử Tây - hòn đảo có hình bầu dục nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển tạo cho nơi này sự bình yên giữa muôn trùng sóng gió. Với bà con ngư dân, nơi đây là chốn neo đậu thanh bình bởi có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá có công suất lớn cùng những chiếc tàu đặc chủng luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. 
 
Tàu ngư dân vào lấy nước ngọt và mua thực phẩm tại âu tàu Song Tử Tây
Tàu ngư dân vào lấy nước ngọt và mua thực phẩm tại âu tàu Song Tử Tây
Đến với Song Tử Tây, chúng tôi có dịp thăm Đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân thuộc Công ty TNHH MTV 128 Hải quân. Biển Trường Sa những ngày cuối năm khá êm đềm nên âu tàu với diện tích gần 4ha cũng thưa dần những con tàu tránh trú. Chỉ có con tàu mang số hiệu BĐ 97632 của anh Tướng Phước Khải - ngư dân đến từ Bình Định, bị gãy trục chân vịt đã được sửa chữa và chuẩn bị tiếp tục ra khơi. Anh Khải kể: “Lúc đầu tàu bị hỏng máy, anh em trên tàu ai cũng lo. Bởi một chuyến ra khơi xa kéo dài cả mấy tháng trời chúng tôi phải đổ vào đấy bao nhiêu là tiền của. Nếu phải quay trở lại bờ thì hải trình sẽ không diễn ra đúng kế hoạch, chúng tôi phải tốn kém rất nhiều”. Qua câu chuyện ngắn của anh Khải, chúng tôi hiểu rằng gia đình của chủ tàu và 9 thuyền viên đều trông đợi vào mỗi chuyến ra khơi. Thế mới càng hiểu hơn nụ cười và những cái vẫy tay đầy quyến luyến của các thuyền viên lúc tàu sắp rời âu tiếp tục hải trình trên biển lớn.
 
Anh Lê Duy Ấn - Đội trưởng Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Song Tử Tây cho biết: “Khi nhận được thông tin, tín hiệu kêu cứu của ngư dân, vào bất kể thời gian nào, Đội dịch vụ của âu tàu sẽ cho tàu cứu hộ ra lai dắt tàu vào âu. Và những thiết bị hỏng hóc của tàu nhanh chóng được chuyển lên để sửa chữa, tránh làm thay đổi hải trình của ngư dân”. Anh Ấn cho biết thêm: “Năm 2014, trạm dịch vụ đã cung cấp cho ngư dân trên 215.900 lít dầu diesel, gần 2.500kg lương thực, cấp miễn phí trên 1.200 mét khối nước ngọt. Đồng thời, sửa chữa trên 20 lượt tàu cá của ngư dân bị hư hỏng, hướng dẫn cho 159 lượt tàu cá vào âu tàu tránh trú bão an toàn. Năm 2015, âu tàu đã tiến hành sửa chữa hơn 100 tàu cá các loại, cấp gần 72 khối nước ngọt và bán hơn 76.000 lít dầu cho bà con theo giá trên đất liền. Cũng trong năm qua, âu tàu đã là nơi neo đậu tàu cho gần 200 lượt ngư dân vào khám chữa bệnh tại đảo, trong đó có 12 lần cấp cứu ngư dân”. Khu vực biển ở phía Bắc quần đảo Trường Sa là ngư trường chủ yếu của ngư dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với các loại tàu chủ yếu là tàu lưới đánh cá chuồn, cá nục (đi hải trình kéo dài khoảng 1 tháng); tàu câu mực (hải trình kéo dài 3 - 4 tháng); ngoài ra còn có các tàu lặn hải sâm, bắt giống tôm hùm...
 
Hiện tại, khu dịch vụ hậu cần này có 5 téc chứa dầu tương đương với 50.000 lít. Ngoài ra, để có thể cung ứng được nước ngọt miễn phí cho các ngư dân, đảo còn tích cực thu gom dự trữ nước mưa trong 4 bể nước ngọt với gần 300 khối nước; xây dựng thêm 1 bể lớn 400 khối và tiến hành lắp đặt các hệ thống ống dẫn nước để có thể trút vào các tàu có khối lượng lớn. Anh Ấn khẳng định: “Nếu như không có âu tàu này, ngư dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi đánh bắt xa bờ dài ngày. Những sự cố như hỏng máy, hỏng chân vịt, gãy bánh lái... là tai nạn thường xảy ra đối với các tàu cá. Chưa kể những khi biển động bất ngờ, nếu không có nơi tránh trú an toàn, tính mạng của ngư dân trên tàu sẽ gặp nguy hiểm. Nếu quay trở về đất liền được cũng thiệt hại cả hàng trăm triệu đồng, đó là cả một gia tài lớn đối với ngư dân. Bởi thế với hoạt động của khu dịch vụ hậu cần này, vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa nhộn nhịp tàu thuyền của ngư dân hẳn lên”. Khu dịch vụ này được thành lập từ năm 2008. Đại tá Bùi Hải Phước - Tham mưu trưởng, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 nhận định: “Đây là khu dịch vụ hậu cần nghề cá khai thác công năng hiệu quả ở Trường Sa”. Dịch vụ này đã giúp ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển để khai thác ở những ngư trường thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả và lợi nhuận vươn khơi.
 
Ngoài ra, âu tàu còn có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, nước ngọt, thuốc men. “Giờ đây, tàu hỏng được sửa chữa miễn phí, đánh bắt mùa nắng không còn sợ thiếu nước ngọt, lại có thể mua dầu và thức ăn ngay trên biển nên ngư dân chúng tôi càng yên tâm đánh bắt dài ngày”, anh Khải nói.
 
Hiện âu tàu đang xây dựng thêm xưởng sửa chữa, mở rộng kho chứa hàng để nâng cao khả năng cung ứng cho người dân. Ngoài ra, trên đảo Song Tử Tây hiện nay, một “làng chài” hiện đại đang được tiến hành xây dựng. Đây sẽ là nơi neo đậu lâu dài cho ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển.
 
Trong cuộc điện thoại chóng vánh với anh Trần Văn Được - một ngư dân của tỉnh Phú Yên hiện đang đánh bắt ở Bắc Trường Sa; con tàu mang số hiệu PY 91847 của anh vừa được sửa chữa tại khu dịch vụ hậu cần này vào ngày 29/12/2015, anh xúc động nói: “Giữa trùng khơi, các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa là hậu phương vững chắc của ngư dân. Ra khơi bám biển, ngư dân không còn nỗi lo bơ vơ không nơi tránh trú khi gặp bão, không còn sợ phải quay vào bờ khi nguồn lương thực, nước ngọt cạn dần”. Những năm trước đây, do chưa có điều kiện sắm tàu to, ngư dân đi Trường Sa với tàu chỉ 45-65 mã lực. Còn hiện nay, khi nhiên liệu, lương thực, nước ngọt đã được cung cấp ngay trên biển, nhiều ngư dân đã đầu tư tàu đi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa với tàu có máy công suất từ 90 mã lực trở lên và yên tâm bám biển dài ngày.
 
Làng chài đang được xây dựng trên đảo Song Tử Tây khi hoàn thành sẽ có 300 ngư dân, hiện hai con đê chắn sóng đã được xây dựng. Đồng thời, lòng âu tàu đã được nạo vét sâu hơn, triền âu được xây dựng vững chắc hơn… để tàu thuyền ngư dân dễ vào âu hơn. Bên cạnh đó, bệnh xá cũng được sửa chữa, đầu tư thêm máy móc để cấp cứu cho bà con. Trung tá Trương Sỹ Nam, Chỉ huy đảo Song Tử Tây khẳng định: “Sự đầu tư lớn của nhà nước, sự nỗ lực tương thân tương ái của lực lượng hải quân, tất cả vì mục tiêu để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi trên vùng biển quê hương”.
 
NGỌC NGÀ