Chuẩn bị hàng tết

09:01, 04/01/2016

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết đã được Sở Công thương lên kế hoạch từ tháng 9. Giữa tháng 10, Sở Công thương có công văn yêu cầu các huyện, thành phố lên danh sách đăng ký nhu cầu, điểm bán, hỗ trợ truyền thông, mặt bằng để Sở yêu cầu các doanh nghiệp đưa hàng hóa về...

Lượng hàng hóa tăng
 
Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết đã được Sở Công thương lên kế hoạch từ tháng 9. Giữa tháng 10, Sở Công thương có công văn yêu cầu các huyện, thành phố lên danh sách đăng ký nhu cầu, điểm bán, hỗ trợ truyền thông, mặt bằng để Sở yêu cầu các doanh nghiệp đưa hàng hóa về. Dự báo nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sẽ tăng 15 - 20%. Việc chuẩn bị hàng tết sẵn sàng với phương án đảm bảo đủ các hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương trong thời gian đến. Đáng chú ý, nguồn hàng dự trữ phục vụ tết năm nay chủ yếu là hàng Việt, chiếm tới 80% nguồn hàng phục vụ tiêu dùng của người dân. Đối với Lâm Đồng, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, chính vì vậy việc duy trì triển khai chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán là hết sức cần thiết. 
 
Hàng hóa năm nay dự báo sẽ dồi dào, giá cả ít biến động
Hàng hóa năm nay dự báo sẽ dồi dào, giá cả ít biến động
Tính đến giữa tháng 12/2015, toàn tỉnh đã có 6 doanh nghiệp (DN) và 2 đơn vị kinh doanh đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá mua hàng dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh trong dịp tết. Đó là, Công ty Cổ phần Espace Buisiness Huế tại Đà Lạt (Siêu thị Big C), Công ty TNHH Sài Gòn Coop Bảo Lộc (Siêu thị Coop Bảo Lộc), Công ty Cổ phần Thương mại Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Len Nguyễn, Công ty Cổ phần Long Việt, Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại V.A.T, Ban Quản lý chợ Đà Lạt, Ban Quản lý chợ Liên Nghĩa - Đức Trọng. Đối với hàng bình ổn giá, người tiêu dùng được thụ hưởng ưu đãi về giá bán thấp hơn so với thị trường 5 - 10% trong dịp tết (định giá dựa trên sự so sánh với những sản phẩm cùng loại bên ngoài thị trường, có chất lượng và tiêu chuẩn ngang nhau). Các nhóm hàng thiết yếu phục vụ bình ổn giá như gạo tẻ, gạo nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả… sẽ cung ứng, phục vụ kịp thời cho người dân ở các vùng sâu vùng xa, hạn chế thấp nhất tình trạng khan hàng, sốt giá thường diễn ra ở những năm trước đây trong dịp tết đến xuân về. Bên cạnh đó, việc vận động, khuyến khích thương nhân kinh doanh hàng hóa thực hiện phân phối hàng hóa thiết yếu ưu tiên hàng sản xuất trong nước nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cần thiết. Bà Trịnh Thị Thanh - Phó phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, Sở cũng đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá để lắng nghe ý kiến của các bên. Những khó khăn, thuận lợi khi tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá được nhiều đại biểu cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp cụ thể để chương trình bình ổn thực hiện hiệu quả hơn. 
 
Từ giữa tháng 11, nhiều công ty, đại lý đã bắt đầu lên kế hoạch chi tiết về dự trữ hàng hóa chuẩn bị cho mùa “ăn nên làm ra” nhất trong năm, đảm bảo không thiếu hàng, sốt hàng. Được biết, các cửa hàng, đại lý sẽ dự trữ hàng hóa phục vụ tết bằng hoặc nhỉnh hơn tết năm ngoái 15 - 20%. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở các xã thuộc huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, các xe tải bán hàng lưu động cũng đã thực hiện việc đi khảo sát nhu cầu mặt hàng để đặt các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa. Một điểm mới đó là năm nay, các doanh nghiệp, hộ cá thể, đại lý không được nhận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất như mùa Tết Nguyên đán 2015 bởi không đảm bảo được việc hạch toán, sổ sách với cơ quan chức năng.
 
Giám sát chặt chẽ
 
Sở Công Thương đã tiến hành theo dõi, nắm bắt tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu của các thương nhân, dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa về cơ cấu mặt hàng, số lượng tiêu thụ, biến động giá cả, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn trong thời gian từ nay đến hết Tết Nguyên đán để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau tết. Đồng thời, vận động, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để thương nhân kinh doanh hàng hóa thực hiện phân phối hàng hóa thiết yếu ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ cho người dân mua sắm, vui xuân đón Tết cổ truyền. Theo bà Thanh, tiêu chí xét chọn DN tham gia chương trình bình ổn giá là DN phải có trụ sở đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phải có uy tín, quy mô kinh doanh phát triển về cả vốn, mạng lưới bán buôn, bán lẻ, có kho dự trữ, có năng lực thực hiện và có kinh nghiệm tổ chức nguồn hàng phân phối. Các DN tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Bính Thân 2016 phải đảm bảo đầy đủ số lượng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trên thị trường. Hàng hóa phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định. “Trong suốt thời gian triển khai chương trình, Sở Công thương sẽ phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước. Tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn dịp cuối năm 2015 và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tới đây”, bà Thanh nhấn mạnh.
 
HOÀNG YÊN