Để người khuyết tật cùng vươn lên

09:02, 17/02/2016

Nhiều năm liền, Hội Người khuyết tật Đà Lạt luôn làm tốt nhiệm vụ của mình, vận động hội viên cùng vươn lên làm ăn, hòa nhập cộng đồng; làm cầu nối đưa các nhà tài trợ, người hảo tâm đến giúp đỡ, hỗ trợ hội viên.

Nhiều năm liền, Hội Người khuyết tật Đà Lạt luôn làm tốt nhiệm vụ của mình, vận động hội viên cùng vươn lên làm ăn, hòa nhập cộng đồng; làm cầu nối đưa các nhà tài trợ, người hảo tâm đến giúp đỡ, hỗ trợ hội viên.
 
UBMTTQ tỉnh trao quà cho những người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh trong năm 2015.
UBMTTQ tỉnh trao quà cho những người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh trong năm 2015

Nỗ lực không ngừng
 
Trong cửa hàng phô tô - vi tính nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt, khi tôi đến, anh Vũ Hoài Thanh, 33 tuổi, đang mải mê làm việc với máy tính. Hai tay lướt thoăn thoắt trên máy tính, anh không có vẻ gì là một người khuyết tật, chỉ khi đứng lên tôi mới thấy anh dùng đôi nạng gỗ. Cùng làm với anh ở cửa hàng còn có một người khuyết tật khác nữa nhưng sáng đó bận việc ở nhà, chỉ mình anh xoay xở, vừa đánh máy tài liệu, vừa phô tô cho khách. “Cũng quen rồi, công việc hằng ngày là thế mà” - anh cười. 
 
Nhưng đâu chỉ mỗi cửa hàng này, anh Thanh có đến 2 cửa hàng như vậy. Anh có một cửa hàng nữa nằm trên đường Quang Trung - Đà Lạt. Không chỉ phô tô sách vở, anh còn có thể thiết kế bảng biểu, in ấn, sửa chữa máy tính. Học máy tính từ nhỏ, anh tỏ ra rất thành thạo công nghệ thông tin. “Tôi bị khuyết tật vận động, học nghề máy tính là phù hợp nhất” - anh cho biết. Là một người năng động, chịu khó cần mẫn làm việc, anh còn tích cực tham gia công tác Hội Người khuyết tật Đà Lạt và gần đây còn đứng ra tổ chức các lớp dạy lại nghề phô tô - vi tính cho nhiều người khuyết tật khác trong hội. Ở các cửa hàng của anh cùng có các thành viên khác là người khuyết tật làm việc, anh cho biết thu nhập hàng tháng bình quân mỗi người ở cửa hàng cũng được một vài triệu đồng, đủ để xoay xở cho cuộc sống. “Tôi rất mong dạy thêm được nhiều người trong hội theo nghề này để tự lực kiếm sống, không phải phụ thuộc gia đình” - anh Long nói. 
 
Một tấm gương khác của Hội Người khuyết tật Đà Lạt luôn vượt khó vươn lên chính là chị Đỗ Thị Hạnh. Năm nay chị Hạnh đã 51 tuổi, nhà ở 35/2 đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8. Bị khuyết tật vận động từ nhỏ, chị Hạnh chọn nghề đan len để mưu sinh. Năm 2008, chị thành lập Hợp tác xã đan len Nhân Ái với khoảng 20 xã viên, tất cả đều là người khuyết tật. Hợp tác xã của chị nhận gia công hàng từ các mối ở Đà Lạt và TP HCM, từ mũ nón, áo len đến đồ lưu niệm làm từ len. Gần đây, thông qua một dự án Tây Ban Nha do Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng giới thiệu, Hợp tác xã của chị được hỗ trợ 2 máy ráp len, thêm 4 máy kéo len do chị em của Hợp tác xã mua được. Trước Hợp tác xã thuê mặt bằng để làm việc, nhưng gần đây do tiền thuê mặt bằng cao nên các xã viên nhận hàng về nhà làm.
 
Theo chị Hạnh, công việc của Hợp tác xã đang khá ổn định, mọi người đều có hàng làm, thu nhập mỗi tháng mỗi người cũng gần được 1 triệu đồng. “Thu nhập như thế thì không cao, nhưng với người khuyết tật thì thế cũng ổn, đủ chi tiêu, có ít dùng ít. Cái chính là tự mình làm ra tiền để nuôi sống chính mình, không phải phụ thuộc gia đình đó là niềm vui lớn nhất rồi” - chị tươi cười. Chị cho biết Hợp tác xã của chị đang rất cần một mặt bằng đủ rộng, tập hợp mọi người lại để dễ dàng làm việc hơn để nâng cao mức thu nhập cho mọi người.
 
Cho mục tiêu hòa nhập cộng đồng 
 
Theo ông Trần Mạnh Thu, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Lạt, Hội lâu nay luôn sát cánh cùng hội viên, người khuyết tật trong thành phố, khuyến khích hội viên nỗ lực vươn lên làm ăn, cố gắng tự lực cánh sinh để nuôi sống mình. Hội với vai trò của mình cố gắng tác động đến các cơ quan chức năng thành phố và tỉnh thực hiện tốt các chính sách dành cho người khuyết tật. Đồng thời, Hội cũng chính là chiếc cầu nối để liên hệ với các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng xe lăn xe lắc cho người khuyết tật, hỗ trợ xây nhà tình thương. 
 
Như trong năm 2015 và dịp Tết vừa qua, Hội đã vận động các cấp chính quyền, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng hằng nghìn phần quà trong năm và dịp Tết cho người khuyết tật tại Đà Lạt vui xuân đón Tết, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 50 xe lăn, 10 chiếc xe lắc, làm 10 chân giả, hỗ trợ xây mới 3 căn nhà tình thương, sửa chữa 5 căn nhà. Bản thân Hội cũng tổ chức tặng quà sinh nhật cho trên 235 hội viên của mình trong năm; cùng đó vận động Trung tâm Y tế Đà Lạt khám sức khỏe định kỳ cho hội viên hằng năm. 
 
Đặc biệt, trong năm 2015 vừa qua, Hội đã kết hợp với Hội Người khuyết tật Lâm Đồng để liên hệ với chương trình “Vượt lên chính mình” của Đài Truyền hình TP.HCM đến làm chương trình cho anh Nguyễn Duy Long, một người khuyết tật đang bị bệnh tại Đà Lạt. Từ chương trình này, Đài Truyền hình TP.HCM và nhiều người hảo tâm đã giúp đỡ cho anh Long tổng số tiền lên đến trên 100 triệu đồng. Hội cũng đứng ra vận động một nhà hảo tâm là doanh nghiệp tại Đà Lạt tặng cho gia đình anh Long 50m2 đất để anh xây nhà.
 
Để khuyến khích cho hội viên vươn lên làm ăn, Hội đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh vận động hội viên đi học nghề với các nghề phù hợp. 
 
Để giảm bớt mặc cảm cho hội viên, Hội Người Khuyết tật Đà Lạt cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, giao lưu với các hội khuyết tật các địa phương trong và ngoài tỉnh. Như trong năm 2015, Hội đã đứng ra tổ chức 3 đêm văn nghệ “Chung một tấm lòng” nhằm gây quỹ với tổng số tiền thu được trên 100 triệu đồng giúp đỡ cho 3 hoàn cảnh khó khăn có tiền chữa bệnh hiểm nghèo. Tại Hội thao Người khuyết tật toàn tỉnh 2015, đoàn VĐV của Hội Người Khuyết tật Đà Lạt giành vị trí dẫn đầu với 23 huy chương, trong đó có 9 huy chương vàng. “Tất cả nhằm động viên khuyến khích tinh thần cho hội viên, tạo động lực cho người khuyết tật, dù ngồi xe lăn, dù chống nạng, dù là những người kém may mắn trong xã hội nhưng vẫn cố gắng không ngừng vươn lên thành người có ích cho gia đình và xã hội” - ông Thu cho biết.
 
GIA KHÁNH