Ghi nhận qua 4 năm thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

10:02, 15/02/2016

Thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ Quốc tế sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo 24 của tỉnh (BCĐ 24). 

Thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ Quốc tế sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo 24 của tỉnh (BCĐ 24).
 
Quá trình triển khai tổ chức thực hiện, BCĐ 24 của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên, kịp thời của Ban chỉ đạo 24 Quân khu 7 và cơ quan nghiệp vụ các cấp. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh đã thực hiện tốt chức năng tham mưu đề xuất cùng với sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan từ tỉnh đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn, triển khai. Kết quả sau 4 năm thực hiện, toàn tỉnh có 6.686/8.328 đối tượng đã có Quyết định hưởng chế độ 62. Trong đó, diện được hưởng chế độ phụ cấp một lần là 6.771 người với số tiền trên 24 tỷ đồng. Đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng và đối tượng đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 5.846 người, giải quyết chế độ mai táng phí cho 246 người đã từ trần.
 
Thực hiện chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng
Thực hiện chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng
Cho đến thời điểm hiện nay, Ban chỉ đạo 24 đã nộp về Quân khu 1.112 hồ sơ hưởng trợ cấp 1 lần và 2 hồ sơ hưởng trợ cấp hàng tháng; đang thẩm định 591 hồ sơ, chủ yếu là đối tượng dân quân tham gia truy quét Fulro. Qua tổng kết, bên cạnh kết quả đạt được, Ban chỉ đạo 24 của tỉnh đã chỉ rõ một số hạn chế, đó là công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là vùng sâu, vùng xa chưa thường xuyên liên tục. Việc khảo sát đối tượng hưởng chế độ 62 chưa sát với thực tế ở địa phương. Hội đồng chính sách một số xã, phường, thị trấn thiếu tinh thần trách nhiệm trong tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ; quá trình thực hiện còn lúng túng nên tiến độ còn chậm, chất lượng chưa cao, nhất là đối tượng dân quân tham gia truy quét Fulro.
 
Thực hiện Kết luận số 192- TB/TW, ngày 29/1/2015 của Bộ Chính trị, ngày 14/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2015/QĐ- TTg về một số chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, nhằm ghi nhận, tôn vinh và động viên người có công đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần tăng cường an ninh, ổn định tình hình ở các địa phương, tạo thêm động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách này vẫn có những khó khăn nhất định do đối tượng có số lượng lớn. Đối với tỉnh Lâm Đồng, hầu hết đối tượng từ nơi khác đến, thời gian tham gia làm nhiệm vụ cách đây đã nhiều năm, liên quan tới nhiều cấp, ngành, việc quản lý xác định đối tượng ở các địa phương có những phức tạp. Căn cứ kết luận của Ban chỉ đạo 24 Quốc gia, để thực hiện tốt chế độ, chính sách theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ cần triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
 
Một là: Kiện toàn bổ sung ban chỉ đạo các cấp và Hội đồng chính sách xã, phường, thị trấn đủ cơ cấu thành phần theo hướng dẫn, thành lập tổ tư vấn cấp huyện, xã. Xác định chủ trương, xây dựng chương trình, kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện sát với thực tiễn của địa phương.
 
Hai là: Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan quân sự, MTTQ, ngành Lao động Thương binh và Xã hội. Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu TNXP, Hội Người cao tuổi, Ban Liên lạc dân công hỏa tuyến.
 
Ba là: Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực bảo đảm cho tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa của chính sách ban hành của Đảng, Nhà nước. Chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức hội nghị tập huấn ở các cấp, bảo đảm đầy đủ tài liệu, văn bản, hệ thống mẫu biểu đến tận cơ sở. Tổ chức tốt việc làm điểm, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện ở từng cấp, từng khâu, từng giai đoạn.
 
Bốn là: Tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả việc tổ chức phát hiện, xét duyệt chi trả. Phát huy vai trò của tổ tư vấn trong việc nghiên cứu, thẩm tra, xác minh; chi trả công khai kịp thời, thanh quyết toán đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, phiền hà làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội ở các địa phương.
 
Năm là: Thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình, góp ý kịp thời những vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền từng cấp. Làm tốt công tác sơ tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những sai phạm, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện.
 
Đại tá TRẦN CHIẾN - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh