Nhìn lại 15 năm "Vì người nghèo"

08:03, 14/03/2016

Lâm Đồng là một tỉnh có trên 24% dân số là người DTTS; đời sống của đại đa số bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn vẫn còn khá xa. Chính vì vậy, công tác "Vì người nghèo" cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức...

Lâm Đồng là một tỉnh có trên 24% dân số là người DTTS; đời sống của đại đa số bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn vẫn còn khá xa. Chính vì vậy, công tác “Vì người nghèo” cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. 15 năm qua, những kinh nghiệm và bài học trong quá trình vận động, sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ người nghèo là vấn đề được Ban vận động cấp tỉnh và nhiều địa phương đặc biệt quan tâm.
 
Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Lâm Đồng ủng hộ 600 triệu đồng vào Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh
Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Lâm Đồng ủng hộ 600 triệu đồng vào Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 9/7/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Cuộc vận động “Toàn xã hội tham gia xóa nhà tạm cho các hộ nghèo”, thời gian qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động. Từ đó, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã có sức lan tỏa rộng khắp và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhiều tấm lòng hảo tâm trên tinh thần “tương thân tương ái”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,9%, trong đó, tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn 4%. Đây được xem là thành quả của quá trình làm việc hết sức nhiệt tình, trách nhiệm của các ban chỉ đạo, ban vận động, UBMTTQ từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt vai trò của các tổ chức chính trị thành viên, đội ngũ cán bộ cấp thôn, tổ dân phố trong việc “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, kêu gọi nhân dân. Theo đó, trong 15 năm qua (2000-2015), tổng số tiền Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh vận động được là trên 81,1 tỷ đồng; trong đó, cấp huyện vận động được trên 39 tỷ đồng và cấp xã vận động được trên 24,6 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Lâm Đồng đã triển khai xây dựng được 4.095 căn nhà với số tiền trên 57,6 tỷ đồng và đã phân bổ cho các địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ cho các em học sinh nghèo đi học, bệnh nhân nghèo được chữa bệnh... Riêng trong 2 năm 2007-2008, đã thực hiện xây dựng gần 3.000 căn nhà dột nát cho các hộ nghèo. 
 
Chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác “Vì người nghèo” của tỉnh, ông Phan Hoàng Anh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban vận động “Ngày vì người nghèo” cho biết: “Công tác tham mưu, đề xuất sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền và sự thống nhất hành động của các tổ chức thành viên là yếu tố quyết định, đảm bảo cho cuộc vận động phát triển bền vững và sâu rộng. Trong giai đoạn tới, nhất thiết Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” phải gắn kết chặt chẽ với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để thường xuyên phát huy nội lực trong cộng đồng dân cư. Nguyên tắc công khai, dân chủ, bình đẳng từ việc bình xét hộ nghèo, chọn hộ nghèo để được hỗ trợ đầu tư; việc công khai danh sách các tổ chức, cá nhân giúp đỡ hỗ trợ người nghèo, công khai tên, địa chỉ người được giúp đỡ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại trụ sở UBND xã, phường là điều hết sức cần thiết để nhân dân được biết, được tham gia”.
 
Tuy nhiên, hiện nay, quá trình vận động hỗ trợ đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, do đời sống của nhân dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, còn nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên nhiều doanh nghiệp cũng còn gặp khó khăn, nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho người nghèo cũng phần nào bị hạn chế. Một số địa phương, cơ sở tiến hành giải ngân chậm, nội dung hỗ trợ mới chỉ tập trung vào xây nhà chứ chưa hỗ trợ vào các lĩnh vực khác nên một số ít hộ nghèo vẫn còn khó khăn.
 
Trao đổi về những tồn tại hiện nay, ông Dương Quang Hải - UVBTV Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện Đức Trọng cho biết: “Thực tế hiện nay, nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo không nhiều, trong khi đó đây là một trong những tiêu chí để đạt nông thôn mới. Mà  đã là hộ nghèo thì hầu như không có đất nên  mặc dù được hỗ trợ kinh phí xây nhà, nhưng lại không có đất để xây nhà - đây là một thực trạng rất đáng quan tâm hiện nay trong công tác giảm nghèo”. 
 
Còn theo bà Lê Thị Nhàn - UVBTV Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện Lâm Hà lại cho rằng: “Với mức quy định vận động tối thiểu 30.000 đồng/hộ là không còn phù hợp với thời điểm hiện nay. Trong khi mức xây được một căn nhà cho hộ nghèo thực tế phải mất từ 50-70 triệu đồng mới có thể thực hiện được. Nên chăng, cơ quan Trung ương cần điều chỉnh về mức vận động hoặc quy định về giá trị xây một căn nhà để phù hợp với thời điểm hiện tại.
 
Để Cuộc vận động “Vì người nghèo” đạt hiệu quả cao, giúp người nghèo sớm thoát nghèo một cách bền vững, tiến tới thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho rằng: “Các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia giúp đỡ người nghèo; đồng thời cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả  nhằm tiếp sức cho các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Mặt khác, MTTQ các cấp cần phát huy vai trò giám sát trong công tác bình xét hộ nghèo và thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương nhằm đảm bảo công bằng, chất lượng, hiệu quả.
 
NGUYỆT THU