Khi cô giáo "gần" hơn mẹ hiền

09:04, 27/04/2016

Với các học sinh Trường PTDT nội trú Lâm Hà, từ lâu, các em đã xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai, bởi phần lớn thời gian các em học tập và sống ngay tại trường và ở nơi này, các thầy, cô như những người cha, người mẹ hàng ngày vừa dạy dỗ vừa quan tâm, chăm sóc cho các em. 

Với các học sinh Trường PTDT nội trú Lâm Hà, từ lâu, các em đã xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai, bởi phần lớn thời gian các em học tập và sống ngay tại trường và ở nơi này, các thầy, cô như những người cha, người mẹ hàng ngày vừa dạy dỗ vừa quan tâm, chăm sóc cho các em. Và cô giáo Trần Thúy Hằng (1984) cũng đã là một trong những người “mẹ” như thế của nhiều lớp học sinh trong suốt bảy năm gắn bó với ngôi trường này.
 
Cô giáo Trần Thúy Hằng thường xuyên tạo không khí bàn luận sôi nổi cho học sinh trong mỗi giờ học
Cô giáo Trần Thúy Hằng thường xuyên tạo không khí bàn luận sôi nổi cho học sinh trong mỗi giờ học
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cô Hằng bắt đầu giảng dạy từ năm 2005 tại Trường THCS Tân Hà. Đến năm 2008, cô chuyển về Trường PTDT nội trú Lâm Hà và gắn bó với những học sinh nơi đây cho đến tận bây giờ. 
 
Với đặc thù của một ngôi trường dân tộc nội trú, mọi sinh hoạt của các em từ học tập, ăn uống, ngủ nghỉ đều diễn ra tại đây, thì giáo viên cần có sự kiên trì, nhẫn nại và giàu tình yêu thương với học sinh. Hàng ngày, sau mỗi giờ lên lớp, cô lại tranh thủ đến khu nội trú của học sinh, xem cách ăn ở, học hành của các em. Là giáo viên chủ nhiệm qua nhiều năm, cô Hằng hiểu được trở ngại lớn nhất của học sinh người dân tộc thiểu số là tâm lý tự ti, e ngại và rụt rè. Để giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn, cô liên tục tổ chức các hoạt động tập thể sôi nổi như thi kể chuyện Bác Hồ, tổ chức các trò chơi tập thể hay trau dồi các kỹ năng sống cần thiết cho các em thông qua những video Quà tặng cuộc sống. Nói về cô giáo chủ nhiệm của mình, em Lê Thị Vinh, lớp trưởng lớp 9D bày tỏ: “Chúng em đều ở xa gia đình nên những lúc ốm đau, cô Hằng là người đầu tiên đến chăm sóc, lo lắng. Có những ngày cô cùng ăn, cùng ngủ với chúng em như một người mẹ”.
 
Là tổ trưởng tổ Hóa - Sinh - hai môn học được xem là khó và khô khan, cô Hằng đã chủ động tìm hiểu, ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, giúp học sinh hình dung rõ hơn về các khái niệm. Với những nỗ lực và tâm huyết của bản thân với nghề giáo, trong 7 năm giảng dạy tại Trường PTDT nội trú Lâm Hà, cô Thúy Hằng đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đặc biệt, trong năm học 2013-2014, cô Hằng là giáo viên đầu tiên của Trường PTDT nội trú Lâm Hà đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Thầy Giang Công Xuất, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Mặc dù điều kiện của giáo viên trong Trường PTDT nội trú Lâm Hà không bằng nhiều trường khác, cụ thể là các thầy cô ít có môi trường để học hỏi, đổi mới, thế nhưng cô Trần Thúy Hằng đã vượt qua những khó khăn đó và chứng tỏ được năng lực của một giáo viên tâm huyết với học sinh. Cô Hằng cũng chính là tấm gương và là động lực để các giáo viên trẻ khác trong trường nhìn vào, học hỏi và cố gắng”.
 
Ông Lơmu Ha Pol có 3 con đều theo học tại trường, cho biết: “Từ lúc cho đứa con đầu theo học tại trường, nhìn thấy con tiến bộ từng ngày, lại được cô Thúy Hằng dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương với cả tấm lòng, tôi đã rất yên tâm. Thế nên hai đứa con sau tôi cũng gửi gắm cho trường, với niềm tin chúng cũng sẽ được các thầy cô dạy cách trưởng thành sau 4 năm cùng ăn, cùng ở, cùng được thầy cô yêu thương dạy bảo”.
 
Với những người thầy, người cô tận tâm với học sinh như cô Trần Thúy Hằng, niềm vui lớn nhất vẫn là được nhìn thấy học sinh “lớn” lên từng ngày. Và những cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe, những cuộc ghé thăm của những người học trò cũ vẫn là “món quà nhận lại” mà cô Hằng trân trọng nhất trong suốt cuộc đời “gieo chữ” của mình.
 
VIỆT QUỲNH