Cần một không gian sống an toàn cho trẻ

08:06, 01/06/2016

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em là vấn đề sức khỏe cộng đồng và mang tính toàn cầu bởi vấn đề này ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. TNTT không chỉ dẫn tới tử vong mà còn gây tàn tật vĩnh viễn, khiến trẻ em không thể đến trường, không thể lớn lên, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em là vấn đề sức khỏe cộng đồng và mang tính toàn cầu bởi vấn đề này ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. TNTT không chỉ dẫn tới tử vong mà còn gây tàn tật vĩnh viễn, khiến trẻ em không thể đến trường, không thể lớn lên, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chính vì thế, việc giảm tỷ lệ trẻ em bị TNTT đã được đưa vào mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em 2012 - 2020 với những biện pháp thực hiện cụ thể.
 
Trẻ thơ. Ảnh: Phan Nhân
Trẻ thơ. Ảnh: Phan Nhân
TNTT đòi hỏi các chi phí xã hội và kinh tế lớn, một mối đe dọa thực sự đối với sự phát triển đất nước. Đã có nhiều nghiên cứu thế giới cho thấy có mối liên quan giữa TNTT và đói nghèo. Thực tế cho thấy, ngân sách nhà nước dành cho ngành y tế hàng năm phải dành phần lớn cho hoạt động cấp cứu, phục hồi chức năng cho các trường hợp TNTT, mà lẽ ra nguồn kinh phí này phải dùng cho công tác dự phòng và bảo vệ bà mẹ trẻ em. Theo con số thống kê, chi phí liên quan đến tai nạn và tử vong do giao thông chiếm tới 75% ngân sách y tế của các bệnh viện ngoại khoa đô thị.
 
Tháng hành động vì trẻ em của Lâm Đồng năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” đã đề ra những mục tiêu cụ thể. Theo đó, giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 70/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 5/100.000 trẻ em; giảm 40% trẻ bị đuối nước so với năm 2015; 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết các quy định về an toàn giao thông; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 85% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 40% cấp huyện triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ; 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và 80% cán bộ cấp xã, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ bị TNTT.

Có một điều khiến ít người tin nhưng lại diễn ra trong thực tế, đó là chính trong môi trường gia đình, nơi dường như các em được bảo vệ, che chắn an toàn nhất lại là nơi dễ xảy ra TNTT cho trẻ em. Nhiều TNTT ở môi trường gia đình chiếm tỷ lệ khá cao với những nguy cơ rình rập như ngã cầu thang, bỏng nước sôi, điện giật, vật sắc nhọn đâm, ngạt thở do nuốt phải dị vật, đồ chơi...

Trong một phát biểu gần đây về vấn đề TNTT trẻ em, ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Cùng với cả nước, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Lâm Đồng trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp”. Thực tế cũng cho thấy, tại Lâm Đồng, do còn thiếu sân chơi cho trẻ em, nên rất nhiều vụ tử vong do đuối nước đã xảy ra. Ngày 28/5/ 2015, hai cháu Trần Quốc Cường (sinh năm 2003) và Trần Xuân Lâm (sinh năm 2002) trú tại xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà) theo bố mẹ vào vườn chăm sóc cà phê, khi bố mẹ không để ý, hai cháu đã bị trượt chân xuống hồ và tử vong. Cũng trong thời gian 5 ngày từ 20 đến 25/05/ 2015, trên địa bàn TP. Bảo Lộc và huyện Di Linh đã có 4 trẻ em từ 8 đến 13 tuổi bị chết đuối.

Bên cạnh những giải pháp mang tính khái quát như: Sự cam kết của các cấp chính quyền phải đưa mục tiêu giảm TNTT ở trẻ em vào chương trình hành động; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn; đẩy mạnh phối hợp liên ngành; huy động nguồn lực... thì chính gia đình, trường học, khu phố là môi trường tốt nhất để truyền đạt đến cha mẹ và chính các em những kỹ năng cơ bản để tránh TNTT xảy ra.
 
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, hiện có hai biện pháp phòng, tránh TNTT ở trẻ em, đó là phòng tránh chủ động và thụ động. Ở phòng tránh chủ động là áp dụng các biện pháp ngăn ngừa tai nạn thương tích cần có sự tham gia hợp tác của đối tượng được bảo vệ. Chính các em được truyền đạt kiến thức và chủ động, tự giác thực hiện các hành vi an toàn để tự bảo vệ mình. Khi đi bộ phải tuyệt đối tuân thủ việc đi trên vỉa hè hoặc lề đường bên tay phải; nếu cần sang đường phải đi trên phần kẻ trắng (phần dành cho người đi bộ sang đường nếu ở thành phố). Ngoài ra, các em cũng phải biết từ chối và khuyên các bạn không tham gia các trò chơi, hoạt động không đảm bảo an toàn, có nguy cơ dẫn tới TNTT cao như nhảy cầu, tắm sông ở những nơi vắng vẻ, nước sâu.
 
Ở biện pháp còn lại, người lớn (hoặc các nhà sản xuất) nói chung thực hiện các hành vi đảm bảo an toàn và bảo vệ cho trẻ em, nhờ đó trẻ em sẽ thụ động được hưởng sự bảo vệ mà không phải bắt buộc cùng người lớn thực hiện hành vi nào. Biện pháp này có hiệu quả ngăn ngừa tai nạn cho trẻ em cao hơn biện pháp chủ động. Ví dụ: các nhà sản xuất thuốc khi đóng gói, sử dụng lọ có nắp vừa xoay vừa ấn chống trẻ nhỏ mở; loại thuốc có độc thì đóng liều nhỏ, đựng trong lọ nhỏ giọt; ngành giao thông đường bộ cần phân tách các tuyến đường dành cho các phương tiện khác nhau để giảm thiểu tối đa sự va quệt. Cả hai biện pháp này cần được phối hợp một cách nhuần nhuyễn để giảm thiểu tối đa TNTT cho trẻ em.
 
Việc phòng tránh TNTT trẻ em hiện nay cũng được chia thành 3 cấp độ. Theo đó, Dự phòng cấp 1 là phòng TNTT xảy ra, cấp độ này nhằm loại bỏ các yếu tố nguy cơ hoặc không cho tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ TNTT cho trẻ. Đó là đặt rào chắn quanh ao hồ; phích nước hay các vật sắc nhọn phải để nơi an toàn để trẻ không lấy được. Ở cấp độ dự phòng 2 là nhằm giảm mức độ nghiêm trọng của TNTT, như luôn đội mũ bảo hiểm xe máy để đề phòng chấn thương sọ não khi gặp tai nạn giao thông; sử dụng các thiết bị an toàn khi chơi thể thao và thực hành thí nghiệm ở trường học. Dự phòng cấp 3 là nhằm giảm thiểu các hậu quả do TNTT nhờ sơ cấp cứu kịp thời, điều trị tích cực chấn thương và các biện pháp phục hồi chức năng. 
 
Tất cả các giải pháp, cấp độ, chiến lược phòng tránh TNTT cho trẻ em phần lớn chỉ mang tính cảnh báo, đề ra biện pháp để cho các ngành, mỗi cộng đồng, gia đình có cơ sở để thực hiện vấn đề này một cách tốt hơn. Và sẽ vô nghĩa nếu mỗi chúng ta không thường trực ý thức được vấn đề, trẻ em luôn cần một môi trường, không gian an toàn nhất để phát triển.
 
LINH ĐAN