Rèn luyện đạo đức nghề báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

09:06, 21/06/2016

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề báo là một nội dung quan trọng mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần to lớn vào việc định hướng và đào tạo các thế hệ nhà báo Việt Nam đủ đức và tài, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề báo là một nội dung quan trọng mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần to lớn vào việc định hướng và đào tạo các thế hệ nhà báo Việt Nam đủ đức và tài, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam. Ảnh: T.L
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam. Ảnh: T.L

Tư tưởng về đạo đức nghề báo của Hồ Chí Minh là di sản vô giá của nền báo chí cách mạng, có nội dung phong phú và sâu sắc, trong khuôn khổ bài này chỉ đề cập một số nội dung sau đây:
 
Trước hết, đạo đức nghề báo được hiểu đó là phẩm chất tốt đẹp nhất, là “cái gốc”, là lương tâm và phương châm hành nghề của những người làm báo cách mạng; nó điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của người làm báo, mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được. Từ đó, giúp nhà báo tránh được những tác động tiêu cực trong cơ chế thị trường, giữ được lòng tin của nhân dân, của xã hội đối với lực lượng báo chí nói chung và nhà báo nói riêng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều định hướng xây dựng nhân cách nhà báo cách mạng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phẩm chất đạo đức nhà báo: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”. 
 
Thứ hai, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động báo chí là hoạt động chính trị - xã hội, nên nhiệm vụ của báo chí là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nhà báo phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Do đó, lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân là tiêu chuẩn và là yêu cầu, phẩm chất hàng đầu đối với mỗi người làm báo. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Người nói: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản…”.
 
Thứ ba, người làm báo phải luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Bác khẳng định chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ. Người làm báo từ trung ương đến địa phương đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Theo Người, chức năng, nhiệm vụ của báo chí là “tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tổ chức dân chúng” bằng phương tiện thông tin và các thủ pháp nghề nghiệp khác. Tại Đại hội lần thứ II và thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ đều khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”. Từ đó, Người đòi hỏi các nhà báo phải xác định rõ đối tượng của báo chí cách mạng là đại đa số dân chúng nên văn phong phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát” để quần chúng dễ đọc, dễ hiểu, dễ làm theo.
 
Thứ tư, theo Bác, người làm báo phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và xã hội; bởi báo chí là công cụ lãnh đạo của Đảng, ngoài lợi ích của nhân dân, người làm báo cách mạng không có lợi ích nào khác. Vì vậy, nếu không nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm chuyên môn thì khó hoàn thành được sứ mệnh cao cả của báo chí. Do đó, ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ là một tiêu chuẩn của đạo đức nhà báo. Đối với Bác, việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà báo còn thể hiện ở sự biết học dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Cuộc đời của Bác là một tấm gương mẫu mực về ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
 
Thứ năm, Hồ Chí Minh coi trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động báo chí. Điều này đã trở thành quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam: “Nhà báo phải hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”. Có thể nói, trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật không đơn thuần là đạo đức mà còn thể hiện tính chuyên nghiệp trong cách hành nghề của một nhà báo chân chính. Người nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Từ đó, Người đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ... 
 
Thứ sáu, Hồ Chí Minh coi học tập là nhiệm vụ thường xuyên, suốt đời, “còn sống thì còn phải học”. Chính đặc trưng của hoạt động báo chí nên hơn nghề nào hết, người làm báo lại càng phải học tập một cách thường xuyên, phải chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức và học tập suốt đời, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bởi như Bác đã chỉ rõ: “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập”. Bác chỉ rõ: “Người làm báo mà ngừng học lúc nào là coi như đứng lại. Tất cả cán bộ các cấp, các ngành đều phải học nhưng cán bộ làm báo cần phải học nhiều hơn, học bền và chăm hơn”. 
 
Thứ bảy, đối với nhà báo, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, cần phải nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình và không chỉ phê bình trong nội bộ mà còn cần phải hoan nghênh những lời phê bình thật thà của nhân dân, của bạn đọc hơn bao giờ hết. Bởi theo Bác, mục đích của tự kiểm điểm, tự phê bình là “… cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ (…). Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, phần nói về tự phê bình và phê bình, Bác viết: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo.
 
- Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng./- Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta./- Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng./- Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau”.
 
Thực hiện những lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người làm báo Việt Nam đã thực sự xứng đáng là lực lượng tiên phong trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh và bài trừ sai trái, bảo vệ chân lý, góp phần điều chỉnh dư luận xã hội; chất lượng nội dung thông tin báo chí ngày càng được nâng cao, phản ánh mọi mặt của cuộc sống và đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của xã hội. Bên cạnh đó, cũng bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém, đặc biệt những tiêu cực trong đạo đức nghề báo đang diễn ra ngày càng phức tạp, cho thấy dấu hiệu của sự suy giảm về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo Việt Nam hiện nay.
 
Từ thực tế đó cho thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác về đạo đức nghề báo có ý nghĩa rất lớn. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết đối với đội ngũ nhà báo trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, giúp những người làm báo chân chính hiểu sâu sắc hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
LINH NHÂN