Rút ngắn khoảng cách suy dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng

08:06, 29/06/2016

Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm nhanh, nhưng không đồng đều giữa các vùng. 

Qua 17 năm triển khai Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE), nay là dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em” tại Lâm Đồng, tỉ lệ SDDTE dưới 5 tuổi toàn tỉnh đã giảm nhanh, nhưng không đồng đều giữa các vùng. Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách SDDTE giữa các vùng trong tỉnh?
 
Theo dõi tình trạng SDDTE và tiêm chủng cho trẻ tại các trạm y tế
Theo dõi tình trạng SDDTE và tiêm chủng cho trẻ tại các trạm y tế
Thực trạng tỷ lệ trẻ SDD
 
BS Đỗ Văn Luân - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Lâm Đồng cho biết, trong vòng 15 năm qua, tỉ lệ SDDTE dưới 5 tuổi  thể nhẹ cân (cân nặng/ tuổi) của tỉnh đã giảm từ 28,9% (năm 2001) xuống còn 14% (năm 2015) và tỉ lệ SDDTE thể thấp còi (chiều cao/ tuổi) từ 36% giảm còn 22,4%. 
 
Hiện nay, tỉ lệ SDDTE có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, đặc biệt ở vùng thành thị như một số phường ở Đà Lạt có tỉ lệ SDDTE 7% (thể nhẹ cân) và 10,9% thể thấp còi, trong khi đó, một số xã của huyện Đam Rông có tỉ lệ SDDTE rất cao 25% (thể nhẹ cân) và 41% (thể thấp còi). Xu hướng đánh giá về tình trạng SDDTE không chỉ về cân nặng đơn thuần mà ngày càng quan tâm đến chiều cao của trẻ. Hai chỉ số về trọng lượng và chiều cao là tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển toàn diện về thể chất của trẻ em. Trong khi trẻ em ở khu vực thành thị ngày càng được cải thiện rõ rệt cả 2 chỉ số về tăng trưởng chiều cao, cân nặng thì hiện nay còn 2 huyện có tỉ lệ SDDTE cao ở thể thấp còi và có xu hướng gia tăng là huyện Lạc Dương 22,5% và Đam Rông 28,48%.
 
BS K’Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông cho biết: Nằm trong số 62 huyện nghèo cả nước, tỉ lệ SDDTE dưới 5 tuổi của huyện đang ở mức cao nhất của tỉnh Lâm Đồng, với thể nhẹ cân là 17,8% và thể thấp còi 28,5%. Một số xã có tỉ lệ SDDTE thể thấp còi cao như: Đạ K’Nàng 41,7%; xã Đạ M’Rông 34,7%; xã Đạ Tông 34,3%. Nguyên nhân tác động đến tình trạng SDDTE cao ở Đam Rông do vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trên 70% là DTTS, dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, lực lượng cộng tác viên dinh dưỡng đa số có trình độ học vấn thấp nên hạn chế năng lực hoạt động; kiến thức của các bà mẹ về chăm sóc sức khỏe khi có thai, sau khi sinh và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, chăm sóc trẻ bệnh còn nhiều hạn chế. 
 
Bữa ăn dinh dưỡng quyết định đến thể chất của trẻ em nhưng tình trạng khó khăn kinh tế trong các gia đình vùng sâu, vùng DTTS là nguyên nhân cốt lõi của SDDTE, kể cả người lớn. Người lớn ăn gì thì trẻ cũng ăn như thế, chứ không có chế độ ăn riêng cho trẻ em, kể cả trẻ mắc bệnh. Chúng tôi từng chứng kiến bữa trưa của gia đình vợ chồng anh Kơ Ja Ha Srai và chị Liêng Hót K’Grang với 7 đứa con ở thôn Mê Ka, xã Đạ Tông. Trong căn bếp ẩm và tối, gia đình họ có 9 người nhưng không đủ 9 cái bát để ăn cùng một lúc, 2 cái bát nhựa bị thủng do lửa nóng làm chảy nhựa. Thức ăn không có gì dưỡng chất, họ ngồi quanh ba chiếc nồi cháo trắng, cơm nguội cháy và lá sắn mì kho với dầu ăn. Đến một gia đình khác cũng như vậy, dù không phải hộ nghèo nhưng gia đình chị N’tơn K’Ngoan (sinh năm 1981) và anh Cil Ha Phô (sinh năm 1980) ở thôn Đa Nhing 1 - xã Đạ Tông chỉ thấy đông con với 7 đứa con, người mẹ có con nhỏ - cả mẹ và con đều gầy gò, xanh xao, sức khỏe suy kiệt.
 
Cải thiện tình trạng SDD ở các vùng khó khăn
 
Theo BS Luân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDDTE thể thấp còi: Trình độ dân trí nhìn chung còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, bố mẹ các cháu còn thiếu hiểu biết về kiến thức nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đời sống kinh tế người dân vùng DTTS còn thấp, có nơi đang ở tình trạng đói nghèo, lo chưa đủ cái ăn, cái mặc tối thiểu, chưa kể có lúc còn đứt bữa, do vậy để có đủ dinh dưỡng cho trẻ em là một thách thức không dễ giải quyết. Một số bà mẹ khi mang thai hoặc khi đang nuôi con bú cũng thiếu dinh dưỡng do kinh tế khó khăn, thiếu thốn, hoặc do phải kiêng khem theo tập quán, điều kiện chăm sóc trẻ em còn hạn chế, bữa ăn đạm bạc, thiếu dinh dưỡng. Điều kiện vệ sinh môi trường chưa thật tốt, còn phát sinh bệnh tật ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Công tác truyền thông giáo dục về phòng chống SDDTE còn hạn chế nên chưa tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân về tầm quan trọng và kiến thức phòng chống SDDTE, đặc biệt là thể thấp còi.
 
Huyện Đam Rông đã làm gì để cải thiện tình trạng SDDTE? - BS K’Ngọc Hùng cho biết: Ban chỉ đạo phòng chống SDDTE ở các xã được lồng ghép với Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu, có sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai hoạt động phòng chống SDDTE, có mạng lưới cán bộ chuyên trách chương trình phòng chống SDDTE ở trạm y tế 8 xã và các cộng tác viên dinh dưỡng ở 56 thôn. Cứ 2 lần/năm tổ chức hội nghị truyền thông dinh dưỡng cho các bà mẹ chăm sóc trẻ; 3 lần/năm tổ chức hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ có con dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai và bà mẹ có con SDD tại các thôn và trạm y tế. Truyền thông phòng chống SDDTE trên loa xã phát 1-2 lần /tháng nhưng không đều, chủ yếu vào các chiến dịch, cộng tác viên dinh dưỡng thực hiện truyền thông tư vấn dinh dưỡng tại hộ gia đình, theo dõi cân, đo trẻ dưới 5 tuổi,  2 tuổi và trẻ SDD từng thôn. Tại các trạm y tế tổ chức hoạt động tư vấn cho bà mẹ đến khám thai về chăm sóc trước, trong và sau sinh, tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm, bổ sung Vitamin A cho bà mẹ và trẻ; phục hồi dinh dưỡng cho các trẻ bị SDD, trẻ 3 tháng liền không tăng cân và bà mẹ có thai tăng cân ít. 
 
Trong chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu giảm tỉ lệ SDDTE dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 22% năm 2016. Đây là thách thức lớn đối với vùng đang có tỉ lệ SDDTE thấp còi rất cao như Đam Rông, Lạc Dương. Bên cạnh các biện pháp can thiệp về chuyên môn y tế, nâng cao năng lực mạng lưới phòng chống SDDTE cấp huyện - xã - thôn bản,  BS K’Ngọc Hùng đề xuất giải pháp đưa mục tiêu giảm tỉ lệ SDDTE thấp còi vào nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh hoạt động phòng chống SDDTE lồng ghép trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, thôn văn hóa; xã hội hóa công tác phòng chống SDDTE; tăng đầu tư ngân sách cho các hoạt động giáo dục thực hành dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ mang thai, bổ sung sản phẩm dinh dưỡng cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ dưới 2 tuổi bị SDD ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng có trẻ SDD cao ở huyện Lạc Dương và Đam Rông.
 
AN NHIÊN