Tập huấn kỹ thuật và chuyển giao cây giống cho các xã vùng sâu

09:07, 06/07/2016

Trong khuôn khổ của Dự án, ngay từ đầu mùa mưa, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng giai đoạn 2 đã triển khai tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời bàn giao cây lâm nghiệp, cây ăn quả cho các hộ dân các xã vùng sâu. 

Trong khuôn khổ của Dự án, ngay từ đầu mùa mưa, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng giai đoạn 2 đã triển khai tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời bàn giao cây lâm nghiệp, cây ăn quả cho các hộ dân các xã vùng sâu. Công tác này vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng, góp phần phát triển rừng và vừa nâng dần sinh kế cho cộng đồng, đặc biệt là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng. 
 
Niềm vui của người dân xã Lộc Phú trong ngày nhận cây giống
Niềm vui của người dân xã Lộc Phú trong ngày nhận cây giống

Đây là hoạt động trong SiRAP đã ký kết với 2 xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm và xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương. Để làm tốt công tác này, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Ban quản lý Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm khuyến nông cùng địa phương 2 xã. Trước hết là phải biết xây dựng một kế hoạch về REDD+ của từng xã cụ thể. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng và phụ thuộc nhiều vào rừng. Họ đưa ra những đề đạt nguyện vọng, chia sẻ tâm tư, năng lực và đề xuất cụ thể những việc cần làm mới đạt hiệu quả cao khi triển khai thực hiện. Số lượng cây được bàn giao cho 387 hộ nhận khoán xã Lộc Phú gồm 19.087 cây giống các loại (trong đó, 11.165 cây lâm nghiệp trồng phân tán là Sao đen, Muồng đen, Sưa và 7.922 cây ăn quả là Bơ Sáp ghép, Sầu Riêng ghép, Vú Sữa Lò Rèn ghép). Số lượng cây bàn giao cho 97 hộ nhận khoán xã Đa Nhim gồm 3.100 cây Mận hậu đào và 700 cây Mai anh đào. 
 
Đại diện các hộ dân xã Lộc Phú, ông K’Nhan cho biết: Bà con được chuẩn bị chu đáo những kiến thức từ trước như lợi ích của việc bảo vệ và phát triển rừng; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến đời sống con người…Và đặc biệt, chúng tôi được tập huấn kỹ càng về kỹ thuật trồng và chăm sóc từng loại cây cụ thể. Vì vậy, bà con rất phấn khởi, tham gia nhiệt tình và công việc đã trôi chảy, có chất lượng.  
 
Chia sẻ về hiệu quả của hình thức tuyên truyền, ngày 5/7, đại diện lãnh đạo Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng, điều phối viên Phạm Thành Nam cho biết: Theo thỏa thuận thực hiện SiRAP đã được ký kết với xã, chúng tôi triển khai đồng thời nhiều loại hình ngay tại địa bàn như xây dựng 15 bảng banner (xã Lộc Phú 7 bảng, xã Đa Nhim 8 bảng) tuyên truyền về REDD+ và bố trí tại các điểm trung tâm của địa bàn như UBND, giáp ranh giữa các thôn, trường THCS, trường tiểu học, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn... Vì vậy, đến xã Đạ Nhim, từ thôn Đa Chais, thôn Đà Blah đến thôn Liêng Bông, thôn Đa Ra Hoa, thôn Đạ Tro… hay xã Lộc Phú từ thôn Nao Quang, thôn Đạ Hàng Lang đến các thôn 4, thôn 3, thôn 2 và thôn 1… đâu đâu cũng có những tấm banner dễ nhìn, bắt mắt và sinh động. Đồng thời, chúng tôi biên soạn nội dung tuyên truyền về UN-REDD và REDD+ bằng 2 thứ tiếng Kinh và K’Ho sau đó thu vào đĩa bàn giao cho UBND xã để phát trên hệ thống truyền thông không dây hàng ngày. Mặt khác, nhằm hỗ trợ các hộ trồng rừng và chăm sóc bảo vệ rừng, qua khảo sát thực địa cũng như nguyện vọng đề đạt của bà con, Ban quản lý đã triển khai mua sắm một số vật dụng thiết thực cung cấp miễn phí cho người dân như đồ bảo hộ đi rừng, áo khoác chống rét, mũ tai bèo, mùng đơn chống muỗi, ủng và giày đi rừng. Việc làm càng có ý nghĩa trong khâu tuyên truyền ở chỗ, một số vật dụng này không chỉ có chất lượng sử dụng lâu dài mà ngay trên vật dụng đã được in những dòng về công tác bảo vệ rừng, logo của chương trình UN-REDD để giao cho các hộ dân tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Cùng đó là triển khai ngay việc thành lập Quỹ sinh kế nhằm hỗ trợ cho cộng đồng, người dân tại một số thôn. Chính những hoạt động sát thực như vậy, công tác trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại các xã vùng sâu huyện Bảo Lâm và huyện Lạc Dương đã và đang góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở địa phương; nâng cao một phần thu nhập cho người dân, qua đó giảm áp lực lên rừng. 
 
Tuy nhiên, một vấn đề hết sức đáng quan tâm khác cũng được chúng tôi trao đổi với ông Phạm Thành Nam, đó là việc bảo vệ cây sau khi đã trồng như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Ông Nam cho biết: Từ thực tế ở xã Bảo Thuận, huyện Di Linh đã triển khai trước đây, chúng tôi đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm về chăm sóc và bảo vệ cây sau trồng. Vì vậy, năm nay, Chương trình UN-REDD Lâm Đồng đã làm việc cụ thể với Ban quản lý rừng với tư cách là chủ rừng và chính quyền địa phương có trồng cây theo chương trình REDD+ để cùng phối hợp giám sát, tuần tra theo dõi sát sao hơn. Với những việc làm này, hi vọng chương trình hành động REDD+ tại địa phương Lâm Đồng sẽ ngày càng có hiệu quả đáng trân trọng. Và chính từ hành động của SiRAP, các chính quyền, các ngành liên quan nên chăng đúc kết chia sẻ để nhân rộng mô hình trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở các địa bàn của tỉnh không nằm trong Chương trình UN-REDD.
 
MINH ĐẠO