Đà Lạt - làng đô thị xanh, nhìn từ bản sắc văn hóa

09:07, 14/07/2016

Như đã thông tin, thành phố Đà Lạt được Chính phủ và các ngành trung ương chấp thuận xây dựng thí điểm mô hình "làng đô thị xanh" (green villagc) đầu tiên ở Việt Nam. Có nhiều giác độ nhìn nhận, phân tích và đề xuất về mô hình mới này...

Như đã thông tin, thành phố Đà Lạt được Chính phủ và các ngành trung ương chấp thuận xây dựng thí điểm mô hình “làng đô thị xanh” (green villagc) đầu tiên ở Việt Nam. Có nhiều giác độ nhìn nhận, phân tích và đề xuất về mô hình mới này; tuy nhiên, chúng tôi nêu vấn đề chưa được nhiều chuyên gia, giới khoa học và nhà quản lý quan tâm đúng mực, đó là góc độ bản sắc văn hóa vốn có của Đà Lạt. 
 
Đà Lạt nhiều lợi thế để xây dựng “làng đô thị xanh”
Đà Lạt nhiều lợi thế để xây dựng “làng đô thị xanh”

Trong cuộc phỏng vấn với TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông cho rằng: “Mục tiêu phát triển, xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế”. Đây là cách nhìn phổ quát nhất về mô hình “làng đô thị xanh” Đà Lạt. Ông Phạm S cũng đề xuất một “làng đô thị xanh” cần hội đủ 5 tiêu chí, bao gồm: Quy mô diện tích khoảng 200 ha; Sự đồng đều về kiến trúc trên 70%; Mật độ xây dựng công trình mái che và không mái che không quá 30%; Hệ thống hạ tầng đồng bộ, các hoạt động kinh tế, dịch vụ và giải trí của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường; An sinh xã hội tiến bộ, đạo đức công dân luôn giữ bản sắc văn hóa con người Việt Nam. 
 
Bài viết này, chúng tôi bàn sâu hơn về tiêu chí cuối cùng mà ông Phạm S nêu ra. Trước hết, chúng tôi đồng tình với cách nhìn của TS. KTS. Khuất Tân Hưng - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và Bảo tồn Di sản Kiến trúc - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ông Hưng cho rằng: “Không giống với phần lớn các mô hình định cư khác, ngay từ khi tạo lập Đà Lạt đã có sẵn một nguồn tài nguyên nhân văn quý giá là các bản làng dân tộc Lạch và Cill ở chân núi Lang Biang với nền tảng văn hóa bản địa đặc sắc và phong phú”. Chính đây là nét đặc trưng giúp nhà khoa học, nhà kiến trúc và nhà quản lý có cơ sở quan điểm về “định cư bền vững”. Một mô hình định cư sẽ cân bằng nếu có sự ổn định của các yếu tố gốc làm cơ sở cho sự tồn tại của mô hình định cư đó. 
 
Tuy nhiên, trong một thảo luận ngắn bên hành lang hội thảo giữa TS Khuất Tân Hưng và bà Larousse Chritine - Trưởng Phòng Quy hoạch đô thị, Công ty Interscène Cộng hòa Pháp đều thống nhất một nhận định rằng: thành phố Đà Lạt đã thể hiện những yếu tố gốc ít nhiều thay đổi. Đó là điều rất cần quan tâm một cách nghiêm túc và thấu đáo. Bởi, sự biến đổi của nguồn tài nguyên - yếu tố gốc cơ bản cho sự tồn tại của một mô hình định cư, về lâu dài sẽ gây tác động bất lợi cho mô hình định cư đó, thậm chí khiến nó phải thay đổi phương thức khai thác tài nguyên để có thể tiếp tục tồn tại.
 
Vì vậy, Đà Lạt phát triển mô hình “làng đô thị xanh” thực sự bền vững rất cần chú ý những điểm sau: Không thể có các “làng đô thị xanh” bền vững nếu địa văn hóa gốc của chúng không bền vững. Với Đà Lạt, muốn đảm bảo ổn định các yếu tố gốc cần bảo tồn và lưu giữ một cách chắt lọc các tài nguyên nhân văn; phát huy nó để tạo sinh những giá trị mới. Mặt khác, “làng đô thị xanh” cần được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với thành phố gốc bởi chúng lệ thuộc lẫn nhau cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường cảnh quan. Cùng đó, các “làng đô thị xanh” cần đóng góp vào việc giữ ổn định nguồn tài nguyên cho thành phố gốc, đặc biệt là tài nguyên khí hậu và cảnh quan. Để thỏa mãn yêu cầu này chúng phải có tiêu chuẩn diện tích thảm xanh lớn, đồng thời hạn chế tối đa khối xây… Theo hướng này, không đồng quan điểm với một số nhà quản lý, nhà khoa học, chúng tôi cho rằng cần khuyến khích phát triển “làng đô thị xanh” ngay cả ở những địa điểm mà môi trường đã và đang bị hủy hoại để những điểm lẻ này dần dần hòa nhập trở lại cùng không gian chung của Đà Lạt. Các “làng đô thị xanh” nên tiếp tục phương thức khai thác tài nguyên đã được xác lập là du lịch nghỉ dưỡng và trồng rau, hoa. Tuy nhiên cần đánh giá những tác động của nó lên môi trường đất, nước và không khí; nghiên cứu áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm nước sạch và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các “làng đô thị xanh” cũng cần kế thừa và phát huy những giá trị đặc trưng của di sản kiến trúc đô thị Đà Lạt theo hướng tôn trọng điều kiện địa hình cảnh quan sẵn có; phát triển nương tựa vào điều kiện tự nhiên, tránh những can thiệp thô bạo. 
 
Một góc Đà Lạt - Ảnh: NGUYỄN NGHĨA
Một góc Đà Lạt - Ảnh: NGUYỄN NGHĨA

Trong quá trình phát triển “làng đô thị xanh” cũng nên tăng cường và bổ sung sắc thái văn hóa cư dân gốc bản địa để làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của Đà Lạt. Nói cụ thể là: xây dựng “làng đô thị xanh” mới (hoặc phát triển trên nền tảng cũ) biểu hiện rõ nét không gian văn hóa sinh tồn của cư dân tộc K’Ho, bao gồm cách tổ chức nhà cửa; cách tạo lập ruộng vườn; các ứng xử với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội; các sinh hoạt cộng đồng… Yếu tố văn hóa bản địa luôn làm nên sự hấp dẫn du khách thập phương, nhất là du khách phương tây. Vì vậy, cần hiện thực hóa công tác bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa như GS.TS. KTS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam khẳng định: “Bảo tồn các di sản kiến trúc, di sản đô thị và truyền thống văn hóa địa phương (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể” là một trong 6 tiêu chí của “làng đô thị xanh”. Còn bà Larousse Chritine, người từng chủ trì nhóm nghiên cứu Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt mở rộng năm 2013 phối hợp với SIUP cho rằng: “Cần coi trọng những nét đặc thù của các làng xóm nông thôn tại Đà Lạt”. Các “làng trong đô thị” được xây dựng theo cảm hứng từ “phương pháp quy hoạch mới” và một trong những cảm hứng đó là không gian công cộng và kiến trúc theo cảm hứng từ bản địa.  
 
Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” Đà Lạt sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức. Đó là, sự phát triển của đô thị, du lịch và nông nghiệp thiếu kiểm soát gây tổn thương cho các không gian rừng tự nhiên và làm nhiễm nguồn nước. Không gian du lịch manh mún, nghèo nàn về loại hình và chất lượng; các tiềm năng du lịch về nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử… chưa được khai thác và chưa tạo được điểm đến hấp dẫn. Các mảng xanh rừng, công viên, nông nghiệp và các không gian mở như sông, suối, hồ chưa kết nối được thành khung cấu trúc cảnh quan đô thị. Có sự chênh lệch về đầu tư hạ tầng kỹ thuật giữa khu vực đô thị và nông thôn, do đó hạn chế phát triển các khu vực có tiềm năng “làng đô thị xanh”… Nhưng thiết nghĩ, mỗi khi chúng ta đã nhìn nhận được vấn đề thấu đáo thì bản sắc văn hóa bản địa sẽ bớt mất đi một cách đáng tiếc.
 
MINH ĐẠO