Hội thảo liên ngành Giáo dục - Y tế trong giám sát, phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam

06:08, 12/08/2016

Ngày 12/8, tại Bảo Lộc, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo liên ngành Giáo dục và Y tế trong giám sát, phòng chống sốt xuất huyết (SXH) Dengue khu vực phía Nam (KVPN) với sự tham dự của 200 đại biểu thuộc ngành Giáo dục và Y tế của 20 tỉnh, thành phố KVPN, đặc biệt có cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế của 6 huyện, thành phố có số mắc SXH cao ở Lâm Đồng tham dự.

Ngày 12/8, tại Bảo Lộc, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo liên ngành Giáo dục và Y tế trong giám sát, phòng chống sốt xuất huyết (SXH) Dengue khu vực phía Nam (KVPN) với sự tham dự của 200 đại biểu thuộc ngành Giáo dục và Y tế của 20 tỉnh, thành phố KVPN, đặc biệt có cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế của 6 huyện, thành phố có số mắc SXH cao ở Lâm Đồng tham dự. Đây là hoạt động thuộc dự án phòng chống SXH KVPN thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. 
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Việc phối hợp liên ngành nhằm tăng cường thêm nguồn lực trong phòng chống SXH. Trong hội thảo này, hai ngành Y tế - Giáo dục phối hợp thảo luận để đưa ra mô hình tập trung vào học sinh/ giáo viên để hướng dẫn học sinh thực hành tại gia đình về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh SXH. Bên cạnh đó, hội thảo bàn các biện pháp dập dịch SXH; làm thế nào vận động kinh phí hỗ trợ từ UBND các tỉnh, thành phố, huyện để kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống SXH. 
 
Tính đến tháng 7/2016, KVPN có 31.084 ca mắc SXH, 13 ca tử vong (tăng 2 ca so với 2015). Phân bố số mắc SXH theo địa phương thì đứng đầu là Bình Phước (186/100.000 dân); Đồng Tháp (129/100.000 dân); TP Hồ Chí Minh (120/100.000 dân); Lâm Đồng (57/100.000 dân), thấp nhất là Hậu Giang (30/100.000 dân). 
 
Các huyện “nóng” của những tỉnh có số mắc SXH cao nhất năm 2016 là: Bảo Lộc, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng); huyện Chơn Thành, Đồng Phú (Bình Phước); huyện Bình Đại (Bến Tre); quận Bình Thủy (Cần Thơ); huyện Đầm Dơi (Cà Mau); huyện Trần Để (Sóc Trăng).
 
Các hoạt động đã triển khai phòng chống SXH KVPN như: giám sát, xử lý ổ dịch thường xuyên, phát động chiến dịch diệt loăng quăng. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đánh giá tình hình SXH đang tăng (76% so với năm 2015), nhiều tỉnh tăng quá nhiều so với cùng kỳ, các tỉnh khu vực lân cận (Tây Nguyên, miền Trung tăng nhanh); nguy cơ bùng dịch rất cao ở các tỉnh đang tăng SXH và trên bình diện khu vực. 
 
Tại Hội thảo này, giải pháp phòng chống SXH được đưa ra là dập dịch ở các “điểm nóng” để xử lý dịch triệt để tại: Lâm Đồng (Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà); Bình Phước (Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành); Bình Dương (Thủ Dầu Một, Phú Giáo); Bến Tre (Bình Đại, Thạnh Phú). Đồng thời, xử lý ổ dịch tại các nơi còn lại, thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng đúng mẫu. Bên cạnh đó là giải pháp truyền thông với chiến lược dài hạn hướng tới mục tiêu thay đổi hành vi; truyền thông sâu rộng, đa dạng qua các báo, đài với thông điệp dễ hiểu, phù hợp.
 
Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai kế hoạch truyền thông cộng đồng và phòng chống SXH trong trường học 6 tháng cuối năm 2016; đánh giá mô hình điểm về truyền thông thay đổi hành vi phòng chống SXH trong trường học ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) năm 2015. Đồng thời, triển khai kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi trong phòng chống SXH tại 5 tỉnh khu vực phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ).               
 
AN NHIÊN