Lâm Hà: 10 năm thực hiện "Quyết tâm thư"

09:08, 24/08/2016

Trong suốt 10 năm thực hiện "Quyết tâm thư", đồng bào các dân tộc huyện Lâm Hà luôn đặt niềm tin sắt son, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương.

Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tại Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên năm 2006, đồng bào các DTTS Tây Nguyên đã cùng nhau cam kết thực hiện “Quyết tâm thư” với 5 nội dung căn bản. Đây được coi như kim chỉ nam trong mọi hành động, thôi thúc ý chí phấn đấu vươn lên của đồng bào. Tại Lâm Hà, trong suốt 10 năm (2006 - 2016) thực hiện “Quyết tâm thư” đã thêm một lần nữa khẳng định: Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn đặt niềm tin sắt son, một lòng theo Đảng, Bác Hồ như đi theo ánh sáng mặt trời; chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương vững bền.
 
Đây là địa phương tập trung trên 30 anh em dân tộc sinh sống gồm các dân tộc K’Ho, Mạ, Mơ Nông, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Ê Đê, Chăm... với khoảng gần 33 ngàn người, chiếm tỷ lệ 22,4% dân số toàn huyện. Xác định công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, 10 năm qua bằng việc tuyên truyền thực hiện “Quyết tâm thư” tại Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân từng bước cải thiện và nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS giảm từ 29,44% (năm 2010) xuống còn 6,87% năm 2016.
 
Đại đa số các vị già làng, người tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS thể hiện vai trò gương mẫu trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Thể hiện “Tiếng nói chung” trong thực hiện theo quyết tâm thư về bảo vệ an ninh Tổ quốc, các già làng vận động đồng bào không tin, không nghe, không theo lời xúi giục của kẻ xấu. Riêng trong hệ thống Mặt trận từ huyện đến cơ sở và khu dân cư đã chọn xã Phú Sơn, Đạ Đờn, các thôn nằm trên trục Quốc lộ 27 thuộc 2 xã để xây dựng mô hình kiểu mẫu về “Tự quản an toàn giao thông”. Ngoài ra, tại xã Đạ Đờn còn xây dựng được mô hình hoạt động tự quản theo hình thức “Ban Già làng”. Dưới Ban Già làng gồm các Tổ Già làng, mọi hoạt động của Tổ Già làng đều phải thông qua người đứng đầu tổ. Chính vì vậy, tại Đạ Đờn, uy tín, vai trò của các vị già làng rất được đề cao, góp phần quan trọng vào quá trình bảo đảm an ninh - trật tự, an toàn xã hội, mọi sinh hoạt đi vào nề nếp. Nhiều mô hình hoạt động thiết thực được nhân dân tham gia tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực trong nhân dân như mô hình hoạt động của 211 tổ dân phòng theo hình thức “Dân cử dân nuôi”, “Tổ an ninh liên gia”,“Tiếng kẻng phòng chống tội phạm” ở xã Mê Linh và nhiều địa phương khác... Từ mô hình này đã xây dựng được “Nhóm nòng cốt” để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. 
 
Các vị già làng đã thường xuyên vận động gia đình, dòng họ, buôn làng tham gia thực hiện các chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư. Thực hiện định canh, định cư, nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Được biết, nhiều tấm gương già làng tiêu biểu được mọi người kính trọng, tin và làm theo như cụ K’Niêng ở xã Đạ Đờn, cụ K’ Tẻo ở xã Đan Phượng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng các già luôn đi đầu trong vận động nhân dân thực hiện tốt việc không sang nhượng, bán đất trái quy định, không trông chờ ỷ lại vào nhà nước, động viên bà con phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Huyện đã xây dựng thành công nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học vào chăm sóc cà phê, ghép chồi cà phê, sử dụng các loại giống mới thay thế các giống cũ kém chất lượng như cà phê, chè, dâu tằm, lúa cao sản; làm nhà lưới, nhà kính, màng phủ nông nghiệp; sử dụng tấm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; sử dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt... làm tiết kiệm nhiên liệu, công chăm sóc. Nhờ đó, đời sống đại bộ phận đồng bào dân tộc ngày càng cải thiện, cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo đáng kể. Nhiều vùng DTTS chuyển hẳn sang chuyên canh cây hoa, rau chất lượng cao, thực hiện tốt việc nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng tại các xã Tân Thanh, Phú Sơn... được huyện, tỉnh ghi nhận, biểu dương.
 
Nhiều nơi trong huyện thực hiện xây dựng mô hình “Đám cưới hiện đại” theo hình thức đơn giản, gọn nhẹ, xóa bỏ tục lệ thách cưới. Trong tang ma, các vị già làng cũng vận động bà con không tổ chức ăn uống dài ngày gây tốn kém cho gia đình có người chết...; từng bước đưa buôn làng ngày càng phát triển theo hướng văn minh, lành mạnh hơn, được đa số đồng bào hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, đội ngũ các già làng, chức sắc tiêu biểu, cán bộ Mặt trận cơ sở cũng tuyên truyền tích cực trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên. Tại Lâm Hà, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp tổ chức 4 lớp dạy cồng chiêng cho 80 hội viên là người dân tộc thiểu số, từ đó khích lệ bà con sinh hoạt văn hóa lành mạnh, ý nghĩa, giàu bản sắc dân tộc. Cứ 2 năm một lần, huyện Lâm Hà đều tổ chức “Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc” - đây là cơ hội để vận động, tập hợp, thu hút nhân dân tham gia Hội thi Tiếng hát Dân ca, Hội thi Người mặc trang phục dân tộc đẹp nhất, thi nấu các món ăn đặc sắc nhất của các dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, bắn cung, kéo co, nhảy sạp, ném còn... Qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa trong đồng bào các dân tộc trong huyện. 
 
Trao đổi về những kết quả bước đầu trong thực hiện “Quyết tâm thư” tại Lâm Hà, bà Khuất Thị Minh Hiền - Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện cho biết: Qua 10 năm thực hiện Quyết tâm thư, các già làng ở Lâm Hà đã chủ động phối hợp với người cao tuổi các cấp làm tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS học tập và thực hiện theo các nội dung trong quyết tâm thư. Từ đó, có tác động mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng trong cộng đồng, lan truyền đến từng hộ gia đình, từng khu dân cư vùng DTTS. Đồng bào DTTS ngày càng hiểu sâu sắc hơn về vấn đề dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước... Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, các vị già làng đã góp phần quan trọng vào quá trình củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH tại địa phương nhiều năm qua.
 
HÀ NGUYỆT