Trắng đêm nuôi trẻ sinh non nhẹ ký

05:08, 24/08/2016

Lần đầu tiên ở Lâm Đồng, Bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ Đà Lạt đã nuôi thành công trẻ sơ sinh cực non tháng và nhẹ ký. Kết quả này có được nhờ vào sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ của bé gái sơ sinh này và sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Nhi.

Lần đầu tiên ở Lâm Đồng, Bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ Đà Lạt đã nuôi thành công trẻ sơ sinh cực non tháng và nhẹ ký. Kết quả này có được nhờ vào sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ của bé gái sơ sinh này và sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Nhi.
 
TS-BS Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt và Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi
TS-BS Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt và Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi
Ngày 17/8, một ngày đáng nhớ của đôi vợ chồng anh T.Q.T và chị L.T.L.H (40 tuổi) khi được ôm con vào lòng để đón cháu về nhà. Các điều dưỡng cho bé xuất viện mà mắt ai cũng đỏ hoe, không giấu được giọt lệ hạnh phúc. Chia sẻ với chúng tôi điều này, chị L.T.H.M là bác của cháu bé nói: “Thật đáng trân trọng tấm lòng của các bác sĩ, điều dưỡng ở đây. Họ đã vất vả trắng đêm chăm sóc cho cháu bé với tình yêu thương hết lòng. Các cô còn mua quà cho bé nữa. Khi tiễn cháu ra viện, tôi thấy ai cũng khóc dù các cô cố gắng che giấu cảm xúc của mình”. 
 
Vậy là 2 tháng 20 ngày ròng rã, sinh mệnh của cháu bé đã được gia đình ký thác hoàn toàn cho các thầy thuốc ở nơi đây. Ngày đón bé xuất viện, anh T.Q.T xúc động nói với chúng tôi: “Chỉ hơn 1 tuần gần đây, vợ tôi mới được phép tiếp xúc với con, còn tôi mới được gặp con 3 ngày nay thôi. Chừng ấy thời gian kể từ khi bé chào đời, vợ chồng chúng tôi chỉ biết bất lực nhìn con qua khung kính cách ly”.
 
Anh T.Q.T cho biết thêm: “Gia đình chúng tôi đặt tên cho con là T.L.Mỹ Bình như một sự tri ân tốt đẹp về nơi cháu sinh ra - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt. Tôi là một thầy giáo, lần đầu tiên tôi chứng kiến sự tận tụy hết lòng chăm sóc cháu bé của các thầy thuốc bệnh viện này. Thực tế sinh động hơn những gì có trong sách vở, các thầy thuốc ở đây đã trắng đêm nuôi nấng cho cháu suốt gần 3 tháng như vậy, việc làm của các y, bác sĩ thật cao cả khiến tôi rất cảm phục”.
 
VN đã nuôi được trẻ sinh non ở tuần thai 24
 
Ngày 5/12/2014, cặp song sinh nhờ kết quả thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chào đời là bé Thiên Bảo và Thiên Ân, khi đó bé trai chỉ nặng 600 gam, bé gái nặng 500 gam và tuổi thai mới được 23 tuần 6 ngày. Chiều 10/3/2015, hai bé được ra viện, với cân nặng của bé Bảo là 2,25 kg và bé Ân là 2,35 kg, tăng gần gấp năm lần so với trọng lượng sơ sinh.
 
Nhân sự kiện này, Bộ Y tế (BYT) đánh giá ý nghĩa về mặt thành tựu y khoa là lần đầu tiên VN đã nuôi dưỡng và điều trị thành công cho bé sơ sinh sinh non ở tuần thai thứ 24. 
 
Theo ghi nhận của BYT, các trung tâm y khoa tiên tiến trên thế giới đã nuôi được trẻ sinh non ở tuần thai 22, như vậy VN đã có bước tiến tiệm cận với thế giới. Trong tương lai, VN có thể nỗ lực để nuôi được những em bé sinh non ở tuần thai thứ 23, trọng lượng sơ sinh 400 gam.                                                              DH

Ngay sự ra đời của cháu bé cũng là điều kỳ diệu của sự sống. Anh T.Q.T. kể rằng: “Vợ chồng tôi đã có một con gái năm nay 11 tuổi. Trong nhiều năm qua, chúng tôi muốn có thêm con nhưng không thành. Chúng tôi khao khát có thêm một đứa con nên quyết định điều trị vô sinh, uống thuốc đông y không hiệu quả, xuống TP Hồ Chí Minh áp dụng thụ tinh trong ống nghiệm ở một bệnh viện tư nhân nhưng cũng không thành công. Sau lần thụ tinh trong ống nghiệm bất thành, chúng tôi hầu như mất hết hy vọng sinh con. Thế rồi, vợ tôi có thai tự nhiên, phải nói chúng tôi vui mừng không thể nào tả nổi. 

Nhưng rồi, thời gian mang thai chưa được bao lâu, chiều ngày 28/5/2016, vợ tôi đau bụng, lên cơn go, tôi vội vàng đưa vợ từ Đức Trọng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để các bác sĩ kịp thời xử trí mà không nghĩ rằng vợ tôi sẽ sinh con. Khi đến bệnh viện, thai phụ tiếp tục lên cơn go và được bác sĩ khám cho biết tử cung đã mở 2 phân, dọa sẩy thai. Tình thế lúc ấy phải làm mọi cách để giữ lấy thai, vì thế chúng tôi được bác sĩ bệnh viện cho biết có một loại thuốc tiêm vào sẽ giữ được thai nhưng thuốc đó hiện tại bệnh viện không có, chỉ có ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt. Thế là tôi quyết định đưa vợ đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt để kịp thời tiêm thuốc giữ thai. Nhưng mới tiêm được nửa ống thuốc thứ hai thì vợ tôi đã chuyển dạ sinh con. Ngay khi con chào đời, tôi đã ký giấy cam kết với bệnh viện chấp nhận mọi tình huống xấu nhất, vì được biết khả năng sống khoảng 2 - 3 giờ sau sinh. Tôi đặt hết hy vọng vào các bác sĩ ở đây và mỗi ngày, niềm hy vọng trong tôi ngày càng lớn dần theo cân nặng của cháu”.
 
Cháu bé sinh ra lúc 19 giờ 35 phút với cân nặng 900 gam từ thai non 26 tuần thai (trung bình một bé chào đời có tuổi thai phải đủ 37 tuần), được chuyển ngay đến Khoa Nhi để áp dụng chăm sóc điều trị đặc biệt vì trẻ sơ sinh cực non và nhẹ ký. BS Chế Thị Ánh Tuyết - Trưởng Khoa Nhi trực tiếp điều trị chính cho trường hợp này đã chẩn đoán ban đầu: trẻ bị suy hô hấp, nhiễm trùng huyết sơ sinh, nguy cơ tử vong cao. Với kỹ thuật đơn nguyên sơ sinh, bé được cho thở máy bằng khí áp lực dương, chống nhiễm khuẩn tuyệt đối, điều trị kháng sinh, nằm lồng ấp, chiếu đèn. Các bác sĩ, điều dưỡng trắng đêm chăm sóc và điều trị cho bé. Can thiệp dinh dưỡng toàn phần, bơm dinh dưỡng đường tĩnh mạch trong những ngày đầu tiên. Khoảng trong 3 tuần đầu tiên, bé không bú sữa mẹ trực tiếp được nên được nuôi dưỡng bằng dịch truyền, bơm sữa mẹ qua ống sond. Dù mẹ không được tiếp xúc với bé nhưng bé vẫn được nuôi bằng chính sữa mẹ.
 
Bé Mỹ Bình sinh non 26 tuần thai đã tăng lên 2,4 kg sau gần 3 tháng được BV Hoàn Mỹ Đà Lạt chăm sóc đặc biệt
Bé Mỹ Bình sinh non 26 tuần thai
đã tăng lên 2,4 kg sau gần 3 tháng được BV Hoàn Mỹ Đà Lạt
chăm sóc đặc biệt
Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi - Nguyễn Thị Bích Trâm cho biết, chúng tôi có 8 điều dưỡng được phân công cứ 2 người/đêm chăm sóc theo dõi bé 24/24 giờ, qua gần 3 tháng trắng đêm như thế. Đặc biệt, chúng tôi chia nhau luôn để mắt theo dõi ô xy trong máu, nếu tụt thì bóp bóng hồi sức tích cực ngay (nếu tụt ô xy mà lơ là không xử trí kịp thì dẫn đến tử vong). Cháu bé này đã 2 lần tụt ô xy, chúng tôi theo dõi kịp thời hồi sức tích cực xử trí nhanh nên cứu kịp. Ngay cả khâu vô khuẩn khi tiếp xúc với bé, chúng tôi được bệnh viện trang bị riêng trang phục chăm bé. Bởi chăm sóc đơn nguyên sơ sinh, các kỹ thuật đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, hơn nữa trường hợp cháu bé này sinh cực non và nhẹ ký nên càng phải theo dõi chăm sóc đặc biệt. 
 
Điều dưỡng Trâm nhớ lại cách đây 1 năm, tại Khoa Nhi của bệnh viện cũng có một trường hợp bé sinh non 26 tuần thai, cũng cân nặng 900 gam được các điều dưỡng thức trắng đêm theo dõi, chăm sóc. Bé bị ngưng thở liên tục nên dù chị và các điều dưỡng nỗ lực hết mình vẫn không cứu được, chỉ 1 ngày sau khi ra đời thì bé mất. Vì thế, điều dưỡng Trâm thổ lộ việc chăm sóc trẻ sinh cực non không chỉ vất vả mà còn luôn trong tâm trạng hồi hộp, chờ đợi, hy vọng.  
 
Niềm hy vọng ấy trồi sụt theo chỉ báo ô xy trong máu và theo cân nặng của trẻ sơ sinh. Với trường hợp bé Mỹ Bình, cứ 3 ngày cân 1 lần để theo dõi trọng lượng của trẻ. Sinh ra đã nhẹ ký, chỉ 900 gam nhưng tháng đầu tiên cân lên bé giảm còn 850 gam, bác sĩ nói là sụt cân do sinh lý chứ không phải do bệnh lý. Rồi dần dần theo thời gian, trọng lượng của bé tăng lên 1kg - 1,1 kg - 1,5 - 2 kg - 2,4 kg sau gần 3 tháng chăm sóc. Điều dưỡng Trâm bộc bạch: “Cứ mỗi lần chúng tôi tắm bé, rồi cân, rồi mừng. Cảm giác rất vui khi cân thấy bé lên ký bởi chúng tôi không lúc nào lơ là chăm sóc cháu. Kể cả lúc ngồi bên ngoài phòng cách ly vẫn theo dõi nhất cử nhất động của bé qua khung kính. Khi chúng tôi vào ca trực, dù có mắc đi vệ sinh cũng không dám đi vì sợ chỉ một phút lơ là thôi có thể xảy ra sự cố đáng tiếc không khắc phục được”.
 
Anh T.Q.T cho biết cảm giác hồi hộp với đứa con của mình: “Tôi chỉ được phép nhìn cháu qua khung kính và đếm từng ngày, cứ mỗi lần nghe các bác sĩ, điều dưỡng báo tin cân nặng của cháu tăng thêm nửa lạng, 1 lạng lòng tôi cảm thấy bình yên hơn - nên tôi đặt tên cho cháu là Mỹ Bình. Sau gần 3 tháng, cháu đã cân nặng được 2,4 kg, đã cứng cáp rồi nên được bác sĩ cho ra viện”. 
 
Còn với chị L.T.L.H, chúng tôi thấy chị không lúc nào rời bé và chị đã chụp không biết bao nhiêu hình con gái bé bỏng của mình để bù đắp cho 80 ngày ròng rã nhìn con qua khung kính mà không được bế bồng chăm sóc. Chừng ấy thời gian, dòng sữa mẹ vẫn chảy mà vòng tay ôm con trống trải, chị đã trải qua những ngày tháng  làm mẹ trong chờ đợi, có lúc tuyệt vọng nhưng rồi niềm hy vọng được thắp lên, vỡ òa hạnh phúc. 
 
Mỗi đứa trẻ chào đời là một câu chuyện. Với bé Mỹ Bình, là một câu chuyện đẹp đến khó tin!
 
Ghi chép: DIỆU HIỀN