Đầu tư mạnh cho trường lớp

08:09, 05/09/2016

Nhờ tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, xây nhà công vụ cho giáo viên, mua sắm trang thiết bị...; tỉnh miền núi Lâm Đồng đến nay đã kiên cố hóa khoảng 73% hệ thống lớp học trên địa bàn.

Nhờ tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, xây nhà công vụ cho giáo viên, mua sắm trang thiết bị...; tỉnh miền núi Lâm Đồng đến nay đã kiên cố hóa khoảng 73% hệ thống lớp học trên địa bàn.
 
Xây dựng trường lớp trong hè, chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017 tại huyện Lạc Dương
Xây dựng trường lớp trong hè, chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017 tại huyện Lạc Dương

Trên 400 tỷ đồng cho năm học mới 
 
Thống kê sơ bộ của Phòng Tài chính - Kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lâm Đồng cho biết, đến thời điểm trước khai giảng năm học mới 2016-2017, tổng cộng toàn tỉnh có 278,63 tỷ đồng được chi cho xây dựng trường lớp, trong đó nguồn ngân sách tỉnh 216,3 tỷ đồng; vốn ODA 18,43 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện ước khoảng 43,9 tỷ đồng. Phần lớn những công trình xây dựng đã được đưa vào sử dụng trong năm học mới này, tuy nhiên cũng có nhiều công trình xây dựng kéo dài, chuyển tiếp sang năm học 2017-2018. 
 
Bên cạnh đó, có những nguồn vốn khác huy động cho xây dựng sửa chữa trường lớp chưa được tính vào con số trên.
 
Chỉ tính riêng trong năm học mới 2016-2017 này, toàn tỉnh đã đưa vào sử dụng mới 131 phòng học, 57 phòng bộ môn, 5 nhà hiệu bộ, 30 phòng nội trú, 2 hội trường, 23 công trình vệ sinh. Cùng đó có 94 phòng học và các công trình khác như sân, hàng rào, cổng trường… được sửa chữa, nâng cấp trong dịp hè.
 
Để trang bị cho công tác dạy và học trong năm học mới, tỉnh đã chi 123 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị như máy tính, máy chiếu, máy in sao, thiết bị các bộ môn lý, hóa, sinh, các thiết bị tối thiểu cho bậc học mầm non, thiết bị cho phòng học ngoại ngữ, bàn ghế học sinh...; trong đó, mua sắm cho khối trường trực thuộc Sở GD-ĐT tỉnh 46,2 tỷ đồng và khối các phòng GD huyện - thành 76,8 tỷ đồng.
 
Những năm học trước, Lâm Đồng cũng đã đầu tư rất mạnh cho việc kiên cố hóa hệ thống trường lớp trong tỉnh. Năm học 2015-2016 vừa qua, tổng kinh phí đầu tư trường, lớp cho ngành GD-ĐT đã lên trên 430, 8 tỷ đồng. Trong số vốn này, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản huy động từ nhiều nguồn cho toàn ngành GD năm 2015 là 286,7 tỷ đồng; số tiền này đã được dùng để thanh toán cho 76 công trình hoàn thành trong năm hoặc chuyển tiếp; khởi công mới thêm 15 công trình. Trong năm 2015, tỉnh và các huyện - thành cũng chi tổng cộng trên 151,8 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học.
 
Cùng với nguồn kinh phí nhà nước, trong năm học 2015-2016 vừa qua, toàn ngành GD Lâm Đồng cũng huy động được gần 31,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa GD, trong đó, khối trường trực thuộc Sở huy động được gần 6,4 tỷ đồng, khối các phòng GD huyện - thành trên 25 tỷ đồng. Phần lớn số tiền xã hội hóa này được dùng xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất (trên 24,2 tỷ đồng), còn lại mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường học.
 
Kiên cố hóa khoảng 73% lớp học
 
Theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện nay có tổng cộng 714 trường học, trong đó có 226 trường mầm non, 253 trường tiểu học, 159 trường THCS và 59 trường THPT, số còn lại là các trung tâm GD thường xuyên, các trường chuyên nghiệp... Trong số trường trên, chỉ có số ít trường ngoài công lập, còn lại hầu hết là công lập với 695 trường. 
 
Chỉ tính trong 5 năm vừa qua, từ các nguồn vốn của ngân sách, tổng cộng đã có trên 1.400 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp cho hệ thống công lập trong toàn ngành cùng với gần 334 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. 
 
 Nhìn chung, hệ thống trường, lớp những năm gần đây đã được đầu tư một cách mạnh mẽ, đầu tư xây dựng gắn với chuẩn quốc gia nên số trường đạt chuẩn tăng nhanh. Tuy nhiên, như đánh giá của Sở GD-ĐT Lâm Đồng, cơ sở vật chất trường học cho một tỉnh miền núi đất rộng người thưa như Lâm Đồng vẫn còn rất nhiều khó khăn; số phòng học xuống cấp, phòng học tạm còn nhiều; nhiều trường chưa có phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành; chưa đủ cơ sở để triển khai học 2 buổi/ngày; trang thiết bị còn thiếu và chưa đồng bộ; số trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn thấp so với yêu cầu.
 
Cụ thể, trong bậc mầm non, phòng học, nơi làm việc, nhà vệ sinh của các trường chỉ mới đáp ứng được khoảng 85% so với yêu cầu. Trong bậc tiểu học, cơ sở vật chất của trường vùng thị trấn và xã phát triển (vùng thuận lợi) tương đối tốt, đảm bảo cho hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng GD; tuy nhiên, một số trường ở vùng bất thuận lợi, vùng sâu, vùng xa còn đối mặt nhiều khó khăn, phòng học xuống cấp, thiếu thư viện, phòng phục vụ học tập, thiếu cơ sở giáo dục thể chất... 
 
Trong bậc GD trung học, bao gồm THCS và THPT, cơ sở vật chất theo đánh giá là tương đối đồng đều; hầu hết các trường đến nay đều có đủ phòng học, phòng thực hành thí nghiệm, khu hiệu bộ, phòng máy tính, thiết bị dạy học cơ bản... đáp ứng chương trình giảng dạy, 100% các trường đã kết nối mạng toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa có phòng thực hành thí nghiệm, thiếu nhà hiệu bộ... cần được sớm đầu tư. 
 
Theo ước tính của Phòng Tài chính - Kế hoạch Sở GD-ĐT Lâm Đồng, đến thời điểm này đã có trên 6.600 phòng học trong tổng số trên 9.000 phòng học toàn tỉnh trong hệ thống công lập được kiên cố hóa, đạt khoảng 73%. Trong số phòng học còn lại, có khoảng 2.200 phòng bán kiên cố và vẫn còn trên 270 phòng học tạm (chiếm tỷ lệ khoảng 3%) cũng cần được sớm đầu tư.
 
Một khó khăn khác của GD Lâm Đồng là công tác xã hội hóa GD vẫn còn những hạn chế nhất định; chưa huy động được nhiều các nguồn lực hỗ trợ từ xã hội cho việc xây dựng trường, lớp, phát triển GD; nhất là tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, trong những năm đến, bên cạnh kinh phí đầu tư của nhà nước, ngành GD-ĐT Lâm Đồng cho biết cũng sẽ nỗ lực nhiều hơn để đẩy mạnh xã hội hóa GD trên địa bàn.
 
GIA KHÁNH