Tiếp tục phát huy thành quả về hành động REDD+ tỉnh Lâm Đồng

08:10, 14/10/2016

Từ tháng 7 năm 2013, Chương trình UN-REDD giai đoạn II tỉnh Lâm Đồng cùng với 5 tỉnh: Cà Mau, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Bắc Cạn và Lào Cai chính thức triển khai. Mục tiêu của Chương trình giai đoạn này là nâng cao khả năng của Việt Nam để có thể hưởng lợi từ các khoản chi trả dựa trên kết quả cho REDD+ trong tương lai và thay đổi căn bản mới tích cực trong ngành lâm nghiệp. 

Từ tháng 7 năm 2013, Chương trình UN-REDD giai đoạn II tỉnh Lâm Đồng cùng với 5 tỉnh: Cà Mau, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Bắc Cạn và Lào Cai chính thức triển khai. Mục tiêu của Chương trình giai đoạn này là nâng cao khả năng của Việt Nam để có thể hưởng lợi từ các khoản chi trả dựa trên kết quả cho REDD+ trong tương lai và thay đổi căn bản mới tích cực trong ngành lâm nghiệp. 
 
Vì vậy, ngay từ đầu, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng đã triển khai theo hướng tập trung nâng cao năng lực và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và một số hoạt động ban đầu nhằm “giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon từ rừng” (gọi tắt là REDD+). 
 
Hội thảo Xây dựng khung chỉ số đánh giá quản trị rừng có sự tham gia cho REDD+. Ảnh: M.Đ
Hội thảo Xây dựng khung chỉ số đánh giá quản trị rừng có sự tham gia cho REDD+. Ảnh: M.Đ
Ngày 21/1/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định sồ 247/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là PRAP). Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trên cả nước lồng ghép REDD+ vào quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phê duyệt PRAP. Với PRAP, Lâm Đồng đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ rừng, giảm thiểu nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), góp phần ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), cải thiện sinh kế và hướng tới phát triển rừng bền vững. Theo đó, Lâm Đồng đã và đang tiếp tục tập trung những nội dung như: Nâng cao năng lực tiếp cận và triển khai các hoạt động REDD+; Xác định mức phát thải cơ sở từ rừng; Nâng cao hệ thống theo dõi diễn biến rừng; Xây dựng cơ chế quản lý tài chính; Thực thi các điểm hoạt động REDD+ tại 5 huyện, 14 xã và 2 đơn vị chủ rừng… Để thực hiện thực sự có hiệu quả, các giải pháp đặt ra là: Rà soát hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến sử dụng đất lâm nghiệp; Rà soát và hoàn thiện công tác khoán rừng, giao rừng, cho thuê rừng, sử dụng đất lâm nghiệp hỗ trợ cho việc giảm tác động gây mất rừng và suy thoái rừng. Mặt khác, đồng thời triển khai lồng ghép các hoạt động REDD+ và nhiệm vụ BV&PTR; Kêu gọi các nguồn vốn đầu tư… 
 
Ngày 8/10/2016, thông tin từ ông Phạm Thành Nam - Điều phối viên Chương trình REDD+ Lâm Đồng, về truyền thông nâng cao nhận thức ở Lâm Đồng trong 2 năm 2014 và 2015 có 77 sự kiện với 3.306 lượt người tham gia. Còn 9 tháng đầu năm 2016 đã có 42 sự kiện với 9.218 lượt người tham gia, trong đó rất nhiều sự kiện người tham dự chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động đã được triển khai như: Hội thảo tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR; Tổ chức cuộc thi vẽ tranh về REDD+, BĐKH; Thi panô ảnh về truyền thông REDD+; Hội thi tuyên truyền tìm hiểu về BĐKH và Hỗ trợ hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và giao đất, giao rừng. Qua việc rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, Lâm Đồng hiện có 84.153 ha rừng đặc dụng; 172.800 ha rừng phòng hộ và 310.000 ha - 330.000 ha rừng sản xuất. Thực hiện mô hình hợp tác quản lý nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường rừng và đánh giá giao rừng cộng đồng. Đánh giá giao rừng cộng đồng cho 16 thôn thuộc 8 xã, 5 huyện với diện tích hơn 2.000 ha qua 8 năm triển khai. Thực hiện thí điểm đánh giá quản trị rừng có sự tham gia (PGA) cho tiến trình REDD+…
 
Cũng theo Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2016, các sự kiện cụ thể đã thực hiện trên địa bàn tỉnh bao gồm: Giám sát giải ngân quỹ sinh kế xã Đa Nhim; Giám sát xoay vòng vốn thôn Kala Tongu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh; Giám sát việc thực hiện quỹ sinh kế tại thôn Preteing 2, xã Phú Sơn; Ký kết thỏa thuận RIA với Ban QLRPH Sêrêpôk và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai; Đó còn là, tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức về REDD+, BĐKH, Quản lý BV&PTR tại UBND xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai và tại UBND xã Đạ Long, huyện Đam Rông cho hội viên phụ nữ; Theo dõi giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ xã Lộc Phú; Triển khai các hoạt động liên quan đến SiRAP… Tham vấn các bên liên quan tại các xã thuộc lâm phần Ban QLRPH Nam Ban, Ban QLRPH Lán Tranh, Ban QLRPH Tân Thượng quản lý; Bàn giao cây giống theo kế hoạch REDD+ xã Lộc Phú, xã Đa Nhim; Tập huấn canh tác cà phê theo hướng bền vững cho các hộ dân tại các xã thuộc lâm phần Ban QLRPH Sêrêpôk quản lý…
 
Cho đến nay, qua tìm hiểu thực tế tại nhiều cơ sở mà Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng triển khai, chúng tôi ghi nhận những tác động tốt bước đầu rõ rệt. Đó là nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về BV&PTR trong cộng đồng dân cư nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đó còn là ý thức về trách nhiệm của các chủ rừng cũng như các chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể về REDD+… Qua đây, việc để mất rừng cũng như phát triển rừng bền vững có những chuyển biến tích cực tại nhiều địa phương. Kết quả của hành động REDD+ giai đoạn II tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục phát huy cao hơn khi toàn tỉnh đang thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó BĐKH giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
MINH ĐẠO