Từ Vùng kinh tế mới Hà Nội đến trù phú Lâm Hà

09:10, 27/10/2016

Huyện Lâm Hà đang đi trên lộ trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững nhưng ít ai ngờ cách đây 40 năm nơi đây còn là vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt. Phóng viên Báo Lâm Ðồng đã cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà - Nguyễn Ðức Tài nhân kỷ niệm 40 năm xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Ðồng.

Huyện Lâm Hà đang đi trên lộ trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững nhưng ít ai ngờ cách đây 40 năm nơi đây còn là vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt. Phóng viên Báo Lâm Ðồng đã cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà - Nguyễn Ðức Tài nhân kỷ niệm 40 năm xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Ðồng.
 
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài (bìa trái) thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: X.Trung
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài (bìa trái) thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: X.Trung
PV: Thưa ông, sau 11 năm khai phá Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Nam Ban, Lán Tranh Tân Hà đã đem lại kết quả ra sao? 
 
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: Trong vòng 11 năm (1976 - 1987) mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thử thách nhưng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô cùng với Lâm Đồng vẫn kiên trì phấn đấu xây dựng bằng được tại Lâm Đồng “Vùng kinh tế mới có quy mô hệ thống tổ chức và quản lý kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng tương đương như một huyện”. Cũng trong khoảng thời gian này, Vùng kinh tế mới Hà Nội đã khai hoang được 5.060 ha, xây dựng 5.141 căn nhà, 1.285 giếng nước, hình thành hệ thống trường học từ mầm non đến THPT đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân trong vùng. Nhân dân Thủ đô vào xây dựng ngày càng đông hơn với hơn 20.000 người đã trụ lại được, trong đó đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 10.000 lao động, nhiều gia đình đã có thu nhập cao hơn quê cũ. Qua đó đã hình thành được quan hệ sản xuất mới phù hợp với định hướng phát triển kinh tế ngày nay của huyện như chè, cà phê, dâu tằm…
 
PV: Được biết, năm 1987, Lâm Hà chính thức được thành lập, vậy vào thời điểm đó tình hình kinh tế - xã hội Lâm Hà ra sao, thưa ông?
 
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: Có thể khẳng định rằng, thành tựu 11 năm xây dựng và phát triển Vùng kinh tế mới Hà Nội đã tạo tiền đề cho việc thành lập huyện Lâm Hà nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho Vùng kinh tế mới tiếp tục ổn định và phát triển. Huyện Lâm Hà được thành lập trên cơ sở sát nhập Vùng kinh tế mới Hà Nội với 5 xã của huyện Đức Trọng tách ra gồm Đinh Văn, Tân Văn, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô; 3 xã phía Bắc của huyện và mang ý nghĩa “Lâm” là đất Lâm Đồng và “Hà” là người Hà Nội ở Lâm Đồng, thể hiện tình cảm khăng khít của cán bộ và nhân dân hai địa phương. Ngay sau đó, Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cũng được thành lập, đi vào hoạt động. Cũng cần nhắc thêm, khi mới thành lập, Lâm Hà có tổng diện tích tự nhiên 160.230 ha, tình hình kinh tế - xã hội còn hết sức khó khăn, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn 69% cơ cấu kinh tế, thu ngân sách mới đáp ứng được 10% nhu cầu chi. Các xã chưa có đường ô tô tới trung tâm, 100%  xã chưa có điện thoại, điện lưới, trạm y tế; hệ thống trường học chủ yếu là nhà tạm; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 50%, trong đó trên 30% dân số thiếu đói thường xuyên… Đó là những  khó khăn thách thức đòi hỏi phải sớm vượt qua. 
 
PV: Trước những khó khăn trên, Lâm Hà đã đoàn kết nỗ lực ra sao để sớm ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xã hội? 
 
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: Sau một năm thành lập, Lâm Hà đã tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ I, nhiệm kỳ 1988 - 1991 đặt ra chủ trương “Ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc, vùng kinh tế mới. Đồng thời tích cực chuẩn bị các tiền đề cần thiết để tiếp tục tiến lên trong những năm tiếp theo”. Qua thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất, huyện Lâm Hà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Nông nghiệp có mức tăng trưởng mạnh mẽ 20% hàng năm, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng gần 3 lần so với năm 1988, kinh tế - xã hội có bước chuyển biến rõ rệt. Hệ thống giao thông, thủy lợi được sửa chữa nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại, tưới tiêu và sinh hoạt của nhân dân; sản xuất lúa hai vụ, giải quyết được nạn đói giáp hạt; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được mở rộng và tăng cường; các loại dịch bệnh sốt rét, dịch hạch được khống chế; phong trào văn hóa văn nghệ từng bước được hình thành và phát triển; hệ thống chính trị từng bước được củng cố xây dựng vững mạnh và luôn nêu cao tinh thần cảnh giác chống lại âm mưu thâm độc lôi kéo, kích động quần chúng của Fulro gây mất ổn định chính trị trên địa bàn. 
 
PV: Lấy cột mốc từ năm 1991 cho tới nay, ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật đáng ghi nhận của huyện?  
 
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: Qua các kỳ đại hội Đảng bộ huyện, Nghị quyết đại hội đều đặt ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm an ninh - quốc phòng phù hợp với từng giai đoạn khác nhau. Từ đó quán triệt đến đảng viên, cán bộ các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra, trở thành huyện có mức tăng trưởng liên tục với 2 chữ số, từ 11,9% đến 19,27% qua mỗi giai đoạn 5 năm. Đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến theo hướng tích cực, trong đó, ngành nông - lâm - thủy sản chiếm dưới 50%; thương mại - dịch vụ chiếm trên 29%; công nghiệp - xây dựng chiếm trên 21%. GDP bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm, thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.600 tỷ đồng trong năm 5 (2011 - 2015)… Đi cùng phát triển kinh tế, huyện còn quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin thể thao... Đặc biệt, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tập trung chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt phong trào Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
 
PV: Xin ông cho biết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà huyện phấn đấu tiến tới chào mừng kỷ năm 30 năm thành lập huyện ra sao? 
 
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: Có thể nêu ra một số chỉ tiêu cơ bản phấn đấu trong 5 năm tới đó là: Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hàng năm từ 10 - 12%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy tăng bình quân trên 4,0%/năm; ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân trên 13,8%/năm; ngành thương mại - dịch vụ tăng bình quân trên 8,5%/năm. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 1,5 - 2%, riêng hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm từ 2 - 3%. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 90%, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 65 - 70%. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 85%, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém và hàng năm phát triển từ 160 - 180 đảng viên... Đặc biệt hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới. Với những kết quả và thành tựu đã đạt được trong 40 năm qua, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, chúng ta tin tưởng rằng nhất định huyện Lâm Hà sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững, xứng đáng với sự hy sinh, gian khổ, rày công vung đắp của bao thế hệ đi trước trên mảnh đất này. 
 
PV: Xin chân thành cám ơn Chủ tịch!
 
HOÀNG YÊN (thực hiện)