Xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới

08:10, 18/10/2016

Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, sẵn sàng huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội, đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống là chủ trương chiến lược của Ðảng và Nhà nước.

Xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBÐV) vững mạnh, sẵn sàng huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội, đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống là chủ trương chiến lược của Ðảng và Nhà nước.
 
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm xây dựng và huy động lực lượng DBÐV đạt được những kết quả tích cực.
 
Thực hành ném lựu đạn. Ảnh: H.T
Thực hành ném lựu đạn. Ảnh: H.T

Kết quả bước đầu
 
Đại tá Đỗ Quang Bình - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Trong xây dựng lực lượng DBĐV, công tác đăng ký, quản lý nguồn DBĐV là một nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở đầu tiên rất cơ bản để tổ chức xây dựng lực lượng DBĐV, chất lượng đơn vị DBĐV phụ thuộc vào chất lượng nguồn. Nguồn quân nhân dự bị (QNDB) bao gồm sỹ quan dự bị (SQDB), quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự được xuất ngũ trở về địa phương và công dân được đăng ký vào ngạch dự bị được quy định theo Luật Nghĩa vụ quân sự.
 
Hiện, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thực lực SQDB đang quản lý đạt trên 106% so với nhu cầu chỉ tiêu sắp xếp, tổng thực lực QNDB hạng 1 so với chỉ tiêu phải xây dựng đạt trên 92% và tổng số QNDB hạng 2 đủ điều kiện động viên đạt 6,98% so với dân số.
 
Ngoài ra, thực hiện quy định ngành nghề chuyên môn kỹ thuật của nữ công dân cần cho Quân đội, đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký được 2.933 nữ công dân có chuyên môn kỹ thuật. Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật đảm bảo số lượng, đúng theo danh mục quy định. Thực lực phương tiện kỹ thuật đã đăng ký, quản lý được 5.348 phương tiện (đã sắp xếp đạt 100% chỉ tiêu giao, đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng, sẵn sàng huy động khi có lệnh động viên).
 
Song song với công tác quản lý, việc tổ chức, sắp xếp QNDB vào các đơn vị DBĐV cũng là nội dung được quan tâm chú trọng. Trên cơ sở chỉ tiêu động viên được giao và khả năng bảo đảm nguồn, nhu cầu tổ chức biên chế để tiến hành điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị DBĐV theo phương châm đúng, đủ, gần, gọn, liền vùng động viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các loại hình đơn vị DBĐV. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng cơ bản đã xây dựng đủ, hoàn chỉnh đầu mối các đơn vị DBĐV, với tổng QNDB toàn tỉnh đã sắp xếp được 95,87% so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, SQDB đã xếp đạt trên 78%, HSQ-BS đã xếp đạt trên 97%, đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 72%, gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 16% và không đúng chuyên nghiệp quân sự gần 12%.
 
“Hàng năm, Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS các huyện, thành phố phối hợp với đơn vị nhận nguồn DBĐV tiến hành phúc tra, điều chỉnh, sắp xếp, thay đổi số QNDB đi làm ăn xa, bổ sung số khác để bảo đảm quân số theo biên chế; đồng thời bổ sung thêm lực lượng trẻ để nâng cao chất lượng đơn vị DBĐV” - Đại tá Đỗ Quang Bình cho biết thêm.
 
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dự bị được các cấp thường xuyên quan tâm; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm QNDB giữ chức vụ chỉ huy đơn vị DBĐV được triển khai đúng nguyên tắc và thủ tục. Đến nay, toàn tỉnh đã bổ nhiệm được 85% QNDB giữ chức vụ chỉ huy đơn vị DBĐV theo nhu cầu biên chế. 
 
Công tác huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và sức mạnh tổng hợp của lực lượng DBĐV. Từ đó, công tác tổ chức huấn luyện từng bước đi vào nề nếp và được các địa phương, đơn vị quan tâm đúng mức. Kết quả huy động QNDB tham gia huấn luyện, kiểm tra, diễn tập quân số đạt từ 95% trở lên so với chỉ tiêu.
 
Và những vấn đề đặt ra
 
Theo Đại tá Đỗ Quang Bình, tuy đạt được một kết quả nhất định, nhưng vẫn còn đó những tồn tại, bất cập trong xây dựng lực lượng DBĐV hiện nay như: Công tác sắp xếp phân bổ vùng động viên đối với một số đơn vị binh chủng chưa hợp lý nên có phần ảnh hưởng đến công tác phúc tra, thay đổi bổ sung nguồn. Một số địa bàn trong vùng động viên không đủ nguồn chuyên nghiệp quân sự để thay thế số quá tuổi, giải ngạch. Các biện pháp quản lý QNDB chưa nhận được sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành với địa phương có liên quan. Công tác đăng ký quản lý phương tiện kỹ thuật chưa cập nhật sự thay đổi, di chuyển phương tiện kỹ thuật. Các cơ quan chưa có sự phối hợp để quản lý chính xác số lượng phương tiện ở địa phương.
 
Ngoài ra, do nhận thức còn khác nhau nên một số địa phương vận dụng chưa hợp lý nguyên tắc xếp đúng chuyên nghiệp quân sự gắn với địa bàn. Có nơi thiên về gọn địa bàn để tiện quản lý sinh hoạt, nên tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự rất thấp, tỷ lệ QNDB hạng 2 còn cao và ngược lại có nơi xếp đúng chuyên nghiệp quân sự đạt tỉ lệ cao nhưng địa bàn lại quá rộng. Việc sắp xếp, bổ nhiệm SQDB không đúng với chức vụ và chuyên nghiệp quân sự… 
 
Đại tá Đỗ Quang Bình cho rằng, đối với địa phương Lâm Đồng, để đáp ứng yêu cầu công tác động viên quân đội trong giai đoạn mới, trước hết phải củng cố biên chế và vùng động viên của các đơn vị cho phù hợp, bảo đảm nâng cao tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự. Tổ chức tốt các điều kiện huấn luyện như địa điểm, vật chất, con người và nội dung huấn luyện phù hợp. Ưu tiên huấn luyện chuyển loại và huấn luyện chuyên môn kỹ thuật, binh chủng… Hàng năm, chỉ đạo điều hành chặt chẽ công tác phúc tra, phát lệnh huy động huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên bảo đảm đạt từ 95% đến 98%. 
 
Có cơ chế phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương và các đơn vị nhận nguồn trong xây dựng, nâng cao chất lượng chính trị các đơn vị DBĐV. Chú trọng công tác phát triển Đảng, Đoàn trong QNDB, bảo đảm tỷ lệ lãnh đạo cần thiết trong đơn vị DBĐV. Xây dựng đội ngũ sỹ quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ và chính sách hậu phương quân đội, chế độ đãi ngộ QNDB nhằm động viên vật chất và tinh thần để QNDB an tâm thực hiện nhiệm vụ.
 
Ngoài ra, cần xác định xây dựng lực lượng DBĐV là một bộ phận rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang và mọi công dân trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng DBĐV đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
 
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Xác định xây dựng lực lượng DBĐV là rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
 
Trước yêu cầu, nhiệm vụ về quốc phòng - an ninh nói chung, xây dựng lực lượng DBĐV nói riêng, các địa phương, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng về đường lối xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Xác định xây dựng lực lượng DBĐV là một bộ phận rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xem việc xây dựng lực lượng DBĐV là trách nhiệm của mọi công dân và các tổ chức xã hội. Mặt khác, cần nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phát huy vai trò cơ quan quân sự trong việc tham mưu cho chính quyền trong công tác xây dựng lực lượng DBĐV; tổ chức huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, diễn tập hàng năm nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. 
 
Ông Nghiêm Xuân Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc: “Cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác động viên”
 
Công tác động viên nhằm tạo ra nhân lực, vật lực và các nguồn lực khác để bảo vệ vững chắc chế độ, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo và toàn vẹn lãnh thổ, mà trước hết là bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân ở địa phương cơ sở. Trong những năm qua, thành phố Bảo Lộc đã tập trung nhân lực, vật lực để xây dựng lực lượng thường trực và lực lượng DBĐV vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
 
Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng lực lượng DBĐV đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác động viên từ Trung ương đến địa phương trong việc phối hợp tổ chức thực hiện. 
 
Ông Lưu Tiến Chinh - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai: “Xây dựng lực lượng DBĐV là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền”
 
Để xây dựng lực lượng DBĐV thực sự vững mạnh, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, thì phải xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; trong đó, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phải nhận thức sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, vai trò của lực lượng DBĐV; từ đó thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng lực lượng DBĐV. Xác định công tác xây dựng lực lượng DBĐV là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở. Thực tế, ở đâu cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thì ở đó công tác xây dựng lực lượng DBĐV đạt kết quả tốt.
 
Ngoài ra, cần coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở, cán bộ quản lý các đơn vị DBĐV có đủ phẩm chất, năng lực chỉ huy, chăm lo công tác phát triển Đảng để nâng cao chất lượng chính trị của lực lượng DBĐV.
LHT
 
TỨ KIÊN