Cuối năm cơ bản không còn nạn "xe dù", "bến cóc"?

08:11, 01/11/2016

Mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều đợt truy quét, xử lý mạnh tay, nhưng tình trạng "xe dù", "bến cóc" vẫn tái diễn, gây mất trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, ảnh hưởng đến việc kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp vận tải.

Mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều đợt truy quét, xử lý mạnh tay, nhưng tình trạng “xe dù”, “bến cóc” vẫn tái diễn, gây mất trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, ảnh hưởng đến việc kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp vận tải.
 
Tình trạng xe đón khách sai quy định vẫn diễn ra tại khu vực gần ngã tư Phan Châu Trinh gây mất an toàn giao thông. Ảnh: H.Y
Tình trạng xe đón khách sai quy định vẫn diễn ra tại khu vực gần ngã tư Phan Châu Trinh gây mất an toàn giao thông. Ảnh: H.Y
Xe dù, bến cóc tái diễn
 
Địa điểm thường được các xe dù hay ghé là cửa hàng xăng dầu và một số điểm khác dọc quốc lộ 20, trong đó khá nhiều trường hợp xe dù bị lực lượng chức năng kiểm tra xử lý vi phạm. Đã thế, các chủ xe còn vi phạm các quy định khác như không có phù hiệu, vận chuyển hành khách theo hợp đồng mà không có hợp đồng. Cùng với việc đón, trả khách trái phép, các xe “dù” còn gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, an ninh - trật tự do tranh giành, chèo kéo khách.
 
Mới 1 giờ chiều, tại khu vực đường ngã ba Phi Nôm, nhiều chiếc xe khách chạy lòng vòng để bắt khách. Một người dân cho biết, tình trạng xe khách chạy lòng vòng đón khách xuất hiện lâu nay, nhưng ít thấy lực lượng chức năng tuần tra, xử lý tại điểm này. Những bến cóc này luôn tấp nập hành khách từ chiều đến tối, thậm chí còn là nơi tập kết hàng, lấn chiếm lòng lề đường. Không chỉ bến cóc ngã ba Phi Nôm, tại các ngã ba, ngã tư ở Đà Lạt hay Đức Trọng cũng xảy ra tình trạng dừng đón, trả khách. Đơn cử ngã ba Liên Khương lâu nay trở thành bến xe tạm của các nhà xe kinh doanh tuyến Đà Lạt và Bảo Lộc đi Đắk Nông, Đắk Lắc.
 
Nhiều trường hợp dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định đã bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm và qua kiểm tra từ đầu năm đến nay, riêng lực lượng Thanh tra giao thông đã tiến hành lập biên bản 66 trường hợp, xử phạt, nộp ngân sách nhà nước trên 206 triệu đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với 55 trường hợp.
 
Cuối năm cơ bản xóa bến cóc
 
Không chỉ Đà Lạt còn tình trạng xe dù, bến cóc mà tại một số địa phương khác vẫn còn tồn tại hiện trạng này. Với tâm lý ngại di chuyển xuống bến xe, người dân thường đón xe ở gần nhà cho tiện đã giáng tiếp khiến tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động mạnh hơn. Biết được tâm lý của hành khách, một số nhà xe không tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, lén lút đón, trả khách trái quy định. Để ngăn chặn tình trạng này, thực hiện Công điện chỉ đạo của Chính phủ, Ban An toàn giao thông tỉnh đã thành lập các tổ liên ngành, gồm lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông… tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn tỉnh.  
 
Ngoài lập chốt tại khu vực Đà Lạt tổ liên ngành còn tiến hành tuần tra lưu động để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm tại các địa phương. Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai kế hoạch theo chuyên đề, tổ chức chốt chặn 24/24 giờ trên một số tuyến giao thông trọng điểm, tăng cường tuần tra, kiểm soát xe khách. Qua đó, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, như phóng nhanh, vượt ẩu, chạy sai luồng, tuyến, chở quá số hành khách quy định... 
 
Ông Nguyễn Văn Gia, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Việc xử lý những trường hợp xe khách vi phạm gặp nhiều khó khăn, bởi khi lực lượng chức năng có mặt, thì các nhà xe nghiêm chỉnh chấp hành, chỉ cần lực lượng chức năng đi khỏi thì tình trạng xe dù, bến cóc lại tiếp diễn. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đã chuyển một số phương tiện vận tải khách từ tuyến cố định sang chạy hợp đồng và thêm nhiều phương tiện trung chuyển chở khách xuống bến xe, rất khó cho cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Mục tiêu đến hết năm 2016 Lâm Đồng sẽ cơ bản không còn bến cóc và giảm 70% xe dù. Song để đạt được mục tiêu này xem ra còn rất khó khăn nếu không tạo lập được môi trường kinh doanh, thuận lợi, bình đẳng trong hoạt động vận tải đi đôi với việc xử lý nghiêm các sai phạm. Bằng không doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành khách và các bến xe hoạt động tử tế chịu rất nhiều thiệt hại từ vấn nạn xe dù, bến cóc tồn tại lâu nay.
 
HOÀNG YÊN