Diện mạo mới cho giao thông Lâm Ðồng

09:10, 31/10/2016

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (từ Ðồng Nai đi Lâm Ðồng) có tổng vốn đầu tư tới 64.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công thành phần 1 vào năm 2017 và kỳ vọng đưa vào khai thác cả ba dự án thành phần từ năm 2020 đang là thông tin được người dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm...

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (từ Ðồng Nai đi Lâm Ðồng) có tổng vốn đầu tư tới 64.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công thành phần 1 vào năm 2017 và kỳ vọng đưa vào khai thác cả ba dự án thành phần từ năm 2020 đang là thông tin được người dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Với chiều dài toàn tuyến 200,3 km, quy mô 4 làn xe, nếu dự án đi vào hoạt động sẽ mang lại diện mạo mới về giao thông, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, cải thiện chỉ số về hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn. 
 
Liên quan tới vấn đề trên, Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sơn Điền - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng về tiến độ triển khai dự án cũng như tiềm năng đường cao tốc mở ra trong tương lai khi dự án này đi vào hoạt động.
 
Lâm Đồng kỳ vọng đường cao tốc Liên Khương - Prenn sẽ được đấu nối với dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong thời gian sớm nhất. Ảnh: C.THÀNH
Lâm Đồng kỳ vọng đường cao tốc Liên Khương - Prenn sẽ được đấu nối với dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong thời gian sớm nhất. Ảnh: C.THÀNH
PV: Người dân rất quan tâm tới đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi biết dự án bắt đầu khởi công thành phần 1 Dầu Giây - Tân Phú vào đầu năm 2017, xin ông cho biết một số thông tin chính liên quan tới dự án trên?
 
Ông Bùi Sơn Điền: Đây là dự án giao thông đặc biệt quan trọng đối với Lâm Đồng trong tương lai, kỳ vọng tạo bước đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông cũng như kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh, thành khác. Về cơ bản, dự án hoàn chỉnh sẽ có 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp và đường gom với vận tốc thiết kế tiêu chuẩn loại A từ 80 - 120 km/h, tổng vốn đầu tư toàn dự án lên đến 64.000 tỷ đồng. Do vốn đầu tư lớn, Bộ GTVT chủ trương phân kỳ làm hai giai đoạn đầu tư và chia thành 3 dự án thành phần để đảm bảo tính khả thi. 
 
Cụ thể, dự án thành phần 1 từ ngã ba Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 59,6 km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 9.433 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 là đoạn Tân Phú - Bảo Lộc vốn đầu tư 13.821 tỷ đồng dài khoảng 66,7 km. Dự án thành phần 3 là Bảo Lộc - Liên Khương với vốn đầu tư khoảng 14.383 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ba thành phần trên khoảng 37.000 tỷ đồng. Sắp tới, Chính phủ, Bộ GTVT đã đồng ý khởi công dự án thành phần 1 Dầu Giây - Tân Phú vào đầu năm 2017 từ nguồn vốn đầu tư BOT. 
 
Riêng dự án 2 và 3, UBND tỉnh Lâm Đồng đang đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm thẩm tra đồng bộ với thành phần 1. 
 
PV: Trong tương lai, khi đường cao tốc đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, vai trò kết nối giao thông vùng được thể hiện ra sao, thưa ông?
 
Ông Bùi Sơn Điền: Đây là dự án giao thông có quy mô và nguồn vốn lớn, đã được Bộ GTVT, các ban, ngành địa phương hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, cũng như các nhà đầu tư đánh giá chi tiết, khi đi vào hoạt động chắc chắn tạo hiệu quả kết nối giao thông với các địa phương và vùng kinh tế khác một cách rõ rệt. Tôi ví dụ hiện nay tuyến đường các tài xế đi từ TP Nha Trang về TP Hồ Chí Minh theo hướng Quốc lộ 1A, tuyến đường từ Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) về TP Hồ Chí Minh qua Quốc lộ 14, đi qua tỉnh Bình Phước với thời gian khá dài, mất từ 7 tới 8 giờ. Tuy nhiên, nếu đường cao tốc được đầu tư đi vào hoạt động thông suốt, người dân có thể đi từ thị xã Gia Nghĩa qua hướng Quốc lộ 28, kết nối với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (nút kết nối cao tốc tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm) và chạy thẳng về TP Hồ Chí Minh. Hướng Nha Trang - TP Hồ Chí Minh có thể đi từ Nha Trang lên TP Đà Lạt và chạy theo cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Cả hai tuyến đường trên khi có đường cao tốc sẽ giúp rút ngắn cự ly và thời gian di chuyển khoảng 1 giờ so với hai tuyến đường trên. 
 
Bên cạnh đó, khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động trong tương lai, tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây kết nối đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ tạo ra tuyến đường liên thông thuận lợi cả vùng Tây Nguyên. Một hướng nữa là tuyến đường Trường Sơn Đông sẽ kết nối với đường cao tốc với cự ly di chuyển từ Lâm Đồng về Đăk Lăk và các tỉnh Tây Nguyên sẽ thuận tiện hơn nhiều. Người dân sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khi di chuyển ra địa phận ngoài tỉnh Lâm Đồng.
 
PV: Như vậy dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nếu đưa vào hoạt động sẽ có tác động rõ nét tới giao thông Lâm Đồng, còn vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư tại các huyện ven tuyến cao tốc đi qua ra sao?
 
Ông Bùi Sơn Điền: Như tôi đã phân tích, khi dự án đi vào khai thác sẽ có vai trò lớn giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch Nha Trang - Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Hiện tại, Lâm Đồng có tuyến Quốc lộ 20 dài 268 km đang được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III. Sắp tới nếu có thêm đường cao tốc sẽ tạo bước đột phá, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh, không riêng gì các huyện, xã có đường cao tốc đi qua.
 
Với gần 60 km dự án thành phần 1 sắp khởi công năm 2017, các xã, huyện có đường cao tốc đi qua có điều kiện phát triển mạnh. Tôi ví dụ như TP Bảo Lộc, các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm sẽ có lợi thế do đường cao tốc mang lại rất rõ nét. Như ở huyện Đạ Huoai đang có một số khu du lịch như rừng Madagui hay dự án trường đua ngựa,… khi có đường cao tốc sẽ giúp phát triển về du lịch, thu hút đầu tư. Tương tự như TP Bảo Lộc với Khu Du lịch Đam B’ri, các doanh nghiệp trà, cà phê; huyện Bảo Lâm với Dự án tổ hợp Bauxite - Nhôm  Tân Rai chắc chắn hàng hóa chuyên chở đi các tỉnh lân cận và ngược lại được rút ngắn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
 
PV: Xin cám ơn ông!
 
CHÍNH THÀNH (thực hiện)