Đưa cọ trên áo dài

08:12, 13/12/2016

Là một giáo viên mang trong mình niềm đam mê hội họa, chị Vũ Thị Hương Lan - giáo viên Trường THCS Đam Pao (Đạ Đờn, Lâm Hà) đã chọn cho mình một hình thức thể hiện mới trên những tà áo dài.

Là một giáo viên mang trong mình niềm đam mê hội họa, chị Vũ Thị Hương Lan - giáo viên Trường THCS Đam Pao (Đạ Đờn, Lâm Hà) đã chọn cho mình một hình thức thể hiện mới trên những tà áo dài.
 
Chị Hương Lan luôn tỉ mỉ và chỉn chu trong từng nét vẽ. Ảnh: H.Thắm
Chị Hương Lan luôn tỉ mỉ và chỉn chu trong từng nét vẽ. Ảnh: H.Thắm

Thổi hồn vào từng nét vẽ
 
Ngay từ thuở ấu thơ, thay vì rong chơi như những đứa trẻ trong làng, chị Hương Lan đã hàng ngày làm bạn với màu, cọ và những bản nhạc. Vì vậy mà khi chưa biết cầm bút, chị đã biết cầm cọ vẽ và đọc được các nốt nhạc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật khi cha là một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu, cô bé Hương Lan ngày ấy có lẽ chẳng biết hội họa là gì, nhưng “nhìn cha vẽ thấy thích nên suốt ngày ngồi cạnh và học theo”. Và cũng chẳng biết tự bao giờ, nó đã “ngấm vào máu” và trở thành niềm đam mê của chị. 
 
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, không ít bạn bè phải trầm trồ khi một cô bé mới học cấp II đã có thể “kiếm tiền” bằng việc vẽ các băng rôn, khẩu hiệu, hay những bức tranh.
 
Nhận thấy con mình có năng khiếu đặc biệt trong hội họa, cha của chị Hương Lan đã hướng con gái đến ngành Sư phạm Mỹ thuật (Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) với mong muốn con “sống và phát triển với nghề”, đồng thời có thể truyền dạy cho các thế hệ sau. 
 
Trước đây, cô giáo Hương Lan được bạn bè, đồng nghiệp biết đến với vai trò khác là một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu. Nhưng từ đầu năm nay, chị có thêm một nghề tay trái: Vẽ tranh trên áo dài. Khi nảy ra ý tưởng sẽ đem những nét vẽ của mình lên chất liệu vải, chị Hương Lan đã lấy chính trang phục đi dạy của mình là chiếc áo dài ra thử nghiệm. Không ít đồng nghiệp đã phải “trầm trồ” trước sự sáng tạo độc đáo này của chị. Và họ cũng là những “khách hàng” đầu tiên.
 
Những chiếc áo dài hay chiếc đầm dạ hội được người nữ giáo viên thổi hồn, trở nên vô cùng đặc sắc. Tính đến nay, chị đã nhận vẽ trên dưới 1.000 chiếc áo dài, váy, đầm cho khách hàng. Đơn giản thì là thêm hoa văn, họa tiết để biến tấu những bộ trang phục cũ, hay vẽ những bức tranh về cảnh đẹp của đất nước. Phức tạp hơn là những bộ đồ dài, trang phục cưới hỏi của cô dâu chú rể, với hình công, phượng, mẫu đơn… mà có khi cần mẫn cả tuần chị mới hoàn thành một chiếc. 
 
Khách hàng của chị Hương Lan không chỉ có bạn bè, đồng nghiệp mà nhiều mẫu “độc nhất vô nhị” có cơ hội “vượt đại dương” đến đất nước Canada, Mỹ, Pháp xa xôi. “Vì sản phẩm của mình vẽ tay theo yêu cầu của khách hàng nên hiếm khi “đụng hàng”. Khách hàng mỗi người một phong cách và sở thích khác nhau nên mình cũng phải thường xuyên làm mới mẫu mã. Mình hay lên mạng tìm những mẫu mới, hay tự mình thiết kế các tranh khác nhau để khách hàng lựa chọn. Dù đơn giản hay phức tạp thì cũng đều là nghệ thuật, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉn chu trong từng đường nét”, chị chia sẻ.
 
Tấm lòng dành cho học sinh nghèo
 
Hơn 15 năm, cô giáo Hương Lan vẫn đang miệt mài truyền cảm hứng và tiếp lửa cho niềm say mê hội họa của những lứa học trò. Vượt qua những thiếu thốn về điều kiện học tập, thực hành, không ít học trò của chị giờ đã là những tân cử nhân kiến trúc, mỹ thuật.
 
Với cương vị là một giáo viên, chị Hương Lan cũng đạt nhiều thành tích trong quá trình giảng dạy. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Giáo viên dạy giỏi của tỉnh năm học 2013 - 2014... Chị cũng tích cực tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao của ngành và đoạt giải cao như giải nhất hội thi Tiếng hát dân ca cấp tỉnh năm 2014, giải nhì hội thi Cô giáo tài năng thanh lịch,…
 
Đặc biệt, với mong muốn lưu lại kỷ niệm và chia sẻ đam mê cùng bạn bè, mới đây chị Hương Lan vừa cho ra mắt một MV ca nhạc giới thiệu các cảnh đẹp ở Lâm Hà và trang phục truyền thống áo dài, áo tứ thân. Ý nghĩa hơn, chị quyết định dành toàn bộ số tiền thu được từ việc bán MV để gây quỹ Áo trắng đến trường cho các em học sinh trong chính ngôi trường mà mình đang giảng dạy. Chị tâm sự: “Ban đầu mình chỉ thực hiện MV để thỏa niềm đam mê và muốn gửi tặng bạn bè để làm kỷ niệm. Nhưng sau đó mình nghĩ, sao không làm việc gì đó ý nghĩa hơn. Các em học sinh DTTS trong trường còn rất nhiều khó khăn. Nhiều em vẫn phải mang áo cũ đến trường vì gia đình không có tiền mua áo mới. Ý tưởng của mình được nhiều bạn bè gần xa ủng hộ. Trước mắt, số tiền bán MV sẽ mua được khoảng 150 chiếc áo. Hy vọng là món quà nhỏ này sẽ giúp các em cảm thấy ấm lòng hơn trong mùa giáng sinh”.
 
Tình yêu với hội họa và những giai điệu dân ca dường như chưa bao giờ nguôi ngoai trong nữ giáo viên yêu nghệ thuật này. Và có lẽ, chính việc thổi hồn vào những bức họa trên áo dài như một cách để lưu giữ niềm đam mê và truyền thống gia đình.
 
HỒNG THẮM