Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Ðồng học tập mô hình điều trị và cai nghiện thuốc lá

08:01, 06/01/2017

Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Ðồng (PHCN LÐ) là đơn vị duy nhất trong tỉnh được Bệnh viện Vinh Dân - TP Cao Hùng (Ðài Loan) đến khảo sát về tình hình sử dụng thuốc lá trong bệnh viện và giúp đỡ đào tạo cho bác sĩ, điều dưỡng về chương trình điều trị và cai nghiện thuốc lá.

Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Ðồng (PHCN LÐ) là đơn vị duy nhất trong tỉnh được Bệnh viện Vinh Dân - TP Cao Hùng (Ðài Loan) đến khảo sát về tình hình sử dụng thuốc lá trong bệnh viện và giúp đỡ đào tạo cho bác sĩ, điều dưỡng về chương trình điều trị và cai nghiện thuốc lá.
 
BS K’Diệu và 1 điều dưỡng của Bệnh viện PHCN LĐ có thời gian 2 tháng nghiên cứu học tập kinh nghiệm điều trị cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Vinh Dân - Đài Loan
BS K’Diệu và 1 điều dưỡng của Bệnh viện PHCN LĐ có thời gian 2 tháng nghiên cứu học tập kinh nghiệm điều trị cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Vinh Dân - Đài Loan
Bác sĩ K’Diệu (làm việc ở Khoa Nội) và điều dưỡng Huỳnh Hoàng Ngân (làm việc ở Khoa Nhi) đã được cử sang Bệnh viện Vinh Dân học tập về chương trình điều trị và cai nghiện thuốc lá trong 2 tháng (từ tháng 8 -10/2016). 
 
BS K’Diệu cho biết: Mô hình điều trị và cai nghiện thuốc lá của Bệnh viện Vinh Dân đã trải qua 10 năm, vì vậy họ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đây cũng là nơi đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế về “Xu thế điều trị cai thuốc và phòng trừ tác hại của thuốc lá”, có mời đoàn bác sĩ tỉnh Lâm Đồng (lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện PHCN LĐ) tham dự. 
 
Bệnh viện Vinh Dân triển khai thành công điều trị và cai nghiện thuốc lá cho người tự nguyện đăng ký khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến thuốc lá. Bệnh viện có phòng khám riêng dành cho người cai nghiện thuốc lá, trong đó có bệnh nhân nội trú. Các cán bộ y tế đến từng khoa, phòng để tư vấn và giúp đỡ cho bệnh nhân có hút thuốc lá đăng ký cai nghiện thuốc lá kết hợp với điều trị căn bệnh chính của họ. 
 
Một liệu trình cai nghiện thuốc lá kéo dài 2 tháng. Kết quả thống kê, tỉ lệ bỏ hẳn thuốc chiếm 35 - 40%; bỏ nửa chừng chiếm 5 - 10%; tái nghiện 40 - 50%. Số tái nghiện và bỏ nửa chừng lại tiếp tục điều trị. Phương pháp điều trị bằng thuốc (loại dán và uống) và tư vấn tâm lý để thay đổi hành vi, thói quen. Yếu tố quyết định thành công là bản thân người hút quyết tâm cai nghiện. Bệnh viện chú trọng việc nêu gương, giúp cho bệnh nhân thấy các đối tượng đã cai nghiện thuốc lá thành công và các trường hợp bệnh nhân nặng nhờ cai nghiện thành công thuốc lá nên bệnh thuyên giảm, để học tập. 
 
Để có chương trình hỗ trợ điều trị và cai nghiện thuốc lá, Bệnh viện Vinh Dân đã cử đoàn cán bộ y tế gồm 3 bác sĩ và 1 điều dưỡng đến khảo sát tình hình sử dụng thuốc lá tại Bệnh viện PHCN LĐ và tổ chức hội thảo truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ y tế tại bệnh viện này. Theo BS K’Diệu, tình hình sử dụng thuốc lá mức độ nghiện ở Đài Loan cao hơn Lâm Đồng, nhưng họ làm truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống tác hại của thuốc lá tốt hơn, vì họ đã trải qua 1 thập niên tuyên truyền về vấn đề này cho cộng đồng. Hơn nữa, ở Việt Nam chưa quyết liệt trong phòng chống tác hại của thuốc lá; ở Đài Loan lấy tiền thu từ phạt vi phạm về sử dụng thuốc lá để chi phí cho bệnh nhân điều trị cai nghiện thuốc lá (chỉ thu một phần từ bệnh nhân). 
 
Hiện tại, Bệnh viện PHCN LÐ chưa thể triển khai điều trị và cai nghiện thuốc lá vì liên quan đến chủ trương, đầu tư cơ sở vật chất, thuốc, kỹ thuật. 
 
Từ kinh nghiệm được đào tạo, BS K’Diệu cũng đã tham mưu Ban Giám đốc Bệnh viện xây dựng môi trường bệnh viện không khói thuốc. Thống kê mỗi ngày có khoảng 150 bệnh nhân đến bệnh viện điều trị, trong đó số bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hút thuốc lá chiếm 5 -7%. “Số bệnh nhân có hút thuốc lá phần lớn là người già, điều trị dài ngày, xa nhà, tâm lý buồn chán nên hút, chúng tôi khuyên nhủ bệnh nhân bỏ thuốc chứ khó mà cấm được họ”, BS K’Diệu nói.
 
BSCKII Nguyễn Thái Học - Giám đốc Bệnh viện PHCN LĐ cho biết: “Từ năm 2015, Sở Y tế và Công đoàn ngành phát động các đơn vị trong ngành tham gia phòng chống tác hại của thuốc lá, Bệnh viện đã đăng ký cam kết xây dựng bệnh viện không khói thuốc, phát động trong CBCNV bỏ thuốc lá, cam kết không hút thuốc ở nơi làm việc, hội họp, buồng bệnh, khuôn viên bệnh viện. Bản thân tôi không hút thuốc lá đã 10 năm và CBCNV cũng tích cực hưởng ứng xây dựng bệnh viện không khói thuốc nên được Sở Y tế chọn bệnh viện là đơn vị điển hình để nhân rộng và lựa chọn cán bộ cử đi học tập kinh nghiệm điều trị và cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Vinh Dân ở Đài Loan”.  
 
Bệnh viện PHCN LĐ có 92 CBCNV, trong đó 1/3 là nam giới, số còn hút thuốc lá chiếm 5-7%. 
 
Qua tìm hiểu được biết y sĩ Khôi là người cuối cùng của Khoa Y học cổ truyền (YHCT) bỏ thuốc lá. Ở Khoa YHCT có 10 CBYT, 5 nam không hút thuốc, chỉ có 2 người hút thuốc thì đã cai nghiện thành công. Bỏ thuốc lá trước y sĩ Khôi là y sĩ Lê Tất Thành dùng phương pháp tập thiền để cai nghiện thuốc lá. Tại Khoa có 25 bệnh nhân/ngày đều không hút thuốc lá do tình trạng bệnh lý nặng về xương khớp, liệt nửa người, cao tuổi. 
 
Y sĩ Trần Lê Khôi, 30 tuổi cho biết: “Tôi đã bỏ thuốc lá được 5 tháng do mới có con nhỏ và thực hiện theo quy định của bệnh viện không khói thuốc, nhờ đó sức khỏe có cải thiện tốt hơn. Tôi đã hút thuốc khoảng 8 năm, hút 1 gói/ngày, cứ mỗi lần uống cà phê là hút thuốc lá, vì vậy, để cai thuốc tôi không uống cà phê. Hơn nữa, trong gia đình người thân bên ngoại không có ai hút thuốc, nên mỗi lần về nhà ngoại cả tuần tôi không hút cũng được và tiến tới bỏ hẳn thuốc lá. Bệnh viện có chương trình truyền thông về điều trị và cai nghiện thuốc lá do Bệnh viện Vinh Dân - Đài Loan hỗ trợ đã có tác động tích cực đến chúng tôi”.
 
AN NHIÊN