Đi trong nỗi nhớ ngọt ngào

09:02, 01/02/2017

Có điều gì dài và xa như nỗi nhớ không nhỉ? Có lẽ là không! Bởi tôi đã luôn sống trong cảm giác ấy, hay đúng hơn là đã từng khắc khoải mỗi khi xa nó, dù mảnh đất này chẳng phải là quê hương nơi tôi đã sinh ra…

Có điều gì dài và xa như nỗi nhớ không nhỉ? Có lẽ là không! Bởi tôi đã luôn sống trong cảm giác ấy, hay đúng hơn là đã từng khắc khoải mỗi khi xa nó, dù mảnh đất này chẳng phải là quê hương nơi tôi đã sinh ra…
 
Phượng tím Đà  Lạt. Ảnh: Trương Ngọc Thụy
Phượng tím Đà Lạt. Ảnh: Trương Ngọc Thụy
Mảnh đất ấy liệu có phải là đất lành không? Đôi lúc cắc cớ tôi tự hỏi mình, sao lại dừng chân ở nơi đây để bắt đầu trưởng thành, để bắt đầu lập nghiệp. Rồi chợt thấy mình như ngớ ngẩn, khi biết Nam Tây Nguyên đã bao dung, chở che, ôm vào lòng mình hàng triệu kẻ ngụ cư khác như tôi, chỉ khác ở chỗ là người đến trước, kẻ đến sau mà thôi.
 
Nếu xem Lâm Đồng như một chiếc thang, thì bắt đầu từ chân thang, qua mỗi nấc lại là một cung bậc cảm xúc khác nhau. Có cái nóng oi nồng, nhiệt đới nơi cửa ngõ phía Nam, có gió cùng những cơn mưa mang thương hiệu Tây Nguyên phía cao nguyên Di Linh và bình nguyên B’Lao, cao hơn chút nữa là cái trong trẻo, thuần khiết trong những ngày nắng lạnh của Đà Lạt, một “Paris” thu nhỏ, trái tim trinh nguyên của cả vùng đất này.
 
Cứ chạm vào mỗi nấc thang, cảm xúc lại vỡ òa, tan ra, thoảng thốt vì bất ngờ bởi những giai điệu văn hóa khác nhau. Có một chút thâm trầm, sâu lắng, ngọt ngào của Huế, những mộc mạc, thật lòng của xứ Quảng và tinh tế, sâu sắc của người Bắc Hà, xen lẫn vào đó là cả sự đam mê, luôn khát cháy của những dân tộc bản địa đã lưu trú từ ngàn đời nay trên mảnh đất này. 
 
Trong mỗi cung bậc cảm xúc ấy ở Nam Tây Nguyên, nếu ta muốn chạm vào, trở thành một phần máu thịt, đôi tai của ta phải nghe được tiếng gió, tiếng thở của đất, của suối, của rừng già, cặp mắt phải nhìn thấy được sự sinh sôi của cỏ cây, sự màu nhiệm của đất và hơn tất thảy, trái tim phải biết hòa nhịp, phải cảm nhận được hai chữ “Tình người”. Nếu không hòa tấu được những giai điệu ấy, ta chỉ như một kẻ mộng du đi trong cơn mê sảng, chẳng bao giờ thấu hiểu được mảnh đất kỳ lạ đến huyền diệu này.
 
Con sông mẹ Đồng Nai, bắt nguồn từ Lâm Đồng, như mọi dòng sông khác đều xuôi về biển cả, mang theo mặn ngọt phù sa tưới tắm cho ruộng đồng, bờ bãi nơi nó đi qua. Cư dân ở hạ lưu sông là người được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng khúc sông đẹp nhất, đặc trưng nhất của một dòng sông Tây Nguyên lại là khúc sông khi nó sắp “rời bỏ” Lâm Đồng. Khúc sông ấy có những thác ghềnh, có những khúc cua quặn thắt, ăn sâu vào bên lở, ầm ào và dữ dội như bước chân “Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời” của những chàng trai sơn cước; lúc lại êm đềm, hiền dịu như đôi mắt thẳm sâu của những cô gái người bản địa mỗi sớm lên non.
 
Khúc sông ấy trở nên huyền thoại hơn qua từng câu chuyện kể về Cát Tiên, vùng đất nơi từng là bãi tắm của những nàng tiên mỗi khi về hạ giới vui chơi. Khúc sông ấy còn chảy qua một vùng trầm tích với dấu ấn thánh địa linh thiêng và bí ẩn về một nền văn hóa rực rỡ đã bị thời gian phủ bụi xóa mờ. Gần hơn, hiện thực hơn, khúc sông ấy sau mỗi lần dâng trào để lại phù sa đã tạo ra những cánh đồng thương hiệu lúa Cát Tiên, những vườn điều ngọt bùi hoa trái và cả đời sống ngày một no đủ hơn cho nhiều thế hệ con dân sinh sống nơi đây. Vùng đất ấy, tôi cũng như nhiều người, mỗi khi thèm một chén cơm dẻo ngọt, nóng hổi với bát canh chua cá lăng nức tiếng của sông Đồng Nai lại muốn tìm về.
 
Nhích lên một chút, khoảng giữa lưng chừng bậc thang, để cảm nhận hương vị riêng biệt của Nam Tây Nguyên một cách rõ nhất, không nơi đâu trên khắp vùng đất này cho ta sự thỏa mãn, xúc cảm trào dâng bằng ở bình nguyên B’Lao. 
 
Chạm vào nỗi nhớ ấy, không phải bằng những cái sờ tay thô thiển hay nếm trải bằng vị giác thông thường, mà phải bằng sự lắng nghe của trái tim. Hãy cứ để cho những cơn gió mang theo sự phồn sinh của đất đỏ bazan, thoảng hương nồng thơm ngọt chát từ những vườn trà, rẫy cà phê nức tiếng ùa về thấm sâu vào từng thớ thịt; cứ nhận cho đến khi mùi hương ấy len lỏi, thấm đẫm, căng đầy trong hơi thở, muốn ứa ra như mật ngọt mùa tháng ba; rồi ta sẽ bị chinh phục hoàn toàn và chẳng muốn rời xa nó nữa.
 
Một góc Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Một góc Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Ngồi ở phố thị B’Lao, nhấm nháp thời gian trong hương trà, cà phê, quyện sánh với một chút lãng đãng sương sớm, mơ hồ dìu dặt trong những bản tình ca của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn..., ta mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của bình nguyên khoáng đạt nhất Tây Nguyên này. Và với những “Chiều một mình qua phố”, “Lời buồn thánh”, “Vết lăn trầm”, “Mưa hồng”… ca khúc dấu ấn một thời trai trẻ của Trịnh trên cao nguyên B’Lao, nơi ông làm giáo làng ngày đi về hai buổi trên những con đường đất đỏ ta mới thấy hết được sức quyến rũ đến mê hoặc của đất và người nơi đây. Hãy cứ tin tôi đi, xa đâu đó một thời gian, trở về chạm vào B’Lao, nghe hương vị của đất, hương của trà, của cà phê, chiều qua phố lạc vào đôi mắt của những cô gái xóm đạo, bạn sẽ chẳng bao giờ dễ tìm cho mình được lối thoát.
 
Chán khói bụi của phố thị, của những bon chen vã mồ hôi thường nhật, chẳng phải riêng tôi, rất nhiều kẻ “u mê” khác cũng muốn lên non để được đắm chìm trong động hoa vàng ấy.
 
Trong bản giao hưởng nhiều giai điệu của Nam Tây Nguyên, để tìm một vùng đất rõ Tây Nguyên nhất, mang chất Tây Nguyên nhất với cái nắng, cái gió rõ ràng nhất, với văn hóa dân tộc bản địa của người Cơ Ho giống với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhất, chẳng tìm thấy ở đâu dễ dàng như ở cao nguyên Di Linh.
 
Ở Di Linh, trong những ngày khô hanh hao, gió mang theo hương vị ngai ngái của cúc quỳ đang bung nở phủ tràn khắp những triền thung, mặt trời như chiếc nong đỏ ối hạ xuống dần mang theo ánh sáng, đến khi không gian sẫm lại là lúc ta cảm nhận được một Tây Nguyên rõ nhất. 
 
Cũng ở cao nguyên này, rong ruổi trên những con đường, chui sâu vào những buôn làng phía Sơn Điền, Gia Bắc hay tạt qua mạn Đinh Trang Thượng…; ta mới cảm được hết vẻ đẹp của đời sống, văn hóa thuần chất, gần như nguyên sơ của người Cơ Ho, người bản địa có dân số đông nhất tại Lâm Đồng. Nơi mà những nhánh người Cơ Ho như Srê, Nộp, Cơ Dòn vẫn đang còn giữ được đời sống nguyên bản của cha ông, ít bị pha lẫn, ảnh hưởng bởi những nền văn hóa khác. 
 
Văn hóa và đời sống của Nam Tây Nguyên vẫn được xem ít giống Tây Nguyên nhất, có chút gì đó gần với Đông Nam bộ, sự pha lẫn đó không khiến những vùng miền của Lâm Đồng bị pha tạp, bị loãng đi trong cái soi chiếu đa chiều. Chính sự giao thoa của nhiều vùng miền, sự khác biệt rõ rệt về khí hậu, về thổ nhưỡng của từng vùng đất, lại khiến cho cư dân đang sinh sống trên mảnh đất này tạo được nét riêng mà chẳng thể vùng đất nào ở khắp dải đất hình chữ S này có được. Sự riêng biệt ấy được chắt lọc từ những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất.
 
Những mảng màu về đời sống của Lâm Đồng cũng chưa bao giờ dành cho người đến hết sự đam mê. Cũng chưa nơi nào, người dân nơi đâu có được đời sống nông nghiệp phong phú và đa dạng như ở Nam Tây Nguyên. Nếu muốn tìm những miệt vườn với các loại trái cây bạn cũng chẳng phải cần lặn lội xuôi về miền Tây, muốn tận hưởng mùa cà phê hoa nở trắng đồi cũng chẳng cần phải sang Buôn Mê chiêm ngưỡng, muốn cảm nhận hương trà thơm ngát cũng chẳng phải lặn lội ngược ra rẻo cao phía bắc, muốn được nghe tiếng thông reo, đắm mình trong hương sắc của cỏ cây cũng chẳng cần phải đến trời Âu. Chỉ cần tìm về mảnh đất này, lắng nghe tiếng đất, nghe hơi thở của suối nguồn, cảm nhận được tình người, bạn sẽ có cho mình tất cả.
 
Đương nhiên, trái tim của cả vùng đất ấy phải là Đà Lạt. 
 
Đà Lạt đẹp từ lúc sinh ra, dung nhan ấy gần như đã được mặc định. Có lẽ vì thế, chẳng có thành phố nào được mọi người từ thôn quê đến thành thị ở Việt Nam này lại không ước ao được một lần đặt chân đến. Thành phố ấy bao dung và rộng lượng với tất cả, người già đến để thấy mình còn thanh xuân, trẻ nhỏ thấy mình như được nuôi dưỡng bởi những điều tốt đẹp nhất, lứa đôi thấy họ muốn ở bên nhau nhiều hơn vì thành phố cho họ những điều ngọt ngào nhất. Cứ thế, dẫu có nhiều thay đổi, thành phố vẫn như thỏi nam châm để họ tìm về. 
 
Những cư dân của Đà Lạt hẳn phải là những người hạnh phúc nhất, bởi họ đang được hưởng một đặc ân của tạo hóa mà chẳng dễ dầu gì các phố thị khác có được. Mình là người may mắn, tôi luôn nghĩ vậy! nên chẳng dại dột gì để từ bỏ thứ đặc ân ấy.
 
Có xa mới có nhớ, người ta thường nói thế. Tôi cũng chẳng ngoại lệ, dù chẳng mấy khi dám rời xa Nam Tây Nguyên, nhưng tôi luôn đi tìm về mảnh đất ấy trong những nỗi nhớ ngọt ngào nhất, để thấy mình được chở che, bình yên trong mỗi sớm mai thức giấc.  
 
ÐẶNG TUẤN LINH