Người Đà Lạt yêu hoa lắm

08:02, 16/02/2017

Người Đà Lạt không những cũng có nhiều lễ hội hoa được tổ chức mà còn khắp thành phố hoa được trồng khắp nơi nhưng không bị hái trộm như thế, bởi lẽ người Đà Lạt yêu hoa lắm.

Xin được dẫn lời của PGS.TS Ngô Văn Doanh, Viện nghiên cứu Đông Nam Á trả lời phỏng vấn bài viết “Nhiều người Việt xé rào lấy hoa: Lòng tham đang quá lớn” để đặt tiêu đề cho bài viết này. Bởi lẽ, trong nhiều lễ hội hoa những năm gần đây, nhiều nơi người dân tự ý vượt rào, ngang nhiên trộm hoa, bẻ cành, hái bông mang về, thậm chí còn chen lấn để cố gắng lấy được một vài giỏ hoa. Người Đà Lạt không những cũng có nhiều lễ hội hoa được tổ chức mà còn khắp thành phố hoa được trồng khắp nơi nhưng không bị hái trộm như thế, bởi lẽ người Đà Lạt yêu hoa lắm.
 
Nói như vậy là GS Ngô Văn Doanh đã rất hiểu tính cách người Đà Lạt, không phải họ không tham cái đẹp hoặc thờ ơ với cái đẹp. Mà bởi lẽ họ được tuyên truyền, giáo dục để yêu quý tài sản nơi công cộng. Hoặc chí ít cũng không làm ảnh hưởng đến thương hiệu của thành phố ngàn hoa.
 
Người Đà Lạt nghĩ rằng, hoa là của chung của thành phố. Nếu được tiếng là thành phố của ngàn hoa thì họ cũng sẽ có phần tự hào trong đó. Ảnh: P.Nhân
Người Đà Lạt nghĩ rằng, hoa là của chung của thành phố. Nếu được tiếng là thành phố của ngàn hoa thì họ cũng sẽ có phần tự hào trong đó. Ảnh: P.Nhân

Nổi tiếng với thương hiệu thành phố ngàn hoa, hoa từ nhà ra phố, từ thung lũng đến vùng núi cao, hoa khoe sắc quanh năm làm ngất ngây bao du khách xa gần. Khách du lịch mong muốn đến Đà Lạt để được hòa mình trong những khóm hoa, những vườn hoa, để nâng niu, nũng nịu làm dáng bên những khóm hoa đang khoe sắc cùng đất trời, đó là tâm trạng chung của những du khách xa gần khi đến với Đà Lạt.
 
Khi chứng kiến nhiều lễ hội hoa được tổ chức ở nhiều địa phương, thì nhiều người lại cảm thấy ngao ngán về cách hành xử của một số người đối với những chậu hoa được đặt ở những nơi công cộng. Nhiều người bất chấp để cướp, giật, thậm chí tranh nhau để lấy những chậu hoa mang về. Nhiều bài báo, hình ảnh đăng tải những hành động gây phản cảm này đã không thể ngăn nổi lòng tham ích kỷ của một số người. Họ cho rằng, cướp được cái chậu hoa đó về là mang may mắn, mang lộc vào nhà nên càng a dua, thi nhau tranh cướp. Một thực tế đáng báo động về cách ứng xử từ nhiều lễ hội như vậy.
 
Từ góc nhìn đó, soi vào phong cách của người Đà Lạt, hầu hết người ta nhận thấy, người Đà Lạt hiền hòa, chậm rãi, họ không vội vã như nhiều miền quê khác. Có vị khách cho rằng, Đà Lạt lắm dốc nhiều đèo, người đi xuống cũng chậm người đi lên cũng chậm, nên cái đó đã ngấm vào máu thịt. Họ tự hào vì mình là người sống ở vùng đất mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho họ những điều kiện tốt nhất của đất trời. Vì vậy, người Đà Lạt ai ai cũng muốn chăm chút tô điểm cho ngôi nhà, ban công, mái hiên, trước nhà mình bằng những khóm hoa hay chậu hoa nho nhỏ. Do đó, nhiều du khách đến Đà Lạt ngạc nhiên tự hỏi, không biết tại sao người Đà Lạt trồng hoa bên ngoài đẹp như vậy mà không bị hái trộm. Vâng, không phải vì người ta không đam mê hoa, nhưng vì người Đà Lạt nghĩ rằng, hoa là của chung của thành phố. Nếu được tiếng là thành phố của ngàn hoa thì họ cũng sẽ có phần tự hào trong đó. 
 
Cứ hai năm một lần, Đà Lạt lại tổ chức lễ hội hoa, đây là dịp để hoa từ các nhà vườn nô nức kéo nhau ra trưng bày nơi phố thị. Khắp các đường phố, hoa được trưng bày, được khoe sắc trước hàng vạn người. Mặc dù không cần bảo vệ như các nơi khác, nhưng ít khi bắt gặp cảnh người dân xông vào lấy hoa. Kể cả những ngày cuối cùng khi lễ hội chuẩn bị kết thúc, cảnh những công nhân đi thu gom hoa trong trật tự chứ không có chuyện “hôi của”.
 
Chứng kiến những gì diễn ra ở các thành phố lớn khi lễ hội hoa kết thúc, PGS.TS Ngô Văn Doanh cho rằng, trong các dịp lễ hội phải có cách bảo vệ, hình thành thói quen cho người dân, để họ có thể hiểu được ý nghĩa của sự kiện. Quan trọng nhất là xóa bỏ được tâm lý đám đông. Như Đà Lạt tổ chức hội hoa nhưng không hề có ai phá hoại gì, đơn giản vì họ tuyên truyền để người dân hiểu được và yêu quý hoa, người Đà Lạt họ yêu hoa lắm.
 
Cánh đồng hoa bướm luôn có sức hút với khách du lịch và địa phương. Ảnh: Phan Nhân
Cánh đồng hoa bướm luôn có sức hút với khách du lịch và địa phương. Ảnh: Phan Nhân

Đà Lạt ngày nay đang chuyển mình bước vào hội nhập, khách nước ngoài đến ngày một đông, không những chỉ đến để du lịch mà nhiều người còn chọn Đà Lạt làm nơi sinh sống và coi như quê hương thứ hai của mình. Đơn cử như rất nhiều giảng viên Hàn Quốc đang giảng dạy tại Đại học Đà Lạt đã từng nhận xét: Tôi thích Đà Lạt vì khí hậu mát mẻ và sạch sẽ, lại có rất nhiều hoa trang trí trên các công viên, các con đường trong thành phố. Còn cựu đại sứ Đại Hàn dân quốc tại Việt Nam Giáo sư Yoo Tea Hyun, GS danh dự Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ: Ông đã chọn Đà Lạt làm nơi sinh sống đến cuối đời và coi nơi này là quê hương thứ hai của mình. Ông chia sẻ: “Tôi xem Đà Lạt như là quê hương thứ hai của mình, người dân và đồng nghiệp rất thân thiện, gặp tôi khi nào cũng cười. Tôi yêu Đà Lạt vì đây là nơi có thắng cảnh và khí hậu rất lý tưởng, có những nền văn hóa đặc trưng, lại còn có nhiều nơi để đi dã ngoại như núi Lang Biang”. 
 
Còn nhiều sinh viên người Hàn Quốc học tiếng Việt tại Đại học Đà Lạt cũng có những suy nghĩ như vậy. Họ thích Đà Lạt vì có những ngã ba, những con đường lên xuống, uốn lượn tương tự như Hàn Quốc. Phong cảnh thì tuyệt vời, đặc biệt là được khám phá những vườn hoa mỗi dịp cuối tuần.
 
Hoa là sản phẩm đặc sản của Đà Lạt, đặc biệt là những dịp tết đến xuân về, hoa theo những chuyến xe ra Bắc, ra Trung, vào Nam. Những đóa hoa ly, dơn, cúc, đồng tiền, hoa hồng, cát tường… là những thứ mà người dân khắp nơi muốn trưng trong ngày tết. Không chỉ danh tiếng của hoa Đà Lạt mà còn chứa đựng trong đó là cả tấm lòng của người Đà Lạt, bởi lẽ người Đà Lạt họ yêu hoa lắm.
 
NGUYỄN HUY KHUYẾN