Cụ ông chăm làm thiện nguyện

09:03, 13/03/2017

Khoảng 8 năm trở lại đây, người dân xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm đã quá quen với hình ảnh ông Lê Công Đức (70 tuổi) và vợ cứ đầu tháng lại chở nhau trên chiếc xe máy cũ đi làm thiện nguyện.

Khoảng 8 năm trở lại đây, người dân xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm đã quá quen với hình ảnh ông Lê Công Đức (70 tuổi) và vợ cứ đầu tháng lại chở nhau trên chiếc xe máy cũ đi làm thiện nguyện.
 
Ông Lê Công Đức
Ông Lê Công Đức
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề Đông y (xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), nên từ nhỏ ông Đức vừa đi học chữ vừa học làm thuốc tại nhà. Tốt nghiệp phổ thông, ông tòng quân chống Mỹ. Từ năm 1968 đến 1975, ông Đức hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Công việc của ông lúc bấy giờ là cứu thương, điều trị, chăm sóc thương binh. Giải phóng miền Nam năm 1975, ông Đức ra quân về quê nhà Thanh Hóa công tác tại Công ty Xây dựng II. Sau đó, ông được cấp trên cử đi học lớp y học cổ truyền ở tỉnh Thái Bình. 
 
Tuy nhiên, khi ra trường ông Đức không hành nghề y mà trải qua nhiều ngành nghề khác để kiếm sống. Thế rồi, cuối năm 1997, ông Đức cùng vợ con vào thôn 8, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm sinh sống. Tại quê mới, ông không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, mà còn tham gia công tác xã hội như làm quyền Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Lộc Ngãi, kiêm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lộc Ngãi từ năm 1997 đến năm 2009. Trong vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lộc Ngãi, ông Đức đã vận động và thành lập được 14 chi hội trực thuộc. Hiện tại, tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn tham gia làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 8, kiêm Phó Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn 8. 
 
Từ tháng 4 năm 2009 đến nay, đều đặn hằng tháng, ông Đức góp 2 bao gạo (50 kg) hỗ trợ 5 cụ có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Ngoài ra, ông và vợ còn thường xuyên ghé nhà các cụ hỗ trợ đường, sữa, áo quần cùng những thứ khác cũng như kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp tiền xây nhà giúp người nghèo khó khăn về nhà ở. 
 
“Gia đình tôi chưa hẳn đã hết khó khăn. Song, tôi nghĩ giúp được ai thì cứ giúp, chứ đợi đến khi giàu có rồi mới làm từ thiện thì biết đến bao giờ”, ông Đức chia sẻ. 
 
Năm nay, mặc dù đã bước sang tuổi 70 nhưng chưa bao giờ ông cho phép mình được ngơi nghỉ. Hằng ngày, ông Đức vẫn chăm sóc vườn cà phê 6 sào của gia đình. Mỗi năm, từ vườn cà phê này ông thu được 4,5 tấn cà phê nhân. Với giá cà phê 45.000 đồng/kg như hiện nay, 4,5 tấn cà phê nhân cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, ông Đức có thêm điều kiện để làm thiện nguyện. 
 
Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, về phía Chi hội Người cao tuổi cũng như Chi hội Cựu chiến binh, ông còn cùng với những người trong 2 tổ chức này tạo điều kiện cho các hội viên nghèo có thêm tiền để phát triển kinh tế, bằng cách cho vay quỹ hội. “Chi hội Cựu chiến binh thôn 8 hiện có 24 người và Chi hội Người cao tuổi thôn 8 là 71 cụ. Với nguồn quỹ hiện có 70 triệu đồng, chúng tôi dùng số tiền này cho 4 hội viên nghèo vay phát triển kinh tế. Tiền lãi (1,2%/năm) sẽ được dùng vào việc sinh hoạt chi hội. Tương tự, số tiền hơn 100 triệu đồng Quỹ Chi hội Người cao tuổi thôn 8 cũng được dùng vào việc cho các hội viên nghèo vay phát triển kinh tế”, ông Đức cho biết. 
 
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lộc Ngãi đánh giá: “Gia đình ông Lê Công Đức là một gia đình hạnh phúc. Các con cái của ông đều được ăn học đến nơi đến chốn. Trong số 4 người con của ông thì có 2 người con theo ngành y. Một người là cử nhân điều dưỡng và một người là thạc sĩ, bác sĩ Tây y cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng”.
 
Theo bà Thanh, con cái thành đạt, nhất là lại theo ngành y như bố, đó là một tài sản giá trị. Tài sản giá trị ấy còn được nhân lên bởi tấm lòng thơm thảo của người bố đã biết yêu thương giúp đỡ những người nghèo khó hơn mình. 
 
TRỊNH CHU