Hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn - vì đâu?

08:03, 21/03/2017

Nhiều nguyên do được chỉ ra để giải thích cho sự trễ hạn của trên 5 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính năm 2016 trong toàn tỉnh Lâm Đồng. Có những lý do mang tính khách quan, nhưng cũng có những lý do đưa ra chưa mang tính thuyết phục. 

Nhiều nguyên do được chỉ ra để giải thích cho sự trễ hạn của trên 5 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính năm 2016 trong toàn tỉnh Lâm Đồng. Có những lý do mang tính khách quan, nhưng cũng có những lý do đưa ra chưa mang tính thuyết phục. 
 
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh: V.Trọng
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh: V.Trọng
Lĩnh vực nào bị trễ hạn? 
 
Theo Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) - Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2016, tổng cộng 20 đơn vị sở, ngành và 12 huyện, thành trong toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 1.079.180 hồ sơ TTHC, trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hạn 1.073.841 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,5%. 
 
Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đến nay, theo cơ quan chức năng đánh giá, cơ bản đúng trình tự đã công bố và công khai hóa; quá trình giải quyết hồ sơ TTHC được theo dõi bằng số tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, có phiếu theo dõi quá trình giải quyết TTHC và giấy biên nhận hồ sơ. Cách làm này không chỉ tạo được niềm tin cho các cá nhân, đơn vị, tổ chức khi đến giải quyết TTHC mà còn tạo thuận lợi cho việc theo dõi giám sát quá trình giải quyết hồ sơ.
 
Số hồ sơ trễ hạn trên có mặt trong hầu hết các lĩnh vực giải quyết TTHC. Từ hồ sơ về môi trường, hồ sơ lập thủ tục đầu tư; hồ sơ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, quản lý ngân sách, y tế, khiếu nại tố cáo, thành lập doanh nghiệp, thủ tục xây dựng, bảo trợ xã hội, kinh doanh lưu trú, đổi bằng lái xe…
 
Số hồ sơ trễ hạn nhiều nhất là lĩnh vực đất đai với 4.597 hồ sơ, kế tiếp là số hồ sơ trong thủ tục xây dựng với 132 hồ sơ; trong thủ tục quản lý ngân sách có 131 hồ sơ trễ hạn; trong lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp có 113 hồ sơ trễ; lĩnh vực bảo trợ xã hội bị trễ 83 hồ sơ; thủ tục đường bộ, chủ yếu là cấp đổi giấy phép lái xe, trễ 73 hồ sơ; thủ tục dược - mỹ phẩm trễ 40 hồ sơ; thủ tục hành chính tư pháp trễ 26 hồ sơ; thủ tục môi trường trễ hạn 10 hồ sơ...
 
Vì đâu bị trễ? 
 
Rất nhiều nguyên do được các đơn vị chủ quản đưa ra để giải thích cho lý do hồ sơ bị trễ hạn; có những lý do mang tính “khách quan” như trong lĩnh vực môi trường với 10 hồ sơ bị trễ hạn, trong đó có 5 hồ sơ thuộc trách nhiệm UBND tỉnh Lâm Đồng giải quyết nhưng bị trễ là do “lãnh đạo đi công tác”, còn 5 hồ sơ còn lại thuộc trách nhiệm UBND huyện Đức Trọng giải quyết nhưng trễ hạn vì “cán bộ trực tiếp giải quyết không liên hệ được với chủ cơ sở để bổ sung hồ sơ (?).
 
Có rất nhiều hồ sơ bị chậm “do người dân chậm nộp bổ sung hồ sơ” hoặc do “chủ đầu tư xin gia hạn thời gian giải quyết hồ sơ (như trong trường hợp của UBND thành phố Đà Lạt với 91 hồ sơ bị trễ trong lĩnh vực xây dựng). Còn trong trường hợp 68 hồ sơ của Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng bị trễ hạn do chủ yếu trong số này là hồ sơ thủ tục đổi giấy phép lái xe ngoài tỉnh, bị trễ do các tỉnh này xác minh chậm. 
 
Nhưng có những giải thích thiếu tính thuyết phục. Như trong trường hợp 4 hồ sơ thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo bị trễ hạn, lời giải thích của Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng rằng “do công tác chuyên môn nhiều”. Tương tự, trong trường hợp 40 hồ sơ trễ hạn lĩnh vực Dược - mỹ phẩm thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở Y tế Lâm Đồng, lời giải thích của đơn vị này đưa ra: “do khối lượng công việc lớn?”.
 
Cũng có không ít số hồ sơ trễ hạn do cán bộ xử lý làm việc thiếu trách nhiệm. Như trong trường hợp 3 hồ sơ khiếu nại, tố cáo tại UBND huyện Đức Trọng bị tồn đọng, lời giải thích là do “cán bộ tham mưu trễ”. Sở Tài chính Lâm Đồng trong năm 2016 có tổng cộng 127 hồ sơ trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước bị trễ, trong đó có trên 70 hồ sơ tồn đọng là do cán bộ trực tiếp giải quyết “có trình độ năng lực hạn chế”. Tại Cát Tiên, rất nhiều hồ sơ trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, thành lập doanh nghiệp, bảo trợ xã hội lẫn thủ tục đất đai bị bê trễ, nguyên nhân bởi bộ phận chuyên môn “quên” thực hiện bước chuyển kế tiếp trong hệ thống một cửa hiện đại? 
 
Có một nguyên do cũng cần được nhắc đến ở đây: nhiều hồ sơ bị trễ do cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan chưa tốt, điển hình như 58 hồ sơ trong lĩnh vực đầu tư và lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bị trễ tại Sở Kế hoạch - Đầu tư.
 
Trong lĩnh vực thủ tục đất đai, tồn đọng nhiều nhất là ở Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh với 3.362 hồ sơ trễ hạn. Lý do đưa ra: thiếu biên chế; trình độ năng lực cán bộ giải quyết còn hạn chế; thay đổi ranh giới đất nên phải xác minh hiện trạng sử dụng đất (1.696 hồ sơ); do cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan với nhau chưa tốt (1.520 hồ sơ). 
 
Trong khối 12 huyện, thành, tồn đọng hồ sơ đất đai nhiều nhất là thành phố Bảo Lộc với 370 hồ sơ (do người dân chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính), kế đến là Đức Trọng với 187 hồ sơ với rất nhiều lý do; thành phố Đà Lạt với 114 hồ sơ (lý do có 44 hồ sơ bị trễ do phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt, 39 hồ sơ do hạn chế về năng lực của cán bộ trực tiếp giải quyết và 31 hồ sơ bị trễ còn lại do chủ sử dụng đất chậm phối hợp trong việc bổ sung hồ sơ). Các huyện còn lại như Bảo Lâm trễ 110 hồ sơ đất; Lâm Hà trễ 109 hồ sơ; Cát Tiên trễ 65 hồ sơ, Lạc Dương trễ 54 hồ sơ...
 
Tập trung vào lĩnh vực đất đai
 
Rõ ràng vẫn phải chấp nhận trong một mức độ nhất định việc trễ hạn hồ sơ bởi nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên với những lý do chủ quan kiểu “do công tác chuyên môn nhiều”, hoặc cán bộ trực tiếp giải quyết có “trình độ năng lực hạn chế” thật khó chấp nhận. 
 
Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, theo ông Lê Trung Kiên, Phó Phòng Kiểm soát TTHC Sở Tư pháp Lâm Đồng, bên cạnh việc tăng cường liên thông phối hợp giữa các đơn vị, nâng cao trách nhiệm trách nhiệm người đứng đầu, tỉnh trong thời gian đến cũng cần xác định rõ nguyên nhân trễ của từng loại TTHC để có hướng thúc đẩy nhanh tiến độ giải quyết, hạn chế đến mức thấp nhất số hồ sơ tồn đọng nhất là trong lĩnh vực đất đai như hiện nay. 
 
VIẾT TRỌNG