Một thời "vượt cạn" ở Bưu điện Lâm Đồng

08:04, 20/04/2017

Dịp đầu tháng 4 này đến tìm hiểu câu chuyện Bưu điện Lâm Đồng là một trong những điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bưu điện Lâm Đồng Nguyễn Văn Thông với giọng Hà Nội nhỏ nhẹ và điềm đạm, mở đầu câu chuyện...

Dịp đầu tháng 4 này đến tìm hiểu câu chuyện Bưu điện Lâm Đồng là một trong những điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bưu điện Lâm Đồng Nguyễn Văn Thông với giọng Hà Nội nhỏ nhẹ và điềm đạm, mở đầu câu chuyện: 
 
 - Chúng tôi đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập. Trước khi tách thành hai mảng Bưu chính và Viễn thông, anh quá biết do cơ chế bao cấp còn nặng nề, lại được khối Viễn thông “bù chì” nên nhìn chung ngành tương đối hoàng kim…
 
Nhân viên của Bưu điện Lâm Đồng đưa thư về vùng sâu. Ảnh: D.Quỳnh
Nhân viên của Bưu điện Lâm Đồng đưa thư về vùng sâu. Ảnh: D.Quỳnh
Tôi gật đầu đồng cảm và thầm tính cũng khoảng 15 năm rồi mình mới có dịp trở lại làm việc với ngành Bưu điện Lâm Đồng. Năm 2000, 2001 báo chí cũng tốn khá nhiều giấy mực phản ánh nhân vật Cil Múp Ha K’riêng (người K’Ho dưới chân núi Lang Bian huyền thoại) - Tổ trưởng Tổ vận chuyển thư báo thuộc Bưu điện huyện Lạc Dương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới 1989 - 1999. Hơn hai mươi năm công tác, Cil Múp Ha K’riêng khiến xa gần nể phục bởi anh đã trải qua ngàn lần băng rừng lội suối vượt gần trăm cây số đường rừng, bất chấp nắng mưa hay hiểm nguy do sau 1975 và đến thập niên 80 thế kỷ trước tàn phỉ Fulro vẫn rình rập quấy phá… để đưa công văn, báo chí, bưu phẩm vào vùng ba xã Đầm Ròn và ngược lại. Nghe nói, lịch sử ngành Bưu điện cũng mới chỉ có hai anh hùng, đó là ông Đặng Đình Thân - nguyên Tổng Cục trưởng và Cil Múp Ha K’riêng. Như vậy, chứng tỏ Bưu điện Lâm Đồng quả là có hạng trong bảng phong thần của Ngành… Từng 37 năm làm báo địa phương nên tôi tương đối nhập tâm quá trình xây dựng và phát triển của Ngành mà anh Thông gắn bó 35 năm. Bưu điện Lâm Đồng thành lập ngày 12/8/1976, hoạt động với chức năng, nhiệm vụ: tổ chức, xây dựng, vận hành và khai thác quản lý mạng lưới Bưu chính - Viễn thông phục vụ sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của xã hội. Trong điều kiện kinh doanh và phục vụ gặp không ít khó khăn, Bưu điện Lâm Đồng nhiều năm liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch và luôn giữ mức tăng trưởng cao hơn với mức bình quân chung toàn Ngành. Qua nghiên cứu, tìm giải pháp, khắc phục khó khăn bởi địa hình đồi núi phức tạp, đến cuối năm 1999, mạng Viễn thông số hóa 100%, 111/111 xã trong tỉnh có máy điện thoại, đã cơ bản hóa 100% các tuyến đường thư, thời gian toàn trình được rút ngắn, năm 2005 đạt 114/115 xã có báo phát trong ngày, năm 2006 có 100% điểm Bưu điện - Văn hóa xã có internet. 30 năm xây dựng và trưởng thành (1976-2006), Bưu điện Lâm Đồng được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân…  
 
Mải mê tâm đắc với suy tưởng, tôi chợt thốt: - Chà, đã lâu mới nghe từ “bù chì”, giờ ít người dùng. Chắc Giám đốc chẳng lạ gì cổ tích Việt Nam có truyện… Ngày xưa, có bốn anh em trai đều ở riêng nuôi một cha già. Họ chia nhau mỗi người nuôi một năm. Về sau ganh tỵ nhau, rút xuống còn ba tháng và giao hẹn trước khi nhận bố về nuôi thì phải cân, nếu ai để bố nhẹ cân thì người sau không nhận, bắt người trước phải nuôi cho đến lúc lên cân. Trong số đó có một đứa nhà rất nghèo, nuôi bố bữa đực bữa cái. Sắp đến kỳ bàn giao, rất lo bố sẽ sút cân. Bố thương tình đúc một hòn chì đeo vào cho nặng... “Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”… So sánh kể ra khập khiễng nhưng rất quý là điều đó không xảy ra trong Ngành trước đây mà ngược lại “anh em” có sự san sẻ, bù đắp… để xây dựng nên một thương hiệu nổi danh trong Ngành! Vậy bước sang giai đoạn 10 năm qua, mình tự lực cánh sinh thế nào…? 
 
 - Từ 15/6/2008, Bưu điện Lâm Đồng ra “ăn riêng”, trong sóng gió thị trường, lắm chuyện để kể! - Một thoáng suy tư, Giám đốc Thông bộc bạch: Những năm đầu thành lập cũng là thời gian công nghệ thông tin “bùng nổ”, phát triển nhanh và gây áp lực lớn với ngành Bưu chính. Anh hình dung với tổng số 600 lao động chiếm 1/2 toàn ngành cũ mà doanh thu chỉ đạt khoảng 5 - 7% ngày trước khiến năm đầu chúng tôi lỗ 18 tỷ đồng. Mỗi năm phải chi lương 1.600 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2013 rút xuống còn 330 tỷ đồng và đến năm 2014 hoàn toàn cắt hết… Doanh thu thấp, đời sống đơn vị khó khăn và mọi người không yên tâm công tác. Trong hoàn cảnh đó, làm công tác tư tưởng quả không dễ chút nào. Thế nhưng thời điểm này cũng là giai đoạn việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang lan tỏa trong xã hội. Sau nhiều trăn trở, Đảng ủy và Ban Giám đốc thống nhất với nhau “Sông có lúc, người có khúc”, “qua cơn bĩ cực sẽ tới hồi thái lai”. Với niềm tin ấy, chúng tôi tổ chức cho cán bộ, công nhân viên ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành thời kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ. Trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, toàn Ngành có gần 1 vạn người con ưu tú đã ngã xuống trên khắp các chiến trường cho độc lập tự do hôm nay. Đặc biệt là những đợt sinh hoạt tìm hiểu sự quan tâm của Bác Hồ đối với ngành Thông tin liên lạc. Tấm lòng của vĩ nhân đối với chúng tôi quả là sâu sắc. Ngày 17/1/1946, trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” những ngày đầu xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Người vẫn dành thời gian đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ, động viên cán bô,̣ viên chức dốc lòng phục vụ chế độ mới. Năm 1966, thăm Đoàn Sóng điện thuộc Bộ đội Thông tin liên lạc, Bác nhấn mạnh: “Thông tin liên lạc là dây thần kinh, mạch máu con người”. Ngày 28/1/1969, gửi thư khen cán bô,̣ chiến sỹ thông tin liên lạc, Bác đã đề ra 4 yêu cầu có tính nguyên tắc: “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”. Sứ mạng của Ngành cao cả như vậy, chả lẽ nào trong lúc khó khăn nhất thời chúng ta lại nghiêng nặng về đồng lương mà nhẹ vơi phận sự… Qua những đợt sinh hoạt chính trị ấy, mặt khác cùng với việc mở mang, phát triển dịch vụ mới nên tinh thần của cán bộ, công nhân viên đã bớt chao đảo, gắn bó với công việc hơn. Từ năm 2011, năng suất lao động bình quân của ngành dần tăng. Nếu năm 2011 đạt 171 triệu đồng/người, tăng 2,3% so với năm 2010 thì đến năm 2015, năng suất lao động bình quân đạt 218 triệu đồng/người/, tăng 10,6% so với năm 2014 và Bưu điện tỉnh thoát khỏi tình trạng thua lỗ, bước đầu làm ăn có lãi 1,8 tỷ đồng.
 
Năm 2016, đơn vị đạt những con số hết sức ấn tượng: tổng doanh thu 166 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm, lợi nhuận 2,26 tỷ đồng, năng suất lao động 260 triệu đồng/người/năm, tăng 19,2% so với năm 2015… Minh chứng bằng những con số cụ thể để anh hình dung rõ hơn học tập và làm theo Bác đã tạo nên nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, là động lực mạnh mẽ giúp Ngành nỗ lực “vượt cạn”, đồng thuận khắc phục trở ngại, dốc sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Giai đoạn 2011-2015, Bưu điện tỉnh luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước, được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Cờ thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng bằng khen. Đảng bộ liên tục đạt tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu được Tỉnh ủy, Đảng ủy khối Doanh nghiệp tặng bằng khen, giấy khen…
 
Đang mạch hào hứng, anh Thông say sưa lý giải sự tăng tốc trong năm 2016: Ngay từ đầu năm, Bưu điện tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp nhằm tiết kiệm, sử dụng chi phí hợp lý, hiệu quả để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với tất cả các sản phẩm, dịch vụ đang cung cấp trên mạng lưới, chú trọng vào các sản phẩm, dịch vụ lõi về Bưu chính chuyển phát, Tài chính Bưu chính và Phân phối truyền thông. Doanh nghiệp chú trọng nắm bắt, phát triển sâu, rộng các thị trường tiềm năng, đẩy mạnh kinh doanh hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ mới. Tăng cường làm tốt công tác truyền thông, tiếp xúc, chăm sóc, giữ và phát triển khách hàng, quảng bá thương hiệu, đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ trên mạng lưới. Ngành quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm Bưu điện - Văn hóa xã nhằm giữ vững thị trường nông thôn và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bán hàng thông qua đội ngũ cộng tác viên tại các địa bàn. Điểm Bưu điện - Văn hóa xã hiện vẫn là cánh tay nối dài kết nối giữa Đảng, chính quyền với người dân và ngược lại, là vệ tinh tiếp nhận trên 300 thủ tục hành chính… Vừa qua, Ngành ký kết với Thư viện tỉnh cứ 6 tháng nhận về 100 đầu sách, báo luân chuyển cho các Bưu điện - Văn hóa xã phục vụ độc giả. Sự phát triển của mạng Bưu chính góp phần tham gia Chương trình xây dựng Nông thôn mới, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, nâng cao dân trí, đảm bảo an toàn, an ninh, phục vụ tốt sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương… Một trong những yếu tố giúp Bưu điện tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh là đã mở rộng, đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ và đảm nhận việc cung cấp, triển khai các dịch vụ Hành chính công về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích. Ngoài việc duy trì tốt các dịch vụ như: Chi trả lương hưu, Bảo hiểm xã hội, trợ cấp Bảo trợ xã hội, trợ cấp xã hội hợp nhất gia đình,… Ngành chủ động xây dựng phương án, tiếp xúc, làm việc với các cơ quan chức năng triển khai mở rộng và đảm nhận thêm các dịch vụ hành chính công mới mang lại lợi ích cho người dân: Thu phí phạt vi phạm giao thông, chuyển phát hồ sơ tạm giữ, chuyển phát hồ sơ lý lịch tư pháp… Đây cũng là nhiệm vụ của Ngành được đề ra từ Đại hội lần thứ IX của Đảng: “Phát triển mạng lưới thông tin hiện đại và đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong hệ thống lãnh đạo, quản lý và các dịch vụ tài chính, thương mại, giáo dục, y tế và tư vấn…”. Cũng nhấn mạnh thêm điểm sáng nữa là Bưu điện tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Năm 2016, báo Nhân Dân tăng 109%, báo Lâm Đồng tăng 98% và Tạp chí Cộng sản tỷ lệ đạt 127% so với năm 2015.
 
- Kinh nghiệm tăng cường việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng cũng như công tác sớm phát hành tới tay bạn đọc thì Lâm Đồng là tỉnh, thành dẫn top đầu cả nước, vậy việc học tập và làm theo Chỉ thị 03-CT/TW và nay là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chắc vẫn sôi nổi? 
 
Chuông điện thoại bàn reo. Anh Thông trao đổi công việc… rồi trở lại với câu hỏi của tôi: - Nhìn chung phong trào lan tỏa sâu rộng. Năm 2016, Đảng bộ Bưu điện tỉnh vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015…  Chà, xin lỗi nhé, không thể tiếp tục trao đổi với anh, đến giờ hẹn làm việc với khách… Về vấn đề này, tôi sẽ nhường cho cô Phạm Thị Ngọc -  Phó Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng bộ phận “Học tập và làm theo Bác”! 
 
Trước vẻ ái ngại của anh Thông, tôi nói vui: - Đành cầm lòng vậy! Bù lại, trao đổi với cán bộ qua 30 năm công tác cũng là 30 năm đất nước đổi mới, lại từng 12 năm làm tổ chức nên thuận là Phó Giám đốc Ngọc rất hiểu người, hiểu việc. 
 
Gương mặt chữ điền chất phác chợt tắt nụ cười tươi, anh Thông trầm giọng chia sẻ: - Học tập và làm theo Bác, Phó Giám đốc là tấm gương sáng đấy. Chớm tuổi ngoài 40 tuy gặp gia cảnh rất khó khăn song 7 năm qua vẫn đảm việc cơ quan, việc nhà…
 
Quen biết từ lâu nên Phó Giám đốc Phạm Thị Ngọc nhanh nhẹn và cởi mở trao đổi: Học tập và làm theo Bác là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, chính quyền. Đảng bộ Bưu điện tỉnh xác định muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này phải chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Ngay sau khi tách và thành lập doanh nghiệp mới, Đảng bộ tiếp tục được củng cố, kiện toàn và phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo toàn diện các mặt hoạt động, nhất là đối với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Đảng bộ tập trung quán triệt, chỉ đạo cấp ủy các chi bộ và tổ chức các cấp làm tốt công tác tư tưởng, nội bộ, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn đơn vị hướng vào thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chung… Trong 5 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được xây dựng, đáng chú ý là chuẩn mực: Xây dựng và nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân bằng những việc làm thiết thực hằng ngày như không ngừng nâng cao chất lượng mạng lưới, ý thức phục vụ khách hàng, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng dịch vụ Bưu chính - Viễn thông của khách hàng; kịp thời giải quyết những khiếu nại của khách hàng, chống sự lãnh cảm, vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh…
 
Qua trò chuyện với nữ Phó Giám đốc, tôi biết: Năm 2016, Bưu điện tỉnh đã cụ thể hóa triển khai hiệu quả Chương trình thi đua hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm và các phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng các dịch vụ BCCP”, “Đổi mới hoạt động Điểm BĐ - VHX”, “Sáng kiến, sáng tạo VNPost”, “Bưu điện kiểu mẫu, Giao dịch viên chuyên nghiệp”. Đồng thời, duy trì tốt phong trào “Bảng vàng thi đua” hằng tháng và tổ chức phát động thêm nhiều đợt thi đua chuyên đề gắn với thực hiện nhiệm vụ kế hoạch… Đặc biệt, các khoản chi phí luôn được sử dụng hợp lý, hiệu quả trên tinh thần tiết kiệm. Qua 5 năm, toàn ngành tiết kiệm trên 5 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 1 tỷ đồng) nhờ giảm chi phí lễ tân, khánh tiết, văn phòng phẩm, điện, nước, cước điện thoại nghiệp vụ, công tác phí… Bên cạnh đó, Đảng ủy quan tâm, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp tổ chức và tham gia tốt các hoạt động xã hội, từ thiện với tổng số tiền đóng góp, ủng hộ hằng năm trên 600 triệu đồng. Các phong trào thu hút được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn thể CBCNV, người lao động. Có hàng chục lượt tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được Tổng Công ty và Bưu điện tỉnh biểu dương, khen thưởng. Năm 2016, Hội đồng khoa học công nghệ Bưu điện tỉnh nghiệm thu, xét khen thưởng 56 giải pháp, sáng kiến và hầu hết các giải pháp, sáng kiến đã và đang được áp dụng. Năm 2016, Đảng bộ có 10/12 chi bộ “Trong sạch, vững mạnh”, đạt tỷ lệ 83,3%; trong đó có 2 chi bộ “Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”, tỷ lệ 16,7%. Vừa qua, Đảng bộ đề nghị Đảng ủy khối Doanh nghiệp xét công nhận và khen thưởng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu năm 2016. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, Đảng bộ quán triệt các đơn vị xây dựng kế hoạch và đăng ký việc học tập, làm theo Bác đối với tập thể chi ủy, chi bộ và từng cá nhân trong toàn khóa và năm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Các chi bộ trực thuộc tiếp tục duy trì sinh hoạt chuyên đề với nội dung học tập, làm theo trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, hay sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần. Qua đó, biểu dương và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong công tác, tạo sức lan tỏa sâu, rộng, gắn kết với việc lãnh đạo thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Thường xuyên tự phê bình và phê bình những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đưa việc học tập, làm theo Bác là nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng bộ. 
 
 - Để tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và người lao động, chắc phải có sự ảnh hưởng to lớn của người đứng đầu? 
 
Phó Giám đốc Ngọc hồ hởi: - Vâng, anh Thông khiêm tốn chưa nói chứ Giám đốc đã vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen vì những thành tích học tập và làm theo Bác giai đoạn 2011 - 2013.
 
“Thông tin là dây thần kinh, mạch máu của con người”, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy ý chí nỗ lực khắc phục khó khăn như đã có giai đoạn “vượt cạn” sau năm 2008, tôi thầm nghĩ phong trào học tập và làm theo Bác ở Bưu điện Lâm Đồng đang và sẽ mãi là một trong những vườn hoa thắm sắc, ngát hương của Đảng bộ Lâm Đồng.   
 
Ký: ĐAN THANH