Nhận diện vấn đề nhà ở cho công nhân - người lao động

08:04, 18/04/2017

Dường như đã thành thông lệ, hoặc luôn có một điều khoản trong các hợp đồng lao động là công nhân - người lao động (CN-NLĐ) "tự lo nhà ở và phương tiện đi lại". Do đó, trên thực tế, Lâm Đồng với 2 khu công nghiệp tập trung, nhiều vùng sản xuất nông - lâm - công nghiệp với khoảng 5.800 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng số lượng doanh nghiệp có nhà ở cho CN-NLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Dường như đã thành thông lệ, hoặc luôn có một điều khoản trong các hợp đồng lao động là công nhân - người lao động (CN-NLĐ) “tự lo nhà ở và phương tiện đi lại”. Do đó, trên thực tế, Lâm Đồng với 2 khu công nghiệp tập trung, nhiều vùng sản xuất nông - lâm - công nghiệp với khoảng 5.800 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng số lượng doanh nghiệp có nhà ở cho CN-NLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Khu nhà ở công nhân của Cty TNHH Bonnie Farm. Ảnh: L.H
Khu nhà ở công nhân của Cty TNHH Bonnie Farm. Ảnh: L.H
Công ty (Cty) tranh thêu Hữu Hạnh từ nhiều năm trước đã sử dụng tầng áp mái làm cư xá cho học viên và công nhân khuyết tật. Vì diện tích không lớn nên thường chỉ giải quyết cho 5 người ở và trong nhiều năm đã tạo điều kiện cho khoảng 30 lao động có điều kiện học nghề tốt hơn nhờ không phải đi lại xa xôi, khó khăn…
 
Cty TNHH Bonnie Farm - doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chuyên trồng và cấy mô các loại hoa (xã Trạm Hành - Đà Lạt), có 119 lao động - gồm 32 lao động ngoại tỉnh. Trong khuôn viên, Cty dành ra một diện tích đất đáng kể với sân rộng phía trước để xây dựng một dãy nhà ở cho công nhân trị giá hơn 1 tỷ đồng. Dãy nhà có 9 căn hộ rộng khoảng 50 m2/căn, trong đó, có 2 căn tập thể dành cho những người độc thân, 7 căn hộ gia đình…
 
Chị Thiêm cùng chồng đều làm công nhân của Cty nhiều năm, nay đã có hai con ở tại khu tập thể tương đối tươm tất với tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, theo anh chị là đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cuộc sống khá ổn định, có tích lũy…
 
Cty CP trà Long Đỉnh (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) từ năm 2009 đã tổ chức chỗ ăn ở cho CN-NLĐ. Khu nhà ở hiện nay của công nhân gồm 8 phòng rộng khoảng 30 m2, có hệ thống vệ sinh riêng, được hỗ trợ điện nước. Nếu hai vợ chồng đều làm trong Cty thì được cấp một phòng, con cái đi học được hỗ trợ 50% học phí. Hiện tại, Long Đỉnh có 90% công nhân là lao động từ nơi khác đến làm việc và có 40/55 công nhân đang ở trong khu nhà ở công nhân. Ông Hồ Tất Và - Tổng Giám đốc Cty CP trà Long Đỉnh cho biết: Do đặc thù hoạt động sản xuất trà ở Long Đỉnh làm theo ca kíp và ở xa khu vực dân cư, nên ngay từ đầu, doanh nghiệp đã xác định cùng với việc xây xưởng sản xuất thì khu nhà ở tập thể cũng được xây dựng luôn.
 
Toàn huyện Đức Trọng có 168 doanh nghiệp đang hoạt động, với gần 6.000 lao động, đa số là doanh nghiệp nhỏ, nên hầu hết công nhân ở nơi khác đến phải thuê nhà trọ.
 
Cả huyện chỉ có 2 doanh nghiệp có nhà ở cho công nhân là Cty TNHH Gạch Lang Hanh (thôn Tân Phú, xã Ninh Gia) và Cty TNHH Hồ Phượng (ở 288 thôn Srêđăng, xã N’Thol Hạ).
 
Khu Công nghiệp (KCN) Lộc Sơn có 17 doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số 31 dự án đăng ký. Theo đánh giá của BQL KCN Lộc Sơn, hiện tại, công nhân có nhu cầu về nhà ở rất ít. Nhưng, khi các dự án trong KCN đi vào hoạt động ổn định, thì sẽ có từ 1 ngàn đến 2 ngàn CN-NLĐ cần chỗ ở ổn định. Vì vậy, BQL KCN Lộc Sơn đang xin chủ trương xây dựng khu nhà ở dạng cấp 4 trên diện tích 3 ha trong KCN, cho người có thu nhập thấp thuê, hoặc mua. Tuy nhiên, nếu tỉnh hỗ trợ phần xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh phí xây dựng vay từ Quỹ đầu tư thì người lao động sẽ đỡ phải gánh thêm khoản lãi suất vào chi phí thuê - mua nhà…
 
Theo thống kê, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 111 CN-NLĐ làm việc tại hơn 5.800 doanh nghiệp, trong đó 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên 97% là doanh nghiệp dân doanh, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ - cả chủ và công nhân chưa tới 5 người. Các doanh nghiệp hằng năm đã có tỷ trọng đóng góp tới 60% ngân sách nhà nước và tạo việc làm mới cho khoảng 30 ngàn lao động. 
 
Nhìn chung, người lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mức thu nhập trung bình từ 4-6 triệu đồng/tháng, phải thuê nhà ở, nên đời sống còn nhiều khó khăn, không ổn định. Các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, chưa có nhà ở cho công nhân. Một số doanh nghiệp có hỗ trợ tiền nhà, tiền xăng, song mức hỗ trợ rất thấp, từ 2-5 trăm ngàn đ/người/tháng. Hiện nay, do quy mô thu hút đầu tư còn nhỏ, doanh nghiệp ít lao động, vấn đề nhà ở cho CN-NLĐ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa bức thiết. 
 
Cả tỉnh hiện đang quy hoạch 10 KCN và cụm công nghiệp (CCN) với khoảng 40 doanh nghiệp đang hoạt động, đang sản xuất thử hoặc đang xây dựng, nhưng đều chưa có khu nhà ở cho công nhân trong khi các KCN, CCN, các dự án đầu tư thường là nơi xa trung tâm, chợ... 
 
Người lao động thuê nhà trọ thường chật chội, không bảo đảm yêu cầu do thu nhập còn thấp, ảnh hưởng đến điều kiện sống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho xã hội... Cho nên, cần xét đến việc dành quỹ đất xây dựng các khu nhà ở cho CN-NLĐ và cũng là đáp ứng quy mô phát triển ngày càng lớn trong việc thu hút lao động của tỉnh Lâm Đồng.
 
LÊ HOA