Đào tạo nguồn cán bộ cơ sở "vừa hồng, vừa chuyên"

08:06, 16/06/2017

Để hướng đến trở thành thị xã, Huyện ủy Đức Trọng quyết liệt hơn trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.  Đến nay, tỷ lệ cán bộ ở các xã đã được chuẩn hóa ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu công việc được giao.

Để hướng đến trở thành thị xã, Huyện ủy Đức Trọng quyết liệt hơn trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.  Đến nay, tỷ lệ cán bộ ở các xã đã được chuẩn hóa ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu công việc được giao.
 
Chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp cơ sở để đáp ứng tốt nhu cầu của công việc. Ảnh: H.Y
Chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp cơ sở để đáp ứng tốt nhu cầu của công việc. Ảnh: H.Y
Những cách làm mới
 
Toàn huyện hiện có 241 cán bộ, công chức, viên chức. So với nhiều năm trước, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã trên địa bàn huyện cơ bản đủ về số lượng, trình độ được nâng lên, nhất là đội ngũ công chức (100% đạt chuẩn về chuyên môn). Song trình độ các mặt của đội ngũ CBCC cấp xã còn nhiều hạn chế, bất cập và thấp so với yêu cầu thực tế. Năng lực thực tế của một bộ phận CBCC cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số còn lúng túng, cách làm việc còn thụ động. 
 
Ông Phạm Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cho biết, do đội ngũ CBCC cấp xã được hình thành từ nhiều nguồn nên cơ cấu chưa đồng bộ, trình độ, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Sau khi ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt cho cán bộ chủ chốt của huyện và cơ sở. Với phương châm bóc gỡ dần dần để chuẩn hóa, thời gian qua để giải quyết tình trạng cán bộ “nợ” chuẩn, huyện phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở thêm (ngoài kế hoạch) các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, kinh phí mở lớp huyện hỗ trợ, người đi học phải tự túc kinh phí. Sau rà soát thì toàn bộ cán bộ còn “nợ” tiêu chuẩn đã đăng ký đi học, tự túc kinh phí. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí về chuẩn hóa cán bộ nên cán bộ, công chức một số xã đã tự giác đi học để đạt chuẩn.
 
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng từ năm 2011 đến nay, đã cử 88 đồng chí đi đào tạo trình độ chuyên môn; 467 đồng chí đi đào tạo lý luận chính trị; 222 đồng chí đi bồi dưỡng trình độ quản lý nhà nước. Đã phối hợp mở một số lớp như bồi dưỡng tin học, tiếng chu ru, K’Ho và các kiến thức khác cho cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cũng đã được quan tâm và chú trọng.
 
Các cơ quan, đơn vị thường xuyên động viên, khuyến khích tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tự học nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức. Trong 5 năm đã có 150 đồng chí tự học tập, nâng cao về trình độ chuyên môn. 
 
Tích cực đào tạo, bồi dưỡng
 
Là xã vùng sâu khó khăn, được tách từ xã Tà Năng vào năm 2009, xã Đa Quyn lúc đó, nguồn các bộ vô cùng hạn chế, mọi thứ đều thiếu thốn, thế nhưng, bằng sự nỗ lực, vươn lên, trong 5 năm đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ, đến nay 5 chức danh chủ chốt xã đã đạt chuẩn trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị. Gần như trình bộ cán bộ công chức của xã đều đạt trình độ đại học trở lên. Ông Hồ Đăng Thành, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trước đây, đội ngũ CBCC của xã trình độ chuyên môn, năng lực quản lý còn chưa đạt yêu cầu. Để khắc phục, xã đã tích cực cử CBCC tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh, huyện tổ chức. Đến nay, 100% CBCC của xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; đã có trên 50% số CBCC học xong trung cấp LLCT. Trình độ đội ngũ CBCC được nâng lên, đã góp phần đắc lực trong việc phát triển KT-XH của địa phương”.
 
Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp xã được huyện triển khai thực hiện có hệ thống. Ngay từ đầu các năm, Phòng Nội vụ chủ động rà soát tiêu chuẩn, chức danh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CBCC cấp xã, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng… - Ông Phạm Quốc Việt, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết. 
 
Ông Phạm Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cho biết, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong huyện đã nâng cao nhận thức về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 05-NQ/HU đề ra, đã tạo bước chuyển biến trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã hiện còn gặp khó khăn. Còn nhiều cán bộ cấp xã tuổi đời cao, ngại đi học; ở một số chức danh CB cấp xã chưa đạt chuẩn với lý do quy định tiêu chuẩn đầu vào đối với CB; nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của một số CBCC cấp xã trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn chưa đầy đủ, tham gia học tập chỉ cốt đủ điều kiện theo yêu cầu, do kế thừa đội ngũ cán bộ từ nhiều năm trước, một số CBCC độ tuổi cao, ngại không muốn đi học, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa...
 
Để tiếp tục xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã “vừa hồng, vừa chuyên”, có trình độ, năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ CNH-HĐH, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng CBCC theo hướng chuyên sâu gắn với quy hoạch, theo vị trí việc làm, theo chức danh... và kết hợp lý luận gắn với thực tiễn, đồng thời tăng cường bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn cho từng vị trí công tác của CBCC theo hướng thiết thực, hiệu quả. 
 
HOÀNG YÊN