Hưởng ứng tháng hành động vì môi trường thế giới

10:06, 05/06/2017

(LĐ online) - Ngày 05/6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn là Ngày Môi trường thế giới (MTTG). Đây là sự kiện môi trường quốc tế quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 và từ năm 2016, Chính phủ đã thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động...

(LĐ online) - Ngày 05/6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn là Ngày Môi trường thế giới (MTTG). Đây là sự kiện môi trường quốc tế quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 và từ năm 2016, Chính phủ đã thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động; trong đó tập trung các nguồn lực để thực hiện “Tháng hành động vì môi trường” trên phạm vi cả nước với các hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
 
Chủ đề Ngày MTTG năm 2017 là: “Sống hài hòa với thiên nhiên” nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng gắn bó với thiên nhiên, từ đó cảm nhận vẻ đẹp cũng như tầm quan trọng của nó với cuộc sống; đồng thời chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi bảo vệ Trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người và thiên nhiên. Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày MTTG năm nay được Bộ TN&MT, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức vào tối ngày 4/6/2017 tại thành phố Bà Rịa.
 
Thiên nhiên là là nền tảng cho sự sống con người; khám phá, hiểu biết và yêu thiên nhiên là nhu cầu, hạnh phúc của con người và chừng nào con người còn bị lệ thuộc vào thiên nhiên, làm nô lệ cho thiên nhiên, hoặc ngược lại đối xử tàn bạo với thiên nhiên vì lòng tham của mình thì chừng ấy con người vẫn chưa có cuộc sống hạnh phúc. Do đó, yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ sự sống của chính con người. Vì lẽ sinh tồn mà con người phải cải tạo thiên nhiên, nhưng cải tạo không chỉ vì mục đích nâng cao đời sống con người mà còn phải bảo vệ, bảo tồn, phát triển thiên nhiên; không được khai thác, tàn phá thiên nhiên một cách cạn kiệt. Bởi vì tàn phá thiên nhiên là hành động tự sát, đánh mất sự cân bằng sinh thái, cắt đứt quan hệ thân thiện với thiên nhiên và do đó con người sẽ phải trả giá.  
 
Mặc dù ai cũng biết điều đó nhưng một thực tế phũ phàng vẫn xẩy ra là do nhu cầu phát triển, đặc biệt là lòng tham không đáy của con người, những cuộc chiến tranh tàn khốc đi đôi với khai thác vơ vét của cải của các thế lực hiếu chiến … đã làm thay đổi toàn bộ thiên nhiên trái đất theo chiều hướng xấu đi nghiêm trọng, để trái đất phải kêu cứu. Có thể nói, “Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới tự nhiên chúng ta để lại cho con cháu mình sẽ tệ hại hơn rất nhiều so với cái thế giới tự nhiên mà chúng ta thừa kế từ cha mẹ… Chúng ta đang sử dụng hành tinh này như  thể không hề có ngày mai… Phí tổn vào thiên nhiên được tính bằng không” (Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0 – Peter Burnes – 2006, Nguyễn Đình Huy dịch. NXB Trẻ).
 
Từ những năm 1960, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống. Tại hội nghị của Liên Hợp quốc về Con người và Môi trường tổ chức ở thủ đô Stockholm, Thuỵ Điển từ 5 - 6/6/1972, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc đã được thành lập (5/6/1972). Nhân sự kiện này, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định chọn ngày  5/6 là “Ngày Môi trường thế giới”. Từ đó, vào ngày 5/6 hàng năm, lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới. Mục đích của Ngày MTTG là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Sự kiện này làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn; trao quyền cho mọi người để trở thành tác nhân tích cực của quá trình phát triển bền vững và bình đẳng; nâng cao hiểu biết của các cộng đồng về vai trò then chốt làm thay đổi hành vi hướng tới các vấn đề môi trường (BVMT); đảm bảo tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.
 
Các hoạt động hưởng ứng Ngày MTTG do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động được Việt Nam tổ chức từ năm 1982, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ năm 2016, Chính phủ đã thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày MTTG, trong đó tập trung các nguồn lực để thực hiện “Tháng hành động vì môi trường” trên phạm vị cả nước với các hoạt động thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo sự lan tỏa nhanh trên diện rộng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về BVMT cho cộng đồng.
 
Hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường" theo tinh thần Công văn số 1699 của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể như: (1) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường kiểm tra, giám sát triệt để các dự án có nguy cơ có nguy cơ ô nhiệm môi trường cao; rà soát các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phát triển đảm bảo mục tiêu “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”; tập trung nguồn lực giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiệm môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; tổ chức tuyên truyền, vận động trực quan, thông qua báo chí, tuyên truyền miệng và các hình thức phù hợp khác… (2) Các khu công nghiệp cần quán triệt nghiêm túc quy định của pháp luật về BVMT; hướng dẫn các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát, kiểm tra, đánh giá  các nguy cơ, rủi ro về ô nhiệm môi trường. (3) Nâng cao vai trò của MTTQ, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác BVMT, đặc biệt là vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư với các hoạt động BVMT…
 
Theo đó, từng địa phương, cơ quan, đơn vị có kế hoạch cụ thể tổ chức kỷ niệm Ngày MTTG gắn với Ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2017 phù hợp với hướng dẫn của Bộ TN&MT và chỉ đạo của UBND tỉnh. Nội dung kế hoạch hưởng ứng cần tập trung các vấn đề: Tổ chức lễ mít tinh, diễu hành và ra quân xuống đường thu gom rác, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình các huyện, thành phố tăng thời lượng phát sóng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, về phát triển bền vững tài nguyên, môi trường, xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự vận động người dân thực hiện các hoạt động BVMT; treo băng rôn, biểu ngữ tại cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, trường học, các khu đông dân cư, trục lộ giao thông chính trong “Tháng hành động vì môi trường”; tổ chức hoạt động phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động BVMT do người dân và cộng đồng tự khởi xướng; lên án các hành động khai thác bừa bãi, phá hoại thiên nhiên, tạo dư luận và áp lực xã hội lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường…
 
Sống hài hòa với thiên nhiên, biết dựa vào thiên nhiên để sống là phương châm, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và hạnh phúc của mọi người. Vì vậy, sự tự giác, tích cực tham gia của cộng đồng trong hoạt động BVMT, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là hành động thiết thực, hiệu quả để hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” năm 2017.
 
BAN BIÊN TẬP