Nhớ mãi ngôi nhà 22 Hùng Vương

09:08, 18/08/2017

Đó là trụ sở đầu tiên của Tòa soạn Báo Lâm Đồng tồn tại được gần 15 năm với bao nhiêu kỷ niệm khó phai mờ. Mãi đến bây giờ, mỗi khi có dịp ghé ngang qua ngôi nhà thân thương ấy, trong lòng tôi vẫn cảm thấy xốn xang, bồi hồi nhớ lại những năm tháng êm đềm, mặn mà tình nghĩa đồng chí, đồng nghiệp cùng nhau vượt qua gian khó, thiếu thốn mọi bề để xây dựng tờ báo non trẻ của Đảng bộ tỉnh nhà, từng bước ổn định, phát triển như ngày hôm nay.  

Đó là trụ sở đầu tiên của Tòa soạn Báo Lâm Đồng tồn tại được gần 15 năm với bao nhiêu kỷ niệm khó phai mờ. Mãi đến bây giờ, mỗi khi có dịp ghé ngang qua ngôi nhà thân thương ấy, trong lòng tôi vẫn cảm thấy xốn xang, bồi hồi nhớ lại những năm tháng êm đềm, mặn mà tình nghĩa đồng chí, đồng nghiệp cùng nhau vượt qua gian khó, thiếu thốn mọi bề để xây dựng tờ báo non trẻ của Đảng bộ tỉnh nhà, từng bước ổn định, phát triển như ngày hôm nay.  
 
Các đại biểu về dự Đại hội Chi hội nhà báo Báo Lâm Đồng lần thứ nhất năm 1984, tại Ngôi nhà 22 Hùng Vương - Đà Lạt.
Các đại biểu về dự Đại hội Chi hội nhà báo Báo Lâm Đồng lần thứ nhất năm 1984,
tại Ngôi nhà 22 Hùng Vương - Đà Lạt.

Làm sao quên được một sự kiện rất quan trọng chính tại Ngôi nhà 22 Hùng Vương thuở ấy. Ngay từ những ngày đầu tháng 7 năm 1977, cả ba đồng chí trong Ban Biên tập gồm Hồ Phú Diên, Văn Thảo Nguyên và Vũ Thuộc cùng với bảy, tám cán bộ, phóng viên chia nhau mỗi người lo mỗi việc, nhanh chóng xuống cơ sở lấy tài liệu viết tin, bài nộp cho Tòa soạn tranh thủ biên tập, in ấn, kịp thời phát hành số báo đầu tiên đúng vào ngày 19/8/1977 nhằm Chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công và kỷ niệm lần thứ 32 Ngày Quốc khánh 2/9. 
 
Số báo đầu tiên ấy được in hai màu, khổ lớn với nhiều tin, bài phong phú, được cán bộ, nhân dân phấn khởi đón nhận và đặt trọn niềm tin vào tờ báo sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong nay mai. Thế rồi, 40 năm sau, mặc dù Tòa soạn Báo Lâm Đồng đã chuyển sang 38 Quang Trung, đội ngũ cán bộ, phóng viên trong cơ quan vẫn tiếp tục phát huy những thành quả của những người đi trước và không phụ lòng tin của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh, đã kiên trì phấn đấu đưa tờ báo từ chỗ 10 ngày, xuống 7 ngày, rồi 5 ngày phát hành một kỳ, đến nay gần như xuất bản hằng ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật). Mỗi kỳ phát hành hơn 7.000 tờ, với hình thức đẹp, nội dung ngày càng phong phú hơn trước. Ngoài ra, còn xuất bản thêm tờ Lâm Đồng điện tử, hằng tháng có gần ba nghìn lượt người truy cập. So với trước đây, đội ngũ cán bộ, phóng viên được đào tạo bài bản hơn, điều kiện làm việc và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại hơn nhiều. Càng vui mừng, phấn khởi trước sự tiến bộ đáng ghi nhận của tờ Báo Lâm Đồng, bản thân tôi cũng như nhiều anh chị em cán bộ, phóng viên đã từng có mặt ở thời kỳ trước đều rất phấn khởi, tự hào. Thế nhưng trong ngày vui kỷ niệm 40 năm sẽ vắng mặt khá nhiều người như cố Tổng Biên tập Hồ Phú Diên, cố Tổng Biên tập Trần Mạnh Cừ, cố Thư ký Tòa soạn Nguyễn Đăng Cương, cố Phó Tổng Biên tập Hà Thị Tuyết Mai và các nhà báo Nguyễn Văn Du, Võ Khắc Dũng, Nguyễn Việt Hưng, cậu Hải lái xe, chị Coi làm tạp vụ… đều đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Vì thế, tôi cố gắng viết ít dòng về những kỷ niệm một thời làm báo ở Tòa soạn Báo Lâm Đồng tại Ngôi nhà  22 Hùng Vương trước đây như một nén tâm nhang tưởng nhớ về những người đã khuất cho phải đạo nhân sinh.     
 
Bởi lẽ, mỗi thời kỳ làm báo đều có những đặc trưng, hoàn cảnh, điều kiện riêng, những thuận lợi, khó khăn, buồn vui riêng, kể cả những kỷ niệm riêng không thể nào dễ quên được. Riêng hai vợ chồng tôi, (nhà báo Tuyết Mai) được điều động từ Báo Dân, tỉnh Bình Trị Thiên vào làm việc ở Báo Lâm Đồng trên 26 năm (tôi 10 năm và vợ 16 năm) đều luôn gắn bó, cùng chia bùi, sẻ ngọt với anh em đồng nghiệp trên các nẻo đường công tác, học tập và cả trong cuộc sống đời thường đầy vô tư, sâu nặng nghĩa tình. 
 
Hồi ấy, Ngôi nhà 22 Hùng Vương thật sự như mái nhà chung của cán bộ, công nhân viên Tòa soạn Báo Lâm Đồng. Hầu hết con cái của anh chị em trong cơ quan thường đến khu nhà 22 Hùng Vương chơi trốn tìm, bịt mắt bắt dê, hoặc đá bóng hai bên  sân quanh nhà. Trong vườn nhà có mấy cây hồng già, cây mận, cây quýt mỗi lần đến mùa hồng hay quýt chín là chúng rủ nhau vào hái rồi ăn tại chỗ. Có những lần hai vợ chồng tôi phải đi họp ở các tỉnh xa đều đem gửi con cho cô Thường, kế toán cơ quan trông giữ hộ. 
 
Tại cơ quan, ngoài những giờ làm việc ra, cứ vào khoảng bốn, năm giờ chiều, tôi và anh em trẻ trong cơ quan đều ra sân chơi bóng chuyền rất vui. Những lúc phóng viên đi công tác cơ sở, ở nhà nếu thiếu người vẫn chia ra hai phe chơi bình thường. Bên nào thắng nhiều hơn sẽ được bên thua mời ra quán Bà Sáu Lê gần đó chiêu đãi mỗi người một cái bánh cam, hoặc một cốc nước đậu nành là sang lắm rồi. Thi thoảng, Đội bóng chuyền của cơ quan cũng được Phòng Cảnh sát Giao thông bên cạnh nhà mời sang thi đấu giao hữu. Vui nhất là mỗi lần có các báo ở Long An, Tây Ninh lên giao lưu nghề nghiệp đều không quên tổ chức những trận thi đấu bóng chuyền sôi nổi, quyết liệt nhưng chan chứa nghĩa tình đồng nghiệp giữa Lâm Đồng với Đồng bằng sông Cửu Long xa xôi.    
      
Cuối năm 1985, mặc dù anh Trần Mạnh Cừ, Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Tổng Biên tập chịu trách nhiệm chung, nhưng anh Trần Hữu Lục, Phó Tổng Biên tập mới là người trực tiếp điều hành công việc hàng ngày ở cơ quan và tôi là Thư ký Tòa soạn,  phụ trách chuyên môn của cơ quan. Vào những năm 1980-1987, hầu hết anh em cán bộ, phóng viên còn trẻ. Ngoài tôi và Hà Thị Tuyết Mai, còn có vợ chồng Lương Văn Sinh, Hoàng Huyền Quyên  đã có con mọn, các anh Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn Du vừa lấy vợ, số còn lại đang độc thân như Nguyễn Thanh Đạm, Võ Quang Hải, Kim Chi… Vài năm sau, được tăng cường thêm một số phóng viên  như Trần Ngọc Trác, Hoàng Đại Huynh, Hoàng Hận, Tú Phương, Phan Đăng  Sơn, Nguyễn Việt Hưng, Đinh Xuân Đức, Bùi Trưởng, Hữu Thành… Đặc biệt, cuối năm 1984, Tỉnh ủy Lâm Đồng cho phép thành lập thêm bộ phận in báo, đặt tại nhà ngang phía sau gồm những công nhân trẻ như Văn Ly, Văn Thạch, Văn Cung, Mạch Diêu Giai, Xuân Đại, Văn Quý, Văn Mạnh, Nga, Dũng, Quân và Trần Thị Thu. Nhờ có thêm bộ phận in ti - pô, Tòa soạn Báo Lâm Đồng không còn phụ thuộc, đi in nhờ ở các nhà in khác nữa. 
 
Ngoài việc chứng kiến sự ra đời số báo Lâm Đồng đầu tiên, Ngôi nhà 22 Hùng Vương còn chứng kiến hai quãng thời gian đáng nhớ nhất trong lịch sử Báo Lâm Đồng. Đó là, những năm sống trong thời bao cấp làm cho con người có xu hướng ỷ lại, hoặc dễ an phận, thủ thường. Đầu năm 1985, do số lượng cán bộ, phóng viên tăng lên, Ban Biên tập đã linh động cử cô Thi làm tạp vụ kiêm thêm việc cấp dưỡng, hàng ngày đi chợ, nấu ăn cho những phóng viên, nhân viên còn độc thân. Hồi đó, cả năm ăn uống vất vả đã đành, mỗi lấn sắp đến ngày lễ, tết, lãnh đạo cơ quan thường cử một đến hai phóng viên xuống cơ sở mua heo về làm thịt chia đều cho anh em trong cơ quan. Số lòng heo còn lại, cơ quan giao cô Thi nấu cháo để tổ chức buổi gặp mặt cuối năm. Tất cả số anh em có gia đình hay còn độc thân trong cơ quan đều có mặt trong buổi gặp mặt nói trên. Mỗi lần liên hoan toàn cơ quan, từ cán bộ, đến nhân viên, ai cũng chỉ được uống một đến hai chén nhỏ rượu trắng mà thôi. 
 
Gian khổ, thiếu thốn là vậy, thế nhưng mỗi khi nhớ lại những bữa gặp mặt cuối năm đơn giản và đạm bạc, sao lúc ấy nhìn ai cũng thấy vui cười, phấn khởi như vừa mới được tăng lương vậy.  
  
Cũng may đến cuối năm 1986, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã tác động trực tiếp đến nền báo chí nói chung, Cơ quan Báo Lâm Đồng nói riêng đã chủ động tự đổi mới chính mình để theo kịp với thời cuộc lúc bấy giờ. Ngôi nhà 22 Hùng Vương thêm lần nữa lại được chứng kiến nhiều cuộc họp của lãnh đạo Ban Biên tập, Phòng tòa soạn, Phòng Phóng viên diễn ra sôi nổi, thu được nhiều kết quả cụ thể. Việc đổi mới đầu tiên là hàng tháng, Ban Biên tập giao cho Phòng Tòa soạn xây dựng đề cương tuyên truyền chi tiết đến từng số báo cụ thể, tạo điều kiện cho phóng viên chủ động chọn địa bàn, chọn thời gian viết bài, không để cho Tòa soạn bị “ăn đong” như trước đây. Trên cơ sở đề cương chung, Phòng Tòa soạn và Phòng Phóng viên thảo luận, xây dựng định định mức về số lượng, chất lượng tin, bài thật phù hợp với năng lực của từng phóng viên. Nhờ vậy, việc đánh giá, phân loại hằng năm đối với từng phóng viên rất thuận tiện và công bằng hơn. 
 
Vào cuối năm 1986, sau khi có loạt bài về “Những việc cần làm  ngay” của NVL đăng trên Báo Nhân Dân, anh em phóng viên trong cơ quan rất hào hứng chờ đợi thái độ của Ban Biên tập để triển khai. Rất may, thời gian ấy, anh Trần Hữu Lục vừa được đề bạt Tổng Biên tập và rất ủng hộ chủ trương chống tiêu cực trên báo. Tôi là Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung nên đã chủ động thảo luận với anh Trần Hữu Lục và đã nhất trí quan điểm chung là phải đẩy mạnh chống tiêu cực trên báo nhưng không được dàn trải, chủ yếu tập trung vào những vụ việc nổi cộm, đúng trọng tâm, trọng điểm của từng thời kỳ cụ thể. Nhờ vậy, chỉ trong hai năm 1986 - 1987, một loạt bài phóng sự điều tra về Làng Thủy lợi, Làng Ngân hàng, Ngành xây dựng, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt… của các nhà báo Hoàng Kiến Giang, Hà Tuyết Mai, Huyền Quyên… được dư luận bạn đọc rất đồng tình, ủng hộ. Lúc ấy, tại Ngôi nhà 22 Hùng Vương cũng đã từng chứng kiến một số nơi cử người đến Tòa soạn phản ứng gay gắt. Nhưng rồi, với đầy đủ tài liệu, đầy đủ chứng cứ thuyết phục, cuối cùng những đơn vị, cá nhân bị phê bình đều đã chủ động tiếp thu phê bình công khai trên Báo Lâm Đồng. Đồng thời, một số vụ việc sau khi báo phê bình đã được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và xử lý đúng người, đúng tội.
 
Có thể nói rằng, sự tồn tại của Ngôi nhà 22 Hùng Vương so với chặng đường 40 năm Báo Lâm Đồng ra số đầu tiên mới chỉ bằng một phần ba thời gian mà thôi. Thế nhưng, giờ đây ngôi nhà thân thương ấy đã trở thành một trong những chứng nhân không thể nào quên trong chặng đường lịch sử phát triển của Báo Lâm Đồng hôm nay cũng như mai sau. Những tư liệu, hình ảnh quý giá về Ngôi nhà 22 Hùng Vương cần được tiếp tục sưu tầm, lưu giữ đầy đủ, nếu để chậm trễ, sau này sẽ không còn cơ hội kiếm tìm lại một cách đầy đủ được nữa.
 
NGUYỄN MẬU SIỆC - Nguyên Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng