Khi nhà báo đi làm vườn

09:08, 18/08/2017

Năm 1992, tôi và một đồng nghiệp được cơ quan giao nhiệm vụ làm vườn ở Đạ Huoai.

Năm 1992, tôi và một đồng nghiệp được cơ quan giao nhiệm vụ làm vườn ở Đạ Huoai.
 
1- Đó là lần đầu tiên một phóng viên vào hàng lính mới như tôi đến với vùng đất Đạ Huoai. Thời gian đầu vào báo, tôi chỉ lòng vòng ở các huyện phía bắc, vài lần cùng 2 phóng viên kỳ cựu của Báo Lâm Đồng là Hoàng Hận và Hoàng Đại Huynh xuống đến Bảo Lộc, Bảo Lâm, vào Lộc Bắc mà thôi.
Đoàn Báo Lâm Đồng trong một chuyến công tác miền Tây năm 2014
Đoàn Báo Lâm Đồng trong một chuyến công tác miền Tây năm 2014
Có một chút lạ lùng cho người lần đầu xuống đây như tôi. Chỉ vừa qua một con đèo, đèo Bảo Lộc, là cái nóng của xứ nhiệt đới ập đến. Có vẻ đỡ nóng hơn khi xổ đèo Ngoạn Mục từ Lâm Đồng xuống đất Ninh Thuận, nhưng vẫn là cái nóng đó, có dịu hơn chút. Chỉ có một điều khác so với Ninh Thuận là đất Đạ Huoai xanh tươi hơn, hai bên đường là những khu vườn cây ăn trái trải dài mút mắt xen lẫn với rừng xanh bên trong.
 
Đồng nghiệp cùng được phân công đi làm vườn với tôi là nhà báo Duy Doanh - cũng tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, vào báo trước tôi. Duy Doanh có một chiếc Vespa nên cả hai gói ghém một ít đồ cá nhân trong 2 chiếc túi xách nhỏ, rồi rong ruổi trên đường từ Đà Lạt đến Bảo Lộc, cơm trưa ở đó rồi cả hai đổ đèo xuống đất Đạ Huoai.
 
Có thể nói xe máy của Doanh là chiếc xe “oách” nhất báo lúc đó vì hầu như cả cơ quan chỉ vài người có xe máy. Ngay như anh Lương Văn Sinh, Phó Tổng biên tập thời điểm này có một chiếc Yamaha cũ phả khói mù mịt nhưng chạy khá tốt, chiếc xe này sau đó để lại cho nhà báo Đinh Xuân Đức dùng chinh chiến khắp nơi một thời gian khá lâu. Còn chiếc Vespa của Duy Doanh được chăm sóc rất kỹ nên trông mới cáu, đụng chân vào là nổ tiếng máy rất êm. Hầu hết phóng viên báo còn lại đều đi bộ ở Đà Lạt, có người đi xe đạp, khi xuống huyện thì xin quá giang xe của cơ quan nào đó, mãi sau này nhiều người mới có xe máy.
 
Với chiếc Vespa này, đến đất Hà Lâm - Đạ Huoai, chúng tôi vừa đi vừa hỏi thăm để tìm đến nhà chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã xin tá túc theo sự sắp xếp trước của Công đoàn báo. Buổi chiều, cả hai xuống chợ Đạ Huoai mua 2 cây rựa phát rừng thật bén, sáng hôm sau bắt đầu vào vườn.
 
Tiếng là “vườn” cho oai chứ lúc đó đã làm gì có vườn. Đó là một khu rừng chính tông, cây cối um tùm, khu vực này lúc đó các cây lớn hầu như đã bị hạ, chỉ còn các cây tạp nhỏ vừa phải ngổn ngang; dọc bờ suối rậm rịt với các bụi le rừng. Và thời điểm đó cũng chưa có địa giới phân chia, chỉ biết là vườn rộng khoảng 15 ha, phía trên chạy dọc theo đường dây điện cao thế, phía dưới là suối lớn, thế là cả 2 cứ lội bừa vào trong buổi sáng.
 
Cần nói một chút về lịch sử mảnh đất của báo tại xã Hà Lâm - Đạ Huoai này. Đây là khu vực mà huyện Đạ Huoai qui hoạch thành đất vườn, chủ yếu là vườn điều. Công đoàn báo lúc đó, vì cuộc sống của mọi người trong cơ quan rất khó khăn nên thống nhất thông qua cơ quan đề xuất huyện xin một khu đất đủ rộng để làm vườn tăng gia sản xuất, xây dựng quỹ phúc lợi chung cho mọi người. Chị Hà Tuyết Mai - Phó Tổng biên tập báo sau này, lúc đó phụ trách Công đoàn của báo đã phân công anh Đinh Xuân Đức, phóng viên phụ trách mảng Nông nghiệp cùng nhà báo Việt Hưng trực tiếp đi lo chuyện xin đất và sau đó Việt Hưng, Xuân Đức cùng nhà báo Khắc Dũng chịu trách nhiệm đi tìm đất.
 
Chọn nhà báo Việt Hưng “chủ xị” cho việc tìm đất là vì anh vốn là “thổ địa” của vùng đất Đạ Huoai này. Khi là phóng viên, Việt Hưng rất thích xuống Đạ Huoai công tác, đi thường xuyên, thường có bài viết về Đạ Huoai, ít nhất mỗi tháng 1 lần anh lại dành thời gian xuống đây, mỗi lần đi anh bảo vui với mọi người rằng anh không “đi Đạ Huoai” mà “về Đạ Huoai công tác”, cách nói của anh như rằng anh đang về nhà, về chốn thân thuộc của mình. Và đúng vậy, tôi đã nhiều lần sau đó trong suốt quãng đời làm báo xuống đây cùng anh. Anh thân với rất nhiều người nơi đây từ cấp huyện đến cấp xã, gặp anh họ rất vui vì anh vốn chân tình, khi cần là có thể la cà làm vài ly trong lúc nói chuyện. Chính nhờ mối thân quen này nên khi hỏi về đất, nhiều người chỉ Việt Hưng những chỗ đẹp nên anh Xuân Đức và Khắc Dũng đã lội nhiều nơi và chọn chỗ này. Đây là một khu đất đẹp, đất triền đồi trải dài xuống suối và thuận tiện nhất là đất sát bờ con sông lớn Đạ Quay bốn mùa nước ầm ào chảy, làm vườn vô tư, không lo chuyện thiếu nước trong mùa khô.
 
Đã có biết bao thay đổi đầy ngạc nhiên cho vùng đất Hà Lâm này sau 25 năm. Không còn là vùng đất sốt rét và hoang vu như trước kia, Hà Lâm hôm nay đã là một vùng đất đầy tiềm năng. Nhiều nhà vườn từ lâu đã chuyển điều sang trồng cây ăn trái với nhiều loại cây có giá trị như chôm chôm Thái, măng cụt, sầu riêng cho thu nhập rất cao, mỗi năm vài trăm triệu đồng là chuyện nhỏ. Thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai, trong đó có sầu riêng Hà Lâm từ lâu đã nhanh chóng vượt khỏi ranh giới của vùng đất này.
2- Công việc chính của chúng tôi những ngày sau đó là tìm thuê người để phát quang mảnh đất này. Nhưng ở thời điểm đó, đang gần cuối mùa mưa rất khan nhân công. Ai nếu có vườn có đất phải lo chuyện làm đất xuống cây giống trước khi mùa khô đến, còn nếu ai không làm đất thì có thể đi hái măng rừng, măng rừng xứ này ngày đó bạt ngàn, sáng sáng từng đoàn người lũ lượt vào rừng hái măng, ai chịu khó hái xế xế là có thu nhập đến vài ngày công nên rất khó thuê người. Chúng tôi lúc đó phải vào tận khắp các thôn trong xã Hà Lâm để nhờ trưởng thôn hỏi thuê người giùm; cả 2 còn lội tận vào Thôn 5, Hà Lâm trong buôn đồng bào dân tộc thiểu số để nhờ già làng nói giùm (Thôn 5 sau này tách ra khỏi xã Hà Lâm để thành lập xã mới Phước Lộc). Rất nhiều buổi sáng tôi và Duy Doanh phải ra thật sớm trên đường lộ trước nhà đón bất cứ đoàn người làm vườn nào đi qua để hỏi tìm thuê người.
 
Hầu như trong những ngày làm vườn nơi đây, tôi và Doanh như 2 nông dân thực thụ, sáng sớm ăn bụng cơm thật no rồi vác rựa lên đường, tay mang theo phần cơm trưa cùng lội bộ với mọi người vào rẫy và làm quần quật cả ngày. Trưa chúng tôi mang cơm xuống gần bờ suối ăn với các thành viên trong nhóm cùng làm với mình rồi ngả lưng trong các lùm cây ven suối, thỉnh thoảng trời nóng cả hai lại cùng nhào xuống suối tắm cùng mọi người. Khi phát rừng xong, cả hai huy động dọn cây chặt cành, chất thành đống để đốt rồi đào lỗ xuống giống.
 
Có 2 nhóm người cùng làm với chúng tôi hằng ngày, một nhóm là người dân tộc thiểu số, họ tách riêng theo nhóm nhỏ từng buôn, làm việc rất chăm chỉ, sáng đến là làm việc một mạch đến xế chiều, không nghỉ trưa. Buổi trưa họ tranh thủ ăn cơm mang theo tại chỗ, chiều về khá sớm. Do thấy nhiều người trong số này chỉ mang cơm mà rất ít đồ ăn nên 2 chúng tôi thường mua thêm cá khô để đưa họ buổi trưa đốt lửa lên nướng cá ăn cùng cơm. Nhóm còn lại là các thanh niên người Kinh trong xã, cả 2 nhóm cứ làm xong ngày nào thường thanh toán tiền ngày nấy.
 
Có một câu chuyện vui trong những ngày làm vườn nơi đây là chuyện đánh nhau của các thanh niên người Kinh ngay trên đất vườn nhà báo. Nguyên do nhóm thanh niên của một thôn này khi sang làm quen với các cô thôn bên bị thanh niên trong thôn đó vây đánh và họ có xích mích với nhau từ lâu. Vô tình 2 nhóm này gặp nhau ngay trên rẫy vì “cùng đi làm cho nhà báo”, họ cãi nhau và nhảy xổ vào nhau. Thế là phải nhờ một anh công an xã vào can thiệp giảng hòa, phải cho nghỉ bớt một số nhân công mới giải quyết được chuyện.
 
Chuyện vui thứ hai là khi phát rừng phát hiện ra 2 quả đạn pháo còn nguyên trên đất vườn này. Đó là 2 quả đạn pháo khá to, nằm lẩn khuất trong lá mục và cây rừng, khi dọn cây cào lá mới thấy. Không biết xoay xở cách nào, chúng tôi ban đầu bàn cách chất cây khô quanh đầu đạn thử đốt nhưng cũng sợ gây nguy hiểm nên cắm cây xung quanh, vấn dây lại ngăn mọi người vào với 1 bảng báo nguy hiểm. Nhưng bỗng nhiên có một sáng chúng tôi vào rẫy phát hiện đã mất đi 1 quả, không biết người nào cả gan mang đầu đạn chưa nổ đi. Quả còn lại sau đó một thời gian khá lâu cũng bị mất nốt.
 
Hơn 2 tháng trời ròng rã làm rẫy, ngày nối tiếp ngày, khi mọi việc đã gần xong, việc căng dây đào hố đã hoàn thành, phân bón lót đã cho vào hố, bắt đầu công đoạn chở điều giống về trồng thì việc làm vườn của tôi đột ngột dừng lại. Đó là một buổi sáng nắng đẹp như mọi ngày, trong lúc ở rẫy vận chuyển cây giống xuống đất, tôi bỗng nhiên thấy lạnh, lạnh run cầm cập, rồi sốt cao đến nỗi mồ hôi tuôn ra như tắm. Tôi bỏ dở vườn để về nhà, hôm sau lên Đà Lạt để nhập viện và chiến đấu với sốt rét rừng khá lâu sau đó mới hết. Duy Doanh ở lại tự lo công việc còn lại một mình, gồm xuống cây giống cho 15 ha đất, anh còn cho trồng thêm thêm cả nghìn cây keo do Lâm trường Đạ Huoai tặng để làm ranh giới đất.
 
3- Cho đến nay, cứ mỗi lần có dịp qua đây qua vùng đất Hà Lâm - Đạ Huoai này tôi lại chú ý nhìn vào con đường dẫn vào vườn và nhớ lại những ngày tháng làm vườn nơi đây.
 
Cùng tôi, rất nhiều người trong báo từng góp tay hình thành khu vườn nay kẻ còn người mất: Duy Doanh sau đó ít lâu chuyển về một tờ báo dưới TP Hồ Chí Minh; anh Đinh Xuân Đức đã về hưu; chị Hà Tuyết Mai, anh Việt Hưng, anh Khắc Dũng nay đã mất.
 
Đã có biết báo thay đổi đầy ngạc nhiên cho vùng đất Hà Lâm này sau 25 năm. Không còn là vùng đất sốt rét và hoang vu như trước kia, Hà Lâm hôm nay đã là một vùng đất đầy tiềm năng. Nhiều nhà vườn từ lâu đã chuyển điều sang trồng cây ăn trái với nhiều loại cây có giá trị như chôm chôm Thái, măng cụt, sầu riêng cho thu nhập rất cao, mỗi năm vài trăm triệu đồng là chuyện nhỏ. Thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai, trong đó có sầu riêng Hà Lâm từ lâu đã nhanh chóng vượt khỏi ranh giới của vùng đất này.
 
Riêng “khu vườn nhà báo” - như cách người dân nơi đây gọi, ban đầu được trồng điều, điều lên khá tốt nhưng một thời gian do không kịp phát cỏ nên mùa khô vườn bị đốt lan cháy rụi, còn sót lại một ít cây điều. Lần xuống giống bổ sung thứ 2 cũng chẳng khá hơn, lại bị cháy tiếp, nên Công đoàn sau đó đã chuyển lại cho chị Đinh Thị Nga, phóng viên của báo (nay đã nghỉ hưu) canh tác. Chị Nga đã cho trồng lại chôm chôm và sầu riêng trong toàn bộ khu vườn này và đến nay đang cho thu nhập rất tốt.
 
VIẾT TRỌNG