Một thời, tôi nhớ…

09:08, 18/08/2017

Nếu ai đó hỏi, cho đến giờ này, đâu là khoảng thời gian trong cuộc đời mà bạn cảm thấy đáng nhớ nhất? Không cần đắn đo, tôi trả lời ngay, đó là những năm tháng được sống và làm việc dưới mái nhà thân thương Báo Lâm Đồng. Có nhiều niềm vui và không ít nỗi buồn, nhưng miền ký ức ấy trong tôi bao giờ cũng đẹp… 

Nếu ai đó hỏi, cho đến giờ này, đâu là khoảng thời gian trong cuộc đời mà bạn cảm thấy đáng nhớ nhất? Không cần đắn đo, tôi trả lời ngay, đó là những năm tháng được sống và làm việc dưới mái nhà thân thương Báo Lâm Đồng. Có nhiều niềm vui và không ít nỗi buồn, nhưng miền ký ức ấy trong tôi bao giờ cũng đẹp… 
 
Chụp hình kỷ niệm 31 năm Báo Lâm Đồng ra số báo đầu tiên
Chụp hình kỷ niệm 31 năm Báo Lâm Đồng ra số báo đầu tiên

1. Tôi đã bắt đầu chuỗi ngày tuổi trẻ gắn bó với tờ Báo Lâm Đồng bằng cái gõ cửa không dứt khoát lắm vào một buổi sáng đầu tuần năm 1990. Đích nhắm là cái cửa gỗ đóng kín của căn phòng bên góc trái ngôi biệt thự 22 Hùng Vương, đằng sau khung cửa có vị nhà báo đứng tuổi, Phó TBT phụ trách Phạm Vĩnh. Rút gói thuốc rẻ tiền mời ông, vị lãnh đạo khoát tay: “Hút đi, tớ không...”. “Cậu học gì?”. “Dạ, Ngữ văn Sư phạm!”. “Viết lách gì chưa?” “Chút chút...”. Tôi đã để lại trên bàn làm việc của ông vài ba bản photo những bài viết nho nhỏ của mình với lời hẹn ba ngày sau quay lại. Mới sáng sớm của ba ngày sau tôi có mặt trước sảnh biệt thự. Chiếc xe hơi cũ kỹ trờ tới, vị lãnh đạo đập nhẹ vai tôi: “Được đấy. Vào phòng tớ trao đổi...”. 
 
Tôi không được làm việc dưới quyền những nhà báo, lãnh đạo lớp trước như Phạm Thuần, Hồ Phú Diên, Văn Thảo Nguyên, Trần Mạnh Cừ, Trần Hữu Lục, Vũ Thuộc, Nguyễn Mậu Siệc… nhưng luôn được nghe những câu chuyện về họ, được nhận sự động viên và sẻ chia. May mắn, những ngày non nớt trong nghề đã được ngôi nhà chung Lâm Đồng phủ lên bờ vai những tình cảm ấm áp. Những người chú, người anh, người chị: Phạm Vĩnh, Lương Văn Sinh, Hà Tuyết Mai, Hà Linh Chi, Thanh Đạm, Bích Hiền, Huyền Quyên, Phan Đăng Sơn, Võ Tá Bá, Việt Hưng, Xuân Đức, Đinh Thị Nga, Trương Long, Trần Thị Hòa, Trần Thị Thu, Hoàng Kiến Giang, Hoàng Hận, Hồ Toàn…; những người bạn cùng thời: Khắc Dũng, Văn Việt, Kim Anh, Văn Phong, Duy Doanh, Minh Đạo, Viết Trọng… Rồi, đám trai trẻ độc thân chúng tôi, có thể trìu mến gọi nhau là một “lũ hoang”: Hoàng Tiến Dũng, Minh Tự, Đình Đối, Hàng Tình…
 
Trong ngôi nhà ấm áp ấy, chúng tôi đã có một thời tuổi trẻ. Trẻ người thì non dạ. Nhưng có một điểm chung là sôi nổi, phóng khoáng, tâm huyết với nghề, khao khát được làm một “điều gì đó”. Điều gì đó là gì thì quả thật cũng chưa thành cháo nên cơm bởi nhiều lý do, nhưng tình yêu với báo, với nghề là điều có thật. Mỗi người đều cố, theo cách của mình, theo vị trí công việc của mình. Không ít sai lầm, không ít lần đã gây tai họa, để các vị lãnh đạo phải nhức đầu chống đỡ. Đôi khi rút được bài học, muốn sửa sai thì cũng đã có vài ba đứa bạn tôi mẻ trán, sứt đầu. Qua mỗi lần vấp ngã, chúng tôi đã lớn lên… 
 
 2. Chúng tôi dặn dò nhau: Không có tờ báo nhỏ, chỉ có nhà báo nhỏ! Đến bây giờ, tôi và bạn bè đều nhận ra rằng, thời đó từng được sống và làm việc trong một môi trường dù lắm khó khăn nhưng thật thú vị. Đó là những ngày lương thấp, nhuận bút chưa cao nhưng lòng nhiệt tâm xây dựng “thương hiệu” Lâm Đồng không thấp. Sướng chảy nước mắt khi đồng nghiệp mang về tòa soạn một đề tài “độc”. Thích thú đến không ngủ được vì đặt thay cho phóng viên một cái “tít” tâm đắc. Những chi tiết trong bài báo của bạn nửa đêm đọc khoái quá phải í ới gọi nhau pha trà. Có những khuya khó ngủ vì chờ đợi số báo nhiều tin, bài hay ngày mai. Làm sao có thể quên những buổi quá chiều dăm ba đứa ngồi ở phòng tòa soạn, bóp trán nghĩ đề tài, tranh luận chuyện làm nghề rồi cãi nhau chí chóe. Làm sao quên những bữa rượu suông lắc lư cây đàn guitar thiếu dây ở nhà tập thể 14 Hùng Vương. Làm sao quên những bữa bún vay, cà phê chịu, thuốc lá xin mà hào sảng cùng Thanh Đạm, Việt Hưng, Khắc Dũng, Mạc Do Hùng. Những cái tết nghèo giữa khu tập thể những nhà báo nghèo và một lũ độc thân chờ ăn tết “ké”… 
 
Có lắm lời quá không khi nỗi nhớ luôn dành về bạn bè một thuở. Không thể nào quên những đêm cùng Minh Đạo lang thang chợ khuya Âm Phủ, lặn lội cùng thân phận những bóng nón trong đêm. Không thể nào quên những chuyến vượt núi băng rừng cùng Khắc Dũng trong cơn lũ dữ. Không thể nào quên những đêm phố huyện sơn cước với Hà Linh Chi, Thanh Đạm, Việt Hưng, Duy Doanh. Không thể nào quên những buổi cùng Đinh Thị Nga về với buôn làng. Không thể nào quên những kỷ niệm với người bạn thân thiết Trần Đức Tài. Người đồng nghiệp đa tài ấy đã dạy tôi nhiều điều về một nền báo chí hiện đại, bổ sung những thiếu hụt kiến thức về nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc và tự nguyện làm bác sĩ máy tính mỗi lần tôi cần save thì bấm nhầm delete. Minh Tự và Nguyễn Hàng Tình, những chiếc bánh mì nguội chấm sữa Ông Thọ thay bữa cơm chiều trong những tháng mưa ở ngã 5 Đại học, vừa lan man chuyện nghề vừa ngắm những bóng hồng lướt nhẹ qua mắt... 
 
Tôi còn nhớ khi “lĩnh chỉ” của lãnh đạo chuẩn bị ra đời tờ Lâm Đồng thứ bảy, anh em tòa soạn ngồi chật phòng ghế cao, ghế thấp. Ai có ý gì hay thì cùng góp vào, bất kể là biên tập, phóng viên hay họa sỹ, nhân viên. Rồi có lúc nửa đêm Trần Đức Tài gọi: “Tờ The Times vừa công bố danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ 20, trong đó có 10 nhân vật chính trị kiệt xuất, Bác Hồ là một trong số đó. The Times đăng ảnh Cụ lên bìa và có bài viết của một sử gia người Mỹ”. Tôi bảo Tài: “Dịch ngay bài viết và chụp lại bìa The Times. Đó sẽ là bài độc quyền của Báo Lâm Đồng, không có tờ nào ở Việt Nam làm kịp!”. Đúng thế, trên sạp báo của mấy ngày sau mới xuất hiện thông tin này trên một vài tờ báo uy tín tại TP Hồ Chí Minh…
 
Tôi còn nhớ, khi máy tính vẫn là xa xỉ và mạng Internet còn đâu đó rất xa Việt Nam, thì Báo Lâm Đồng là một trong vài tờ báo địa phương đầu tiên mua tin quốc tế từ mạng Intranet của TTX, có quyền chọn tin, không cần trích nguồn. Về phần trước tác, những cây bút nhà tung hoành dọc ngang trên tờ báo mỏng mảnh: TBT Phạm Vĩnh với nét chữ đọc khó như “thư pháp” giữ mục “Câu chuyện chiều thứ bảy” vừa sâu vừa cay. Phó TBT Thanh Đạm đang học ở Hà Nội gửi về những trải nghiệm đường xa; Minh Tự thích tang bồng hồ thỉ; Mạc Hồng Kỳ, Kim Anh, Hàng Tình, Văn Phong, Khắc Dũng, Văn Việt, Minh Đạo... cày xới khắp Nam Tây Nguyên và ra cả tỉnh bạn để hầu công chúng những phóng sự - điều tra mà tận bây giờ nhớ lại “tít” vẫn thấy thú vị. Đinh Thị Nga “cung ứng” những ký sự đường rừng. Mạc Do Hùng trầm tư “sản xuất” tản văn. Trần Đức Tài làm thông tin quốc tế cho báo Lâm Đồng bằng con mắt của một nhà báo... quốc tế và còn là người làm mỹ thuật báo. Tiếng lành đồn xa, Báo Phú Yên và Thừa Thiên Huế phải nhờ Lâm Đồng cử Tài ra làm “chuyên gia” cả tháng. Thật sự biết ơn những cây bút nổi tiếng trong văn đàn, báo giới đã nhiệt tình với Lâm Đồng, với Đà Lạt nguyệt san: Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Hoàng Nhuận Cầm, Dương Thuấn, Trần Thế Thành, Nguyễn Thụy Kha, Lê Minh Quốc, Lê Tây Sơn, Vi Thùy Linh, Phạm Quốc Ca, Lê Thanh Phong, Lại Văn Long, Dương Trần... Tình cảm và tác phẩm của họ đã góp phần làm cho các ấn phẩm sinh động và đa chiều hơn. 
 
Tôi còn nhớ, nước mắt của người biên tập viên tỉnh lẻ đã chảy khi cầm trên tay tờ Đà Lạt nguyệt san số 1 vừa in xong bản mẫu giữa Nhà in ITAXA - TP Hồ Chí Minh. Tôi cầm ngược tờ báo vừa in chưa ráo mực mà không hề hay. Báo vừa lên xe của nhà phát hành, tôi cũng bắt xích lô chạy vòng quanh các sạp Sài Gòn để tìm kêu Đà Lạt nguyệt san “nhử” người mua báo. Cả cơ quan chờ Đà Lạt nguyệt san, cái ôm ấm áp của Phó TBT Lương Văn Sinh khi báo vừa về tòa soạn đến bây giờ vẫn còn trong tôi dư vị ấm áp. Đà Lạt nguyệt san đã vượt ra khỏi phạm vi Lâm Đồng, có mặt trên các sạp báo Sài Gòn, Hà Nội. Khi nguyệt san tạm thời đình bản, TBT Phạm Vĩnh đã viết lá thư ngỏ như khóc: “Rồi đây, lịch sử báo chí Lâm Đồng sẽ nhắc đến Đà Lạt nguyệt san như…”. Tôi đồng cảm với ông, nhưng muốn nói thêm, trong tình yêu đôi khi sự dang dở cũng mang lại cảm xúc ý nghĩa...
 
Liên hoan các nhà báo xuất sắc năm 2000
Liên hoan các nhà báo xuất sắc năm 2000

3. Nhiều người đã đi xa Đà Lạt và Báo Lâm Đồng, có người đã trở về với đất. Nhiều vị lãnh đạo và anh chị ngày xưa giờ đã nghỉ hưu. Bạn bè tôi tóc xanh một thưở nay không ít mái đầu hoa râm như nắng. Lại phải nhắc câu “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” khi ký ức miên man về năm tháng cũ. Vâng, những người đã mất không thể quay về; chuyện xưa, ngày cũ không bao giờ trở lại. Nhưng nỗi nhớ thì mãi vẹn nguyên và những giá trị từng xây đắp không bao giờ thay đổi. Nhờ mái nhà ấm áp Báo Lâm Đồng, chúng tôi đã được sống trọn vẹn một thời trai trẻ, cái thời trong lành, phóng túng, hồn nhiên. 
 
Một thế hệ đàn em ngày đó giờ cũng đã trưởng thành, có người đã là cán bộ chủ chốt. Họ tiếp nối hành trình “thương hiệu” Báo Lâm Đồng bằng sắc thái mới, trong điều kiện mới. Dõi theo bước chân những đồng nghiệp trẻ, tôi lại nhớ về anh chị, bè bạn ngày xưa. Những người từng chia sẻ mọi buồn vui, chia sẻ nguồn cảm hứng cùng tôi. Ký ức bạn bè là một phần của tuổi trẻ tôi, của cuộc đời tôi. Nơi chốn ấy trong tôi mãi mãi là miền hoang hoải nhớ…
 
UÔNG THÁI BIỂU - Nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Lâm Đồng