Nghĩa tình những ngôi nhà đại đoàn kết

09:08, 02/08/2017

Ở xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương), rất nhiều những ngôi nhà đã được xây dựng; diện mạo vùng có đạo trong xã đang từng ngày thay đổi..., phần nào nhờ vào sự đóng góp của các cơ sở tôn giáo tại địa phương.

Ở xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương), rất nhiều những ngôi nhà đã được xây dựng; diện mạo vùng có đạo trong xã đang từng ngày thay đổi..., phần nào nhờ vào sự đóng góp của các cơ sở tôn giáo tại địa phương.
 
Bà Ka Nia và các cháu vui mừng trong ngôi nhà mới. Ảnh: V.Quỳnh
Bà Ka Nia và các cháu vui mừng trong ngôi nhà mới. Ảnh: V.Quỳnh
Những ngôi nhà “mơ ước”
 
80 mùa rẫy đi qua, bà Ka Nia (thôn La Bouye B, xã Lạc Xuân) vẫn chưa dám tin rằng đến cái tuổi “gần đất xa trời”, mình lại được sống trong ngôi nhà kiên cố, rộng rãi, sạch đẹp. Bà sống với gia đình cô con gái, bản thân đau ốm triền miên, người con rể lại bị bệnh hiểm nghèo đã mất cách đây vài năm, trong nhà chỉ còn 2 người phụ nữ cùng 2 cô cháu gái còn nhỏ dại. Trước đây, 4 con người yếu ớt kia đã quen “chui rúc” trong một căn chòi lụp xụp, đến chỗ ăn chỗ ngủ còn chật vật. Đến năm 2016, khi được nhận căn nhà xây trị giá gần 100 triệu đồng từ giáo xứ Lạc Viên, bà Ka Nia không khỏi xúc động. Bà bảo: “Mình đi làm còn không đủ ăn, huống hồ nghĩ đến chuyện xây nhà. Nếu không có sự giúp đỡ từ giáo xứ thì cả đời mình cũng không có được mái nhà”.
 
Còn với chị Touneh Duyên (43 tuổi), căn nhà kiên cố gia đình chị đang ở hơn 1 năm nay, được chị gọi là “ước mơ cả cuộc đời” của chị. Là người phụ nữ trong nhà nhưng chị đau ốm suốt, nhà lại không có đất sản xuất nên cái ăn cái mặc của cả 5 người trong gia đình dồn hết lên vai chồng chị. Làm thuê làm mướn, đủ ăn đã mừng, huống hồ xây nhà dựng cửa. Thế nên hôm nhận được ngôi nhà kiên cố, với tường vôi, nền gạch, lợp tôn, trong nhà có sẵn bếp gas, nồi cơm điện, rèm cửa,... với tổng trị giá gần 100 triệu đồng, cả nhà chị mừng rớt nước mắt. Chỉ vào cánh cửa gỗ mục nát mà chị bảo căn nhà cũ của chị ở đấy, chị xúc động bảo: “Trước đây nhà cửa lụp xụp, mưa tạt, nắng dọi, khổ không lời nào tả hết. Giờ thì có nhà mới ổn định, vừa đẹp vừa chắc, nên mình chỉ còn chú tâm lo làm ăn, lo cho con cái đến trường tới nơi tới chốn để không phụ sự giúp đỡ của giáo xứ, của chính quyền”.
 
Đó không chỉ là cảm xúc riêng của bà Ka Nia hay chị Touneh Duyên, mà là niềm vui chung của rất nhiều những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại xã Lạc Xuân trong những năm qua. Năm 2014 - 2015, giáo xứ Lạc Viên đã hỗ trợ xây dựng 15 căn nhà mới cho bà con dân tộc thiểu số khó khăn với tổng trị giá trên 770 triệu đồng; xây dựng và nâng cấp nhiều đoạn đường giao thông nông thôn trị giá trên 1 tỷ đồng; Dòng Mân Côi Diom B hỗ trợ khám bệnh miễn phí trên 1.000 lượt cho các hộ nghèo khó, bệnh tật, hoạn nạn, hỗ trợ chương trình khuyến học, khuyến tài cho học sinh nghèo hiếu học,... với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, giáo xứ Diom, chùa Giác Sơn, chùa Giác Viên cũng vận động Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Khuyến học khuyến tài”, phát quà từ thiện hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
 
Trong năm 2016, giáo xứ Lạc Viên tiếp tục hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà với tổng trị giá trên 170 triệu đồng; xây dựng và nâng cấp nhiều đoạn đường giao thông nông thôn, hỗ trợ nhiều suất học bổng và quà cho các em học sinh nghèo vượt khó. Dòng Mân Côi Diom B hỗ trợ xây 1 căn nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Diom B trị giá 50 triệu đồng. 
 
Từ đầu năm 2017 đến nay, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn xã Lạc Xuân đã tham gia đóng góp trên 100 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng sửa chữa 9 căn nhà, xây dựng mới 1 nhà bếp và một công trình phụ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở các thôn Tân Hiên, Diom B. Nhân dân các thôn đóng góp hơn 200 triệu đồng và hàng trăm công lao động để giúp xây nhà, sửa đường, chỉnh trang lại nghĩa trang thôn.
 
Góp phần xây dựng nông thôn mới
 
Nằm trong phong trào thi đua Dân vận khéo, mô hình “Vận động các tôn giáo đóng góp trong xây dựng nhà đại đoàn kết” được xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương) tích cực triển khai, vận động từ năm 2014.
 
Xã Lạc Xuân có 15 thôn, trong đó có 5 thôn đồng bào dân tộc thiểu số với trên 740 hộ. Toàn xã có 2 chùa (chùa Giác Viên, chùa Giác Sơn), 3 giáo xứ (giáo xứ Lạc Viên, giáo xứ Diom, giáo xứ Châu Sơn), 2 dòng nữ tu (Dòng Thủ Thiêm và Mân Côi), 1 dòng tu Đan viện Châu Sơn, có 1 chi hội và 4 điểm nhóm đạo Tin Lành (chi hội Labouye A; điểm nhóm Lạc Bình, Diom B, B’Kăn, Tân Hiên). Các tôn giáo ở địa phương ngoài chăm lo việc đạo còn tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh, cùng chung tay góp sức với địa phương, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đạt được các tiêu chí đã đề ra.
 
Ông Mai Linh Sơn, Chủ tịch UBMTTQ xã Lạc Xuân cho biết: “Ngay từ đầu năm, chính quyền xã tổ chức gặp mặt, làm việc với các vị linh mục, các chức sắc tôn giáo để tuyên truyền, vận động về chương trình xây dựng Nông thôn mới. Sau đó, tiến hành thống nhất phương án, xét những hộ khó khăn, vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để có kinh phí hỗ trợ cho các hộ khó khăn. “Các vị chức sắc, đồng bào các tôn giáo đã đóng góp một phần rất quan trọng cho sự phát triển của địa phương. Nhờ phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc mà các tiềm năng, động lực được tập hợp, đẩy lùi những khó khăn.”- ông Sơn chia sẻ. 
 
Dẫn chúng tôi đến thăm những ngôi nhà đại đoàn kết vừa được xây, ông Phạm Ngọc Hậu, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn La Bouye B cho biết: “Trước đây, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng nhà tình thương cho các hộ khó khăn đã là truyền thống của các cơ sở tôn giáo tại địa phương. Ngoài ra, các giáo xứ còn bỏ tiền ra hỗ trợ xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, nhờ vậy mà bộ mặt địa phương đã phần nào được thay đổi”.
 
VIỆT QUỲNH