Vươn lên bằng nghị lực

08:10, 06/10/2017

Với niềm khát khao "con chữ", nhiều học trò nghèo đã vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, vươn lên bằng chính nghị lực phi thường để tiếp tục được bước đi trên con đường học tập và ước mơ về một tương lai tươi sáng. 

Với niềm khát khao “con chữ”, nhiều học trò nghèo đã vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, vươn lên bằng chính nghị lực phi thường để tiếp tục được bước đi trên con đường học tập và ước mơ về một tương lai tươi sáng. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để các em có thể tiếp tục được đến trường. Ảnh: V.H
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
để các em có thể tiếp tục được đến trường. Ảnh: V.H

Ở xã Lộc Nga (thành phố Bảo Lộc), Nguyễn Thị Nhị được mọi người biết đến là một cô bé nghèo chăm ngoan, học giỏi. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bị câm điếc bẩm sinh, cả ba mẹ con sống chung với bà ngoại già yếu trong ngôi nhà tình thương được Nhà nước xây dựng. Tuy bệnh tật nhưng một mình mẹ phải làm lụng vất vả nuôi cả gia đình. Thương mẹ nên ngoài những giờ học, Nhị đi làm thuê, khi thì rửa chén, khi thì bán hàng để đỡ đần thêm cho mẹ. Tuy khó khăn là thế, nhưng Nhị vẫn cố gắng học tập để mẹ và bà vui. Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, Nhị trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh. Gạt qua những lo toan trước mắt, hai bàn tay người mẹ câm điếc dùng ngôn ngữ khẩu hình để nói lên niềm vui và tự hào về cô con gái nhỏ. Dẫu biết còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với cô học trò nghèo Nguyễn Thị Nhị, “được tiếp tục đi học là em sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để vừa học vừa đi làm trang trải cho việc học của mình, để sau này có thể lo được cho bà và mẹ”.
 
Còn với Điểu Thị Ngọc - cô học trò dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Gia Viễn (huyện Cát Tiên), từ nhỏ em luôn khao khát được học nhiều để sau này trở thành cô giáo về dạy chữ cho học sinh ở thôn buôn mình. Gia đình Ngọc thuộc diện khó khăn, cha bị bệnh nặng nằm liệt giường hơn 10 năm qua và người cha ấy vừa mất khi em có giấy báo trúng tuyển vào ngành Giáo dục Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Một mình mẹ là lao động chính trong nhà nhưng quanh năm lại bị bệnh khớp hành hạ. Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng, thu nhập thấp và không ổn định. Vì vậy, ngoài giờ học, Ngọc tranh thủ giúp mẹ làm ruộng, cắt cỏ cho bò, đến 9 - 10 giờ tối mới có thời gian học bài. Tuy vậy, nhiều năm liền Ngọc luôn là học sinh khá, giỏi; được thầy cô và bạn bè yêu mến. 
 
Cậu sinh viên nghèo Nguyễn Viết An (xã Đạm Ri, huyện Đạ Huoai) đã phải tạm dừng bước trên con đường tới giảng đường vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Mồ côi mẹ từ nhỏ, cha bị liệt nửa người, An trở thành trụ cột trong gia đình vừa lo chăm sóc cha vừa nuôi hai em nhỏ ăn học. Tuy vậy, những năm phổ thông, thành tích học tập của An khiến nhiều bạn phải nể phục. Năm 2016, An đậu vào Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng nhưng vì không có điều kiện nên em xin bảo lưu kết quả. Hàng ngày, An làm đủ mọi việc, từ bốc vác thuê, làm bảo vệ theo giờ, phát tờ rơi… để kiếm tiền lo cho gia đình và nuôi ước mơ có thể tiếp tục được đi học lại. 
 
Cặp chị em song sinh Phạm Thúy Trang, Phạm Thùy Trang (xã Gung Ré, huyện Di Linh) đều thi đậu vào ngành Dược học khoa Y - Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với số điểm 25,75 và 26,8. Kết quả đậu đại học vừa là niềm vui nhưng cũng thêm gánh nặng cho người cha quanh năm đi làm thuê cuốc mướn nuôi con ăn học. Mồ côi mẹ từ nhỏ, Thúy Trang và Thùy Trang luôn cố gắng học để cha vui. Thương cha vất vả, ngoài giờ học, hai chị em đi nhổ cỏ thuê để phụ cha trang trải cuộc sống. Tuy vậy, kết quả học tập của hai chị em luôn đạt thành tích cao, 11 năm liền là học sinh giỏi, năm lớp 9 Thúy Trang đoạt giải nhì cấp tỉnh, lớp 11 đoạt giải nhất cấp huyện và lớp 12 giải nhì tỉnh môn Sinh học. Khi biết kết quả đậu đại học, hai chị em xin cha xuống thành phố trước thời gian nhập học để đi làm thêm kiếm tiền trang trải học phí. Con đường học tập còn nhiều khó khăn, nhưng hai chị em quyết tâm theo đuổi đến cùng để sau này có một công việc ổn định và chăm sóc người cha tảo tần. 
 
Và còn đó biết bao tấm gương khác ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu vẫn nỗ lực vươn lên để theo đuổi ước mơ học tập. Bởi với các em, học tập là niềm đam mê, là khát khao không bao giờ ngơi nghỉ... 
 
VIỆT HÙNG