Người dân là nội tại giữ và phát triển rừng bền vững (bài 2)

08:11, 29/11/2018

Lâm Ðồng là tỉnh đi đầu trong cả nước về giao khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) cho đồng bào dân tộc thiểu số và điểm nổi bật có nhiều mô hình tập thể và cá nhân điển hình được cộng đồng trân trọng ghi nhận. 

Trân trọng những điểm sáng giữ rừng
 
[links(right)] Lâm Ðồng là tỉnh đi đầu trong cả nước về giao khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và điểm nổi bật có nhiều mô hình tập thể và cá nhân điển hình được cộng đồng trân trọng ghi nhận. 
 
Rừng thông hơn 66 ha của cộng đồng đồng bào K’Ho bảo vệ xanh ngút mắt. Ảnh: M.Đạo
Rừng thông hơn 66 ha của cộng đồng đồng bào K’Ho bảo vệ xanh ngút mắt. Ảnh: M.Đạo

Ðồng thuận cả cộng đồng thôn
 
Du khách thập phương mỗi lần đến thưởng ngoạn thác Pongour ở huyện Đức Trọng, bên con đường vào, đều ngỡ ngàng với quần thể thông xanh ở thôn Chơrông Tampo. Đây là kết quả bảo vệ hơn 66 ha rừng thuộc Tiểu khu 301B của 18 hộ đồng bào dân tộc K’Ho xã Phú Hội suốt chín năm qua. Nhóm bảo vệ rừng (BVR) do ông K’Long phụ trách, là những nam giới có sức khỏe và chia làm ba tổ. Nắng hay mưa, ngày hay đêm, nhóm đều cử người trông coi rừng. Họ tuần tra canh giữ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm trái phép như phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, chích nhựa thông, khai thác khoáng sản, đất, đá, chặt hạ, ken cây, đốt than, đẽo ngo, săn bắt động vật rừng, gây cháy rừng... Hạt phó Kiểm lâm huyện Đức Trọng Đồng Văn Tuyên nhận xét: Bà con thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Diện tích, hiện trạng chất lượng rừng, đất rừng được giữ ổn định và rừng phát triển rất tốt. Mùa hanh khô, bà con xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng và thực hiện các biện pháp phòng cháy. “Từ năm 2011 đến nay, rừng của bà con bảo vệ chưa xảy ra vụ cháy hay vụ xâm hại nào”, ông Tuyên nói. Mỗi năm, 30 triệu đồng nhận từ DVMTR bà con dùng xây dựng chòi trực, mua các dụng cụ hỗ trợ công tác BVR, làm đường thôn…Ông K’Long hơn 80 tuổi nhưng giọng nói vẫn rành rọt: “Mình sống với rừng và yêu rừng từ nhỏ. Mình biết không có rừng thì không còn nước và như vậy thì cây trồng của bà con làng mình cũng không sống được. Rừng còn là nơi để trâu bò có chỗ sinh sống hàng đêm và ba tháng ngày mùa”. Ông giao con cháu phối hợp người ngoài thôn cương quyết giữ rừng bằng làm nhà canh, trồng cây mới, chi trả tiền công bảo vệ kịp thời, công bằng và không lung lay trước lời xúi giục phá rừng trồng cà phê của nhóm người Kinh đi mua đất...
 
Cũng là mô hình cộng đồng QLBVR, bà con dân tộc Mạ và K’Ho bảo vệ rất tốt hai Vườn Quốc gia (gọi tắt là Vườn) Cát Tiên và Bidoup-Núi Bà. Trong tổng diện tích rừng đặc dụng của Lâm Đồng là 84.119 ha hiện nay, tập trung tại hai Vườn này. Số liệu ngày 9/11/2018 tại Quỹ BV&PTR tỉnh về diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng của Bidoup - Núi Bà gần 66.289 ha, thực hiện đạt 99,9%; của Cát Tiên hơn 26.111 ha, thực hiện đạt 100%. Nằm vùng lõi Vườn Cát Tiên là xã Đồng Nai Thượng với 98% dân số dân tộc Mạ (409 hộ, 1.709 nhân khẩu). Xã có diện tích rừng tự nhiên 7.200 ha; trong đó, giao khoán bảo vệ gần 4.400 ha cho 325 hộ với 100% đồng bào DTTS, chia thành năm cộng đồng. Ngày 24/11, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, ông Lê Quang Chường cho biết tỉ lệ hộ nghèo năm 2018 đã giảm còn 8,7% hộ nghèo và 4% hộ cận nghèo. Ông Chường nhận xét: Giao rừng cho người dân tại chỗ rất phù hợp vì họ phấn khởi và có trách nhiệm rất cao. Cộng đồng phân công nhiệm vụ rõ ràng, đoàn kết giúp nhau và thường xuyên gắn bó với lực lượng kiểm lâm để cùng bảo vệ. 
 
Vườn Bidoup - Núi Bà có diện tích rất lớn, là Khu Dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới, nằm kề thành phố Đà Lạt. Gần 66.289 ha rừng đã giao cho 100% đồng bào dân tộc K’Ho bảo vệ, gồm 1.540 hộ. Giám đốc Vườn Bidoup - Núi Bà, Phó Thường trực Ban Quản lý KDTSQ thế giới Lang Biang Lê Văn Hương nhất quán: “Chúng tôi ưu tiên cho người DTTS vì mấy lẽ sau: Văn hóa của họ đã gắn bó với rừng từ xưa đến nay, có thể nói rừng là cội nguồn của văn hóa bản địa. Họ thuộc những đối tượng thiệt thòi nhất trong xu thế phát triển kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay. Họ cũng là đối tượng xóa đói giảm nghèo theo chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Và điều quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho chính họ. Thông qua đó, nâng cao nhận thức của họ trong việc BVR, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững mà UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động đến năm 2030”. Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn, đồng bào DTTS không chỉ nhận BVR mà còn được tham gia những hoạt động liên quan đến rừng như tổ chức du lịch sinh thái; hỗ trợ các mô hình kinh tế hộ… Hiệu quả BVR tại Bidoup - Núi Bà được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế đánh giá rất cao. 
 
Những tấm lòng tha thiết yêu rừng
 
Không thể kể nhiều điển hình cá nhân đồng bào DTTS về BVR, chúng tôi chỉ lướt qua hai trong số họ. Đó là anh Nưng Sang Thiên, dân tộc K’Ho, sinh năm 1969, nhà ở Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Anh và vợ là Đa Gout Điên có sáu người con đều nhỏ nên thuộc hộ nghèo. Nhà chỉ có 1,5 ha cà phê ít đầu tư vì thiếu vốn, 3 sào rau cùng với tiền nhận khoán BVR của anh mỗi tháng 2,9 triệu đồng. Nhưng anh là công dân gương mẫu của thôn với nhiều khen thưởng của huyện và tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực BVR. Nưng Sang Thiên được chọn làm Tổ trưởng Tổ nhận khoán số 44 suốt 12 năm nay. Tổ gồm 14 người, 9 nam và 5 nữ, đều là dân tộc K’Ho; hợp đồng quản lý, bảo vệ gần 328 ha rừng tại Tiểu khu 110, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim. Là rừng đầu nguồn, cách nơi ở 20-30 km; địa hình hiểm trở và liền kề đất sản xuất nông nghiệp nên khó khăn bảo vệ. Anh Nưng Sang Thiên điều phối thành viên theo hoàn cảnh cụ thể thành nhóm hỗ trợ nhau. Ba nhóm vào mùa nắng, hai nhóm vào mùa mưa vì mùa nắng ngày nào cũng phải trực phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ trưởng, tổ phó thay nhau kiểm tra, giám sát. Mỗi nhóm trực nguyên từng tuần, vừa nắm chắc diễn biến rừng vừa phải chịu trách nhiệm. Anh Thiên kể: “Trời mưa thì về sớm, trời nắng quá thì ở lại với rừng lâu hơn, lỡ có cháy mất công điều động”. Mỗi quý, toàn tổ họp để kiểm điểm nghiêm túc và bàn kế hoạch mới. Tổ phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm để đối phó cháy kịp thời, đồng thời yêu cầu các hộ sản xuất nông nghiệp cam kết không để cháy rừng, mặt khác chú trọng xử lý đốt vật liệu cháy trước mùa khô... Nhiều năm nay, tổ 44 của anh Nưng Sang Thiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chưa có cháy rừng; chưa xảy ra vụ hạ cây nghiêm trọng nào - nhận xét từ lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim. 
 
Cill Ha Duy bên loài thông đỏ đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: M.Đạo
Cill Ha Duy bên loài thông đỏ đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: M.Đạo

Tương tự, Cill Ha Duy ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng hợp đồng với Hạt Kiểm lâm huyện bảo vệ một loài thực vật đặc biệt: Thông đỏ (Taxus Wallichiana). Đây là loài hiện chỉ mới gặp ở Lâm Đồng và là “thần dược” chiết xuất Taxol để điều chế thuốc chữa bệnh ung thư và nhiều bệnh khác. Thông đỏ xếp cấp VU (loài sẽ nguy cấp) và nhóm IA (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại); lại phân bố hẹp, rất chậm lớn và tái sinh kém. Những đặc điểm trên cho thấy nhiệm vụ bảo vệ thông đỏ của Ha Duy rất quan trọng tại Tiểu khu 268 và 278a, lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh. Với gần 500 cây, rải rác trên 900 ha rừng lá rộng thường xanh, được đánh số thứ tự. Cây có đường kính từ gốc từ 25 cm - 2,3 m. Hạt phó Kiểm lâm Đồng Văn Tuyên khẳng định: “Tôi là người trực tiếp ký hợp đồng với anh Ha Duy và hàng năm giám sát đánh giá nghiệm thu để thanh toán tiền công. Ha Duy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Ha Duy chia sẻ lý do anh thích cái nghề đơn độc và luôn tiềm ẩn hiểm nguy này trong khi mỗi tháng chỉ được lĩnh 2,5 triệu đồng: “Tiếng đồng bào gọi là Cil B’rê (cây tùng), nghe nói quý chứ cũng không hiểu rõ; nhưng đã nhận bảo vệ thì làm cho thật tốt. Quan trọng là BVR sẽ bảo vệ được nguồn nước cho buôn mình. Có rừng thì đất trên cao không bị nước chảy xói và sạt lở xuống. Có rừng thì có màu xanh, đẹp cho quê mình…”. Đó  là nhận thức làm hành trang và động lực thôi thúc anh trộn nắng dầm mưa để ngày nào cũng ở với rừng và giảng giải cho bà con mỗi khi gặp họ trong rừng. Từ năm 2007 đến nay, khi các nhà khoa học phát hiện ra quần thể thông đỏ, anh gắn bó bảo vệ, đặt chân khắp nơi, từ M’Lin, Hồ Tiên đến YôRôu… Tám giờ sáng rời nhà, hai giờ chiều Ha Duy từ rừng về Trạm của Ban quản lý báo cáo tình hình. Khi phát hiện có cây thông đỏ bị tác động như cưa hạ, bẻ cành, bóc vỏ, Ha Duy định vị bằng máy GPS và gọi điện báo ngay cho lãnh đạo Hạt để kịp thời ngăn chặn. Kinh nghiệm và kỹ năng giữ rừng của anh là dựa vào bà con đồng bào dân tộc của mình: “Hễ rừng có gì hoặc gặp người lạ trong rừng là họ gọi báo cho em ngay. Rất nhiều bữa em nhờ họ mà có nước uống, có cơm ăn, và nghỉ lại trong nhà đó. Đồng bào ở đây hiểu được công việc của em và thương em nên họ càng có ý thức BVR cùng em”. Trạm trưởng Phạm Mạnh Thùy xác nhận: “Anh Duy phối kết hợp với anh em của Trạm chặt chẽ, rất tự giác và có hiệu quả. Cũng tham gia với đội truy quét và ở lại trong rừng sâu qua đêm mà không nề hà gì. Duy từng bị đối tượng lâm tặc phá xe máy khi anh bỏ lại bìa rừng đi bộ; thậm chí các đối tượng vi phạm đánh bầm dập nhiều thương tích phải điều trị”. (Vụ án này có 8 đối tượng bị xử lý hình sự). Kỳ tích của Cill Ha Duy là quần thể thông đỏ đến nay chưa có cây nào bị cưa hạ. Quả là nhân tố tỏa sáng trong cộng đồng. 
 
Bài cuối: Phát huy nội lực giữ rừng từ dân là cốt lõi
 
MINH ÐẠO