Nhớ những đồng nghiệp làm báo

07:06, 21/06/2019

Những ngày tháng 6 về lại nhớ những người đồng nghiệp bao năm làm báo cùng nhau nay đã đi xa!

Những ngày tháng 6 về lại nhớ những người đồng nghiệp bao năm làm báo cùng nhau nay đã đi xa!
 
Đó là các nhà báo Việt Hưng, Khắc Dũng cùng ở Báo Lâm Đồng và Nhất Hùng từng ở Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. 
 
Với Việt Hưng, tôi nhớ nhất là những ngày tháng lang thang cùng anh trên đất Đạ Huoai. 
 
Ngày tôi mới vào báo, chân ướt chân ráo, chỉ biết loanh quanh Đà Lạt. Gặp tôi anh nói như ra lệnh: “Thấy chú khỏe, được đó. Mai đi Đạ Huoai cùng anh!”. 
 
Ngày đó cách đây gần 30 năm, hầu hết mọi người trong cơ quan đã làm gì có xe máy, chỉ toàn đi bộ. Tòa soạn báo lúc đó còn nằm trên đường 3/2 ngay trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, còn nhà tập thể nhà báo 14 Hùng Vương nằm ở ngã ba Trại Hầm cách khá xa, ngày nào có họp hành các nhà báo dưới này cứ thế cuốc bộ lên phố, sang lắm thì đi xe ôm. Tôi lúc đó mới ra trường chỉ có chiếc xe đạp nửa thể thao, cứ thế đạp lòng vòng, dù cơ quan phân cho một phòng ở nhà tập thể này nhưng ngại xa đành thuê phòng trọ ở phố.
 
Đúng hẹn, tôi với anh bắt xe đò từ Đà Lạt xuống, không biết đi cách nào mà đến chiều mới đến Đạ Huoai. Đó là lần đầu tiên tôi đi công tác xa đến thế, xuống huyện như một nhà báo tập sự theo sự hướng dẫn của nhà báo đàn anh. Dịp đó đúng mùa sầu riêng chín, đâu đâu trên tuyến Quốc lộ 20 xuyên qua huyện này cũng thấy người dân bày bán sầu riêng ven đường. Anh cùng tôi mượn được chiếc xe máy cà tàng của một cán bộ điện lực huyện để xuống xã viết bài. 
 
Xuống xã, khi làm việc xong anh liền đề nghị cho đi vườn. Đến vườn, vì có nhà báo đến thăm nên các chủ nhà vườn thường mang “cây nhà lá vườn” ra mời, đó là những quả mít tố nữ hay sầu riêng nhỏ còn lại trên cây chủ nhà không bán mà để ăn hay đem ra mời khách. Nhỏ rất thơm và ngon. Họ cũng mời rượu nhưng anh nhắy mắt với tôi, rượu anh uống còn sầu riêng cho tôi thưởng thức. Lần đầu tiên trong đời làm báo tôi đi công tác xa lại được mời ăn nhiều sầu riêng như thế đến nỗi bỏ cả cơm ngày. 
 
Dù sau này tôi cùng anh còn đi rất nhiều nơi trên đất Lâm Đồng, đi hầu hết các huyện trong tỉnh nhưng tôi có cảm giác rằng anh - nhà báo Việt Hưng - chỉ thích nhất là đi Đạ Huoai. Cứ mỗi lần thấy mỏi mệt, thấy cần thêm động lực anh lại rủ tôi, rủ ai đó hoặc một mình lên xe về với đất Đạ Huoai. Ở vùng đất đó anh như cá gặp nước, anh quen rất nhiều người, hầu như cơ quan nào cũng có người anh quen, anh có thể la cà từ huyện đến xã, anh biết hầu hết các thôn nơi đây, biết nhiều nhà vườn, họ coi anh như bạn, anh đến tay bắt mặt mừng.
 
Cũng chính anh - Việt Hưng - cùng các đồng nghiệp xuống đây xin nhận đất cho cơ quan để làm khu vườn sản xuất cho Công đoàn. Tôi sau đó cùng một đồng nghiệp khác xuống đây gần 3 tháng để khai phá khu đất này để trồng điều, hiện nay khu vườn rộng mênh mông này vẫn còn trên đất Hà Lâm và được một đồng nghiệp của Báo mua lại để canh tác sầu riêng. Với tôi, cứ mỗi lần có dịp đi ngang qua đây, qua vùng đất Đạ Huoai xanh tươi cây trái này, tôi lại nhớ về những ngày làm vườn, nhớ về kỷ niệm cùng anh nơi đây.
 
Với Khắc Dũng - điều tôi nhớ nhất về anh là sức viết. Năng suất viết của anh cực lớn, nếu không nói là vào hàng “khủng khiếp”. Anh viết rất nhanh, hầu như mọi đề tài anh đều viết được, nhất là mảng dân tộc học (anh vốn tốt nghiệp Khoa Sử) và âm nhạc của cộng đồng dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.
 
Ngày đó hầu như mọi người đều viết tay trên giấy. Anh không biết tìm đâu ra chiếc máy chữ và gõ rất nhanh, cả ngày đi làm tối về gõ bài. Cứ đúng 2 giờ sáng, bất kể mưa hay nắng anh đều lôi máy chữ ra gõ cọc cạch đến sáng là xong bài cả nghìn chữ.
 
Nhưng Khắc Dũng không chỉ viết báo nhanh mà anh còn viết rất nhiều thể loại khác rất tốt, từ khảo cứu (làm các công trình khảo cứu với trường đại học), viết nhạc, viết sách, viết tiểu thuyết, viết tản mạn, làm thơ... Đi Trường Sa về chừng tháng sau là anh có tập bút ký về Trường Sa. Chỉ tiếc rằng bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của một con người tài hoa trong độ tuổi chín muồi kinh nghiệm và nhiều hoài bão như anh.
 
Một đồng nghiệp khác tôi muốn nói đến là nhà báo Nhất Hùng - một “con ma” làm tin cực nhanh về Lâm Đồng trên các báo lớn trong nước. 
 
Từng công tác lâu năm ở Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng nên Nhất Hùng rất có kinh nghiệm trong làm tin, sau đó anh chuyển sang làm cho các báo lớn trong nước. Làm tin thì nhà báo nào cũng làm nhưng làm tin nhanh thì phải liệt anh vào hàng “sư phụ”. Có cảm giác mọi sự vụ tin tức gì xảy ra trên đất Lâm Đồng anh đều biết và làm tin được, các bản tin của anh thường cô đọng, sức tích, rất ngắn, viết theo lối hiện đại với phần quan trọng lên trước, nhanh và mạnh, từ dùng rất sắc. 
 
Có lần tôi hỏi “bí quyết” đâu mà anh làm tin nhanh đến như vậy thì anh cười lớn “bật mí” rằng anh bên người luôn có một chiếc radio nhỏ để nghe tin tức Lâm Đồng hằng ngày, đúng giờ là anh nghe, nghe và phát hiện thông tin trong từng bản tin và từ đó lần ra tin tức mình cần.
 
Cũng nói thêm một chút về Nhất Hùng, đó là anh có quan hệ rất rộng với nhiều nhà báo và các tờ báo lớn trong nước. Cùng với anh, tôi lúc đó với mảng thể thao, không chỉ viết cho báo nhà mà còn tác chiến cho rất nhiều tờ báo trong nước theo đơn đặt hàng thông qua anh. Anh tốt bụng, vui vẻ, giúp đỡ rất nhiều người mới vào nghề, được đồng nghiệp quí mến. Rất tiếc một cơn bạo bệnh đã mang anh đi mãi mãi.
 
Những ngày tháng 6 này, chúng tôi, những người làm báo Lâm Đồng lại nhớ về những đồng nghiệp bao năm gắn bó cùng nhau nay đã đi xa. 
 
VIẾT TRỌNG