Nhiều giải pháp phát triển chuyên ngành miễn dịch - dị ứng nhi khoa toàn quốc

03:11, 17/11/2019

(LĐ online) - Sáng 17/11, tại TP Đà Lạt, Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng phối hợp với Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa (Hội Nhi khoa Việt Nam) tổ chức khai mạc Hội nghị Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa Toàn quốc lần thứ 2 năm 2019...

(LĐ online) - Sáng 17/11, tại TP Đà Lạt, Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng phối hợp với Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa (Hội Nhi khoa Việt Nam) tổ chức khai mạc Hội nghị Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa Toàn quốc lần thứ 2 năm 2019. Hội nghị thu hút sự tham dự của 250 đại biểu là các bác sĩ chuyên ngành miễn dịch - dị ứng của các bệnh viện, các trường đại học trong cả nước; đặc biệt, có 3 giáo sư chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này đến từ Đại học Hồng Kông và Singapore, Úc.
 
GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị tặng hoa cho lãnh đạo Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa và các chuyên gia quốc tế
GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị tặng hoa cho lãnh đạo Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa và các chuyên gia quốc tế
 
GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, GS Y khoa của Đại học Penn State, thành viên Khoa Dị ứng - Miễn dịch Trung tâm Y khoa Hershey - Pensylvania (Mỹ), cho biết: Hội nghị Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa Toàn quốc lần thứ nhất cũng đã tổ chức thành công tại TP Đà Lạt vào tháng 12/2018. Hội nghị lần thứ 2 này có 30 báo cáo tập trung 4 chủ đề: Dị ứng (dị ứng hô hấp, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc…); suy giảm miễn dịch tiên phát; viêm khớp và bệnh tự miễn; hen và khò khè ở trẻ em. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm cập nhật kiến thức chuyên ngành về miễn dịch, dị ứng cho các bác sĩ Việt Nam, đặc biệt cho chuyên ngành nhi khoa. Đây là lĩnh vực chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, do vậy, hội nghị là diễn đàn cho các bác sĩ chuyên khoa gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi với các chuyên gia trong nước và nước ngoài. 
 
PGS-BS Lê Thị Minh Hương, Chủ tịch Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa (thuộc Hội Nhi khoa Việt Nam) cho biết: Mô hình bệnh tật trẻ em thay đổi trong thế kỷ XXI. Các bệnh dị ứng và rối loạn miễn dịch là nhóm bệnh mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Viêm dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc và dị ứng khác ảnh hưởng không những về chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn tổn thất về kinh tế cho gia đình và xã hội. Các bệnh rối loạn miễn dịch như: Suy giảm miễn dịch, các bệnh tự miễn, tự viêm ở trẻ em là nhóm bệnh gây hậu quả nghiêm trọng đến nhiều hệ cơ quan, ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong của trẻ em. Trong khi đó, thực trạng hệ thống y tế Việt Nam hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ chuyên sâu để chẩn đoán, điều trị và quản lý các bệnh nêu trên còn hạn chế. Bệnh nhân thường bị bỏ sót chẩn đoán, chẩn đoán sai hoặc quá muộn gây nhiều biến chứng và tử vong. Mặc dù là nhóm bệnh mạn tính nhưng chưa có mạng lưới bác sĩ chuyên khoa tại tuyến cơ sở để theo dõi và quản lý bệnh nhân tại cộng đồng.
 
Nguyên do đây là lĩnh vực khá mới tại Việt Nam nên đội ngũ cán bộ nhân viên y tế chưa được đào tạo chuyên sâu về dị ứng - miễn dịch lâm sàng nhi khoa. Đa số bác sĩ cập nhật kiến thức thông qua các khóa học ngắn hạn, đào tạo liên tục trong và ngoài nước. Các phòng xét nghiệm chưa được đầu tư đúng mức để triển khai các xét nghiệm đặc thù giúp chẩn đoán xác định. Bên cạnh đó, chính sách chi trả cho người bệnh của BHYT còn hạn chế tại các địa phương và nhận thức về bệnh của các bệnh nhân, gia đình, cộng đồng chưa cao, dẫn đến việc tuân thủ điều trị kém, phòng tránh chưa hiệu quả.
 
PGS-BS Lê Thị Minh Hương, Chủ tịch Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa Việt Nam trao quà lưu niệm cho các nhà tài trợ đồng hành cùng hội nghị
PGS-BS Lê Thị Minh Hương, Chủ tịch Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa Việt Nam trao quà lưu niệm cho các nhà tài trợ đồng hành cùng hội nghị
 
PGS-BS Lê Thị Minh Hương cũng đưa ra đề xuất giải pháp để phát triển chuyên ngành miễn dịch - dị ứng nhi khoa toàn quốc: Các trường đại học tăng thêm thời gian đào tạo về lĩnh vực này cho sinh viên y khoa; kết hợp giữa bệnh viện - nhà trường để xây dựng các chương trình đào tạo đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực này cho cả nước. Các bệnh viện nhi lớn thành lập khoa lâm sàng miễn dịch - dị ứng - khớp và từng bước hình thành mạng lưới trong cả nước để đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho người bệnh tại địa phương. Thành lập Chi hội Miễn dịch - Dị ứng - Khớp Nhi khoa thuộc Hội Nhi khoa Việt Nam để tăng cường hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý bệnh nhân; thành lập các CLB bệnh nhân nhằm hỗ trợ người bệnh, gia đình và tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng cách nhận biết, phòng tránh các bệnh dị ứng miễn dịch. Tư vấn cho các cơ quan quản lý về chính sách BHYT cho các bệnh nhi bị các bệnh thuộc nhóm miễn dịch - dị ứng - khớp.
 
Trước đó, ngày 16/11, Ban tổ chức Hội nghị Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa toàn quốc đã tổ chức lớp đào tạo liên tục cho các bác sĩ với 2 nội dung: Hen ở trẻ nhũ nhi và dị ứng thuốc kháng sinh. 
 
AN NHIÊN