An toàn thực phẩm mùa lễ hội

05:12, 26/12/2019

Trong mùa lễ hội, đặc biệt là dịp Festival Hoa Đà Lạt năm 2019, ngành Y tế đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đảm bảo không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần xây dựng hình ảnh địa phương là điểm đến an toàn cho du khách.

Trong mùa lễ hội, đặc biệt là dịp Festival Hoa Đà Lạt năm 2019, ngành Y tế đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đảm bảo không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần xây dựng hình ảnh địa phương là điểm đến an toàn cho du khách.
 
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế cùng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh giám sát ATTP tại các khách sạn lớn phục vụ Festival Hoa Đà Lạt 2019. Ảnh: A.Nhiên
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế cùng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh giám sát ATTP tại các khách sạn lớn phục vụ Festival Hoa Đà Lạt 2019. Ảnh: A.Nhiên
Tạo uy tín du lịch 
 
Theo BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phục vụ Festival Hoa Đà Lạt 2019 của ngành Y tế, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP của tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát ATTP tại 32 cơ sở lưu trú khách sạn, nhà hàng là nơi ăn nghỉ của đại biểu trong nước và quốc tế đến dự Festival Hoa Đà Lạt 2019. Hầu hết các cơ sở này thuộc quy mô lớn, có thương hiệu ở Đà Lạt, tuy nhiên, qua kiểm tra giám sát ATTP, đoàn đã phát hiện 3 cơ sở vi phạm về ATTP nên tiến hành xử phạt bằng tiền và phạt hình thức bổ sung tiêu hủy sản phẩm hết hạn. Các cơ sở này có các hành vi vi phạm về ATTP như: Không thực hiện chế độ kiểm thực ba bước; không thực hiện việc lưu mẫu thức ăn; sử dụng nguyên liệu, thực phẩm quá thời hạn sử dụng hoặc không ghi thời hạn sử dụng.
 
Để đảm bảo ATTP trong dịp Festival Hoa Đà Lạt, tạo uy tín của ngành Du lịch địa phương đối với khách mời là đại biểu trong nước và quốc tế, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh đã tăng cường thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao. Cụ thể, trước khi diễn ra các bữa tiệc chiêu đãi, Chi cục ATTP Lâm Đồng đã tuyên truyền phổ biến chủ trương chỉ đạo của tỉnh về đảm bảo ATTP phục vụ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8 năm 2019 đến 15 nhà hàng, khách sạn có phục vụ các bữa ăn cho đại biểu tham dự lễ hội hoa. Công tác tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về ATTP với các đơn vị cơ sở và nâng cao trách nhiệm của các chủ cơ sở trong việc nghiêm túc thực hiện công tác đảm bảo ATTP. Trong thời gian diễn ra các tiệc chiêu đãi khách đại biểu, đoàn đã tổ chức kiểm tra, giám sát trong 2 ngày (20-21/12) tại các khách sạn lớn với nội dung: kiểm tra, giám sát việc thực hiện ATTP tại cơ sở; thực hiện kiểm thực ba bước hàng ngày (trước khi nhập thực phẩm, trước khi nấu, chế biến và trước khi ăn).
 
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP tại các nhà hàng, khách sạn thuộc phân cấp quản lý để đảm bảo ATTP phục vụ cho du khách đến địa phương trong dịp Festival Hoa Đà Lạt. Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát ATTP tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý trên địa bàn.
 
BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATTP Lâm Đồng cho biết: Từ ngày 10-25/12, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8 năm 2019 đã triển khai hoạt động trên 7 địa bàn gồm: Đà Lạt, Bảo Lộc, Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai. Mục đích đánh giá thực trạng việc thực hiện quy định pháp luật về đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Thông qua đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho người dân và du khách tham gia lễ hội Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8 năm 2019. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tập trung vào các cơ sở tại các khu vực diễn ra lễ hội, dọc Quốc lộ 20, các khu du lịch, các điểm dừng chân phục vụ du khách, khách mời...
 
Đoàn kiểm tra khâu lưu mẫu thực phẩm tại khách sạn phục vụ khách quốc tế và trong nước tham dự Festival Hoa Đà Lạt 2019. Ảnh: A.Nhiên
Đoàn kiểm tra khâu lưu mẫu thực phẩm tại khách sạn phục vụ khách quốc tế và trong nước tham dự Festival Hoa Đà Lạt 2019. Ảnh: A.Nhiên
 
Và không chỉ mùa lễ hội 
 
Trong năm 2019, toàn tỉnh tổ chức 415 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP, trong đó: 55 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh; 35 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến huyện và 325 đoàn kiểm tra tuyến xã. Kết quả qua thanh tra, kiểm tra 11.348 /18.157 cơ sở thực phẩm trong toàn tỉnh, có 9.699 cơ sở đạt ATTP (chiếm 85,5%). Các đoàn phát hiện 1.649 cơ sở vi phạm ATTP, xử lý 94 cơ sở, trong đó phạt tiền 49 cơ sở hơn 245 triệu đồng, đình chỉ 3 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm thực phẩm tại 76 cơ sở với 33 loại sản phẩm bị tiêu hủy, 10 cơ sở buộc phải khắc phục về nhãn thực phẩm với 11 sản phẩm, chuyển 9 hồ sơ sang cơ quan khác xử lý; còn 1.555 cơ sở vi phạm nhưng chỉ nhắc nhở.
 
Thực hiện 391 mẫu xét nghiệm, trong đó xét nghiệm nhanh 353 mẫu phát hiện 3 mẫu không đạt; xét nghiệm tại labo phát hiện 4/10 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý là chất bảo quản trong giò chả, 3/27 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh là nước uống đóng chai; Test nhanh (hàn the, foocmon, phẩm màu, độ ôi khét dầu mỡ, hypochloride, methanol) trong quá trình kiểm tra phát hiện 3/353 mẫu không đạt chỉ tiêu về hàn the trong sản phẩm giò chả.
 
Theo BS Độ, công tác đảm bảo ATTP được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền và toàn xã hội. Công tác thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về vệ sinh ATTP được chú trọng triển khai thực hiện và lồng ghép trong các đợt thanh tra, kiểm tra giúp người sản xuất và kinh doanh thực phẩm nâng cao nhận thức, hiểu và làm đúng theo các quy định của pháp luật. Tỉ lệ các cơ sở đảm bảo các điều kiện ATTP cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (85,5% so với 81,8%).
 
Tuy nhiên, một số cơ sở thực phẩm chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATTP: chưa thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ và tập huấn xác nhận kiến thức về ATTP cho người lao động (chiếm 8,9% số cơ sở được kiểm tra); không đảm bảo điều kiện trang thiết bị, dụng cụ (chiếm 7,9%); không đảm bảo điều kiện cơ sở (chiếm 7,3%); không có hoặc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng đã hết hạn; chưa lập hợp đồng cung cấp thực phẩm, sổ sách ghi chép và sổ lưu mẫu. Công tác quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết là các cơ sở nhỏ lẻ, thời vụ, tự phát tại các khu du lịch trong các dịp nhiều du khách.
 
Biện pháp khắc phục để đảm bảo ATTP cần tăng cường công tác quản lý và phối hợp trong quản lý về ATTP giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo, không bỏ sót. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức, pháp luật về ATTP. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền cho các cơ sở nhằm nâng cao hiểu biết, kiến thức, thực hành về ATTP cũng như thực hiện đúng các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra nhằm tăng tính răn đe, đảm bảo ATTP.
 
AN NHIÊN