Hiệu quả từ chương trình giảm nghèo bền vững của huyện Đức Trọng

05:05, 29/05/2020

Thời gian qua, với những cách làm hiệu quả, thiết thực, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đức Trọng đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Thời gian qua, với những cách làm hiệu quả, thiết thực, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đức Trọng đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
 
Những năm gần đây, đời sống người dân vùng xa Ninh Loan đang dần khởi sắc
Những năm gần đây, đời sống người dân vùng xa Ninh Loan đang dần khởi sắc
 
Năm 2015, xã Đa Quyn - xã vùng sâu khó khăn nhất của huyện Đức Trọng, có 341 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 32,02%. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2019 giảm còn dưới 6%, đạt chỉ tiêu nghị quyết. Để có được kết quả trên, Đảng ủy xã Đa Quyn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện các giải pháp giảm nghèo, như: Hỗ trợ vốn cho hộ nghèo làm ăn thông qua việc tiếp cận các chương trình, dự án của Nhà nước (riêng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đến nay dư nợ trên 35 tỷ đồng với 803 hộ vay); cấp thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo, thực hiện tốt chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí cho học sinh nghèo…
 
Triển khai có hiệu quả các nguồn đầu tư, hỗ trợ thông qua các chương trình phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, như: Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 67 năm 2018 của HĐND tỉnh Lâm Đồng cho 222 hộ với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135 của Chính phủ cho 145 hộ, kinh phí trên 1 tỷ đồng. Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho hơn 400 hộ dân và 2 tập thể với diện tích mỗi năm hơn 8.000 ha. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình; động viên, khuyến khích các gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững... “Thời gian qua, gia đình tôi đã được tham gia nhiều lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật do xã, huyện tổ chức nên đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng không hiệu quả sang sản xuất rau màu, nên gia đình tôi đã thoát nghèo và kinh tế vì thế cũng ngày càng ổn định hơn” - bà Ma Bay (thôn Ma Bó) phấn khởi nói.
 
Không riêng Đa Quyn, thời gian qua, Huyện ủy Đức Trọng luôn quan tâm chỉ đạo sát sao việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững nên công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 3,84% năm 2016 xuống còn 0,81% vào cuối năm 2019. Huyện đã triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. 
 
Từ năm 2011 đến năm 2019, huyện Đức Trọng đã đầu tư 17 tỷ 649 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình như: Trồng gừng trong bao xi măng, trồng khoai môn trên đất lúa một vụ, đầu tư nhà kính, tưới phun tự động, trồng rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… 
 
Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng của huyện còn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để người dân nắm bắt kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và tiết kiệm chi phí đầu tư để tăng thu nhập.
 
Mặt khác, thường xuyên quan tâm và thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đã tổ chức 82 lớp dạy nghề cho 2.336 lao động nông thôn với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Việc đào tạo nghề được gắn với công tác giải quyết việc làm, giúp học viên sau khi tham gia khóa đào tạo nghề phát huy được những kiến thức đã học vào phát triển kinh tế của gia đình. Trong 10 năm qua, thông qua các hình thức như hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động, tổ chức các phiên hội chợ việc làm... đã giải quyết được việc làm cho 39.353 lao động, trong đó có 554 trường hợp tham gia xuất khẩu lao động tại các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 đạt 59%.
 
Song song với đó, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, hộ khó khăn có vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, Ngân hàng CSXH huyện đã cho 32.774 lượt hộ vay ưu đãi với tổng số tiền hơn 641 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, dư nợ của Ngân hàng CSXH là 327 tỷ đồng với 12.792 lượt hộ vay. Trong đó, cho vay hộ nghèo hơn 25 tỷ đồng, hộ cận nghèo hơn 49 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo hơn 45 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo làm nhà ở hơn 2,7 tỷ đồng và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn 203 tỷ đồng.
 
Cùng với việc hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, cho vay vốn để phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; hỗ trợ về y tế, dinh dưỡng; hỗ trợ nhà ở, giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý cũng được quan tâm thực hiện tốt. Huyện Đức Trọng đã đầu tư xây dựng và sửa chữa 452 căn nhà cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí hơn 14 tỷ 180 triệu đồng. Tổng kinh phí huy động để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn huyện Đức Trọng đạt 1.053 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 351 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng CSXH huyện 641 tỷ đồng và huy động từ các nguồn khác hơn 60 tỷ đồng.
 
Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước nên hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện đã có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện còn 404 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,81% và hộ cận nghèo giảm xuống còn 922 hộ, chiếm tỷ lệ 1,86%. 
 
Có thể khẳng định, chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, được người dân trong huyện đồng tình, đánh giá cao; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về đời sống kinh tế của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân có sự chuyển biến tích cực, ngăn ngừa tình trạng tái nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo, giảm dần cách biệt về mức sống giữa thành thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội của địa phương.
 
NHẬT MINH