Thanh tra, giám sát, hậu kiểm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

02:05, 01/05/2020

Năm 2020, hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính...

Năm 2020, hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cấp tính. Không có vụ NĐTP cấp tính từ 30 người mắc trở lên, tỷ lệ mắc NĐTP cấp tính trong các vụ NĐTP được ghi nhận dưới 9 người/100.000 dân.
 
Ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương kiểm tra công tác đảm bảo ATTP dịp tết 2020 tại Lâm Đồng.
Ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương kiểm tra công tác đảm bảo ATTP dịp tết 2020 tại Lâm Đồng.
 
Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng
 
Hàng năm, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được triển khai thường xuyên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm về ATTP, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP. Năm 2019, các sở, ban, ngành của tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 12.129 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra phát hiện 359 cơ sở vi phạm chủ yếu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phụ gia, chất bảo quản thực phẩm; về kiểm dịch động vật... Tổng số tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng.
 
Kết quả cụ thể như sau: Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã thanh tra, kiểm tra 82 cơ sở, xử lý phạt tiền 69 cơ sở vi phạm với tổng số hơn 378 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra 173 cơ sở, xử lý phạt tiền 36 cơ sở với 168 triệu đồng. Sở Công thương và Quản lý thị trường thanh tra, kiểm tra 526 cơ sở, phát hiện 205 cơ sở vi phạm, phạt trên 414 triệu đồng; tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá hơn 42 triệu đồng. Sở Y tế và tuyến huyện, xã thanh tra, kiểm tra 11.348 cơ sở, phát hiện xử phạt 49 cơ sở vi phạm với 245 triệu đồng.
 
Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở thực phẩm được đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên tại các tuyến kết hợp với công tác tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn các cơ sở thực phẩm thực hiện các quy định về đảm bảo ATTP.
 
Giám sát, phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ thực phẩm mất an toàn
 
Công tác giám sát mối nguy, phòng chống NĐTP với việc lấy mẫu kiểm nghiệm giám sát ô nhiễm thực phẩm là hoạt động được triển khai thường xuyên, nhằm phát hiện kịp thời các sản phẩm không an toàn để có biện pháp ngăn chặn, không để thực phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP lưu thông trên thị trường, góp phần định hướng trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chủ động nắm bắt các thông tin, cảnh báo sản phẩm thực phẩm không an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các biện pháp đáp ứng kịp thời khi tiếp nhận các sự cố về ATTP và xử lý đúng pháp luật: thành lập đường dây nóng, tổ thường trực điều tra ngộ độc thực phẩm…
 
Trong năm 2019, công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đối với các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao. Thực hiện giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm: Sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn tại Đức Trọng, Đà Lạt và Bảo Lộc, với kết quả thu được 67 mẫu, trong đó có 42/67 mẫu đạt (chiếm 62,7%). Giám sát sản phẩm có nguy cơ cao tại Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Huoai, với kết quả mua được 162 mẫu, xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh 108 mẫu, có 87/108 mẫu đạt (chiếm 80,55%); xét nghiệm nhanh 150 mẫu, kết quả 150/150 mẫu đạt (chiếm 100%). Tiến hành giám sát mối nguy phục vụ công tác xây dựng mô hình điểm tại xã Lộc Quảng (Bảo Lâm) và Đà Lạt, thông qua việc lấy 11 mẫu thực phẩm (xã Lộc Quảng), kết quả 8/11 mẫu đạt (chiếm 72,72%) và lấy 28 mẫu thực phẩm (Đà Lạt), kết quả 28/28 mẫu đạt (chiếm 100%).
 
Giám sát các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp: Thực hiện giám sát 1.455 mẫu (1.270 mẫu nông sản, 35 mẫu nước tiểu heo, 115 mẫu thịt và các sản phẩm từ thịt) phân tích các chỉ tiêu chất lượng ATTP, kết quả có 10/1.270 mẫu nông sản vi phạm dư lượng thuốc BVTV, 35/35 mẫu nước tiểu heo đều âm tính với chất Salbutamol, 41/115 mẫu thịt (giò chả) có chứa chất bảo quản Natribenzoat; xét nghiệm phục vụ kiểm dịch động vật hỗ trợ người dân xuất bán lợn thịt 4.113 mẫu/270 trang trại (tổng đàn 487.170 con). Trang bị và phân phối test nhanh, thùng lạnh và vali dụng cụ phục vụ công tác lấy mẫu và xét nghiệm thực phẩm cho 12 huyện, thành phố với 87 hộp thuộc 6 loại test khác nhau, 16 thùng lạnh, 16 vali.
 
Từ khi bắt đầu xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh lân cận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã chủ động lấy mẫu giám sát phòng, chống dịch, ưu tiên các địa phương giáp ranh với các vùng dịch và các địa bàn có tổng đàn lớn. Hiện tại, Sở tiếp tục duy trì giám sát chủ động, tập trung tại các xã chưa phát sinh dịch bệnh để kịp thời phát hiện và triển khai các giải pháp chống dịch. 
 
Phòng chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm
 
Sở Y tế Lâm Đồng đã thành lập 1 đội phản ứng nhanh để kịp thời điều tra, xử lý các vụ NĐTP. Năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 2 vụ NĐTP với 239 người mắc, cụ thể: 1 vụ tại huyện Di Linh với 134 người mắc, không có trường hợp tử vong, tại cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động Hoàng Vy (Bảo Lộc), căn nguyên nghi do độc tố tụ cầu khuẩn Staphylococus. 1 vụ NĐTP tại huyện Lâm Hà với 105 người mắc, không có trường hợp tử vong, cơ sở nguyên nhân từ bữa ăn do đoàn từ thiện từ TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tại nhà nguyện của giáo xứ thôn Thực Nghiệm, xã Mê Linh, (Lâm Hà), căn nguyên là do độc tố vi sinh vật (nghi do độc tố trực khuẩn Clostridium perfringens).
 
Công tác khắc phục sự cố về ATTP: Khi xảy ra các vụ NĐTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xử trí, điều tra kịp thời tìm ra nguyên nhân gây ra NĐTP, nhằm hạn chế số ca bị mắc NĐTP và tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực trong công tác quản lý về ATTP cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành thông qua công tác tập huấn, đào tạo; tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác quản lý về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai công tác tuyên truyền đảm bảo ATTP tại các tuyến dưới bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức về kiến thức pháp luật, thực hành đảm bảo ATTP đến từng người dân. 
 
BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Trong năm 2019, hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã có sự vào cuộc nghiêm túc trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh và đạt được kết quả như Ban Chỉ đạo các cấp được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động, tạo điều kiện quản lý nhà nước về ATTP được đồng bộ, thống nhất và triển khai có hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường một cách thường xuyên, liên tục, đã góp phần tích cực trong phòng ngừa NĐTP. Công tác kiểm tra, giám sát ATTP được triển khai thực hiện trên tất cả các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ mất ATTP. Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chấp hành tốt các quy định về vệ sinh ATTP; một số ít cơ sở chưa thực hiện tốt, đoàn kiểm tra liên ngành kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở những cơ sở này chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về ATTP.
 
AN NHIÊN