Ký ức hào hùng bên dòng Đồng Nai

06:04, 30/04/2020

Đứng trên đỉnh đèo Bờxa Luxiêng, ánh mắt tôi như được trải rộng cùng đại ngàn ngút mắt và thỏa sự mát lành với dòng sông lấp lóa dưới thung lũng xa...

Đứng trên đỉnh đèo Bờxa Luxiêng, ánh mắt tôi như được trải rộng cùng đại ngàn ngút mắt và thỏa sự mát lành với dòng sông lấp lóa dưới thung lũng xa. Không hiểu sao mà nơi này lại lôi cuốn bước chân tôi đến vậy. Đã bao lần khám phá, trải nghiệm mà vẫn như mới đến lần đầu. Những chuyện cũ, chuyện mới giữa rừng già bao giờ cũng mang lại cảm xúc thú vị…
 
Tượng đài chiến thắng tại Di tích lịch sử khu VI anh hùng.
Tượng đài chiến thắng tại Di tích lịch sử khu VI anh hùng.
 
Xứ sở đầu nguồn mang tên Đồng Nai Thượng, quê hương ngàn đời của đồng bào Mạ, S’tiêng đến bây giờ vẫn nằm giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đường nhựa lớn mở về đây từ nhiều năm trước,  các công trình điện, trường học, trạm y tế, chợ búa khang trang. Những vườn điều, rẫy cà phê, cao su và ruộng lúa mát mắt bên hồ thủy lợi. Chị Điểu Thị Prợt, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng - huyện Cát Tiên phấn khởi nói, xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới, nếu không vì đại dịch COVID-19 thì đã tổ chức lễ đón nhận trong tháng Tư này…
 
Người quen cũ của tôi, lão ông Điểu Đoi - tổng già làng của tất cả năm buôn: Bù Gia Rá, Bi Nao, Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê - ngồi lặng lẽ giữa vườn cây xanh mát như đếm bước đi chậm chạp của thời gian. Người già S’Tiêng có 112 tuổi đời và 57 tuổi Đảng vẫn còn minh mẫn. Ông như một nhân chứng của thời gian vượt hai thế kỷ. Đại thọ về tuổi tác, ông cũng là gốc đại thụ tinh thần, đã từng kinh qua nhiều trọng trách với cách mạng, với buôn làng: là đội viên du kích, là chiến sĩ bộ đội, là bí thư chi bộ, là tổng già làng. Bao mùa chinh chiến, bao năm tháng cuộc đời đã qua, tóc bạc, da mồi, hơi thở khó nhọc nhưng ánh mắt lão ông Điểu Đoi vẫn sáng lên khi nhắc lại một thời lửa đạn. Từ ánh mắt ấy, tôi cảm nhận được dòng ký ức đang hiện hữu trong trái tim ông, những ngày nếm mật nằm gai, đói cơm lạt muối, không tiếc máu xương cho hòa bình về trên quê hương. Lão ông cất giọng yếu ớt: “Ngày xưa khổ lắm, đói lắm! Bom đạn... Mình cùng bộ đội, du kích tổ chức đánh địch... Hy sinh, thương tật... cũng nhiều...”. Cô cháu ngoại của lão cựu chiến binh nói với chúng tôi: “Bây giờ ông già quá rồi, lúc nhớ lúc quên. Mà khi nhớ thì toàn nhớ chuyện ngày còn đi đánh giặc thôi…!”.
 
Lật cuốn Lịch sử xã Đồng Nai Thượng, danh sách thế hệ những cán bộ, du kích tham gia kháng chiến chống Pháp từ thời già Điểu Đoi còn là người chỉ huy hầu hết đã về với đất mẹ thượng nguồn. Hơn 120 chiến binh quả cảm của năm buôn trong xã từng được biên chế trong các đơn vị bộ đội trong thời chống Mỹ nay người còn người mất, người tham gia công tác ở địa phương, người chí thú với cuốc cày, ruộng rẫy. Những ngôi nhà mà tôi đến thăm, trên vách tường nhà nào cũng treo dày huân, huy chương, bằng khen ghi nhận chiến công. Không ít gia đình ở Đồng Nai Thượng đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình tấm bằng “Tổ quốc ghi công”. Lịch sử đã chọn mảnh đất nhỏ bé bên dòng Đồng Nai để trao những trách nhiệm nặng nề, để gửi gắm niềm tin son sắt. Bao tháng năm qua nhưng chuyện cũ như chưa hề qua…      
 
Tham gia không biết bao nhiêu trận đánh, mang trên mình nhiều di chứng chiến tranh, nhưng người phụ nữ nổi tiếng với những chiến công quả cảm tôi gặp hôm nay vẫn nở tươi nụ cười. Chị là Điểu Thị Lôi tên thường gọi Năm Lôi, người được tặng danh hiệu Dũng sĩ Diệt Mỹ cấp 2 và đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 18 tuổi. Chị cũng từng là Đại biểu Quốc hội khóa VI, ngay sau ngày nước nhà thống nhất. Chị Năm Lôi kể, khoảng cuối những năm 60, làng buôn của chị là vùng đứng chân và hoạt động của Khu ủy Khu VI nên giặc luôn tổ chức càn quét, hòng tiêu diệt. Chúng lập sân bay dã chiến ngay giữa rừng Bờxa Luxiêng, dùng trực thăng vận mang khí tài, chiến xa lên đây để đánh phá căn cứ, lùng bắt cán bộ và chặn con đường hành lang chiến lược. Cựu Dũng sĩ diệt Mỹ hào hứng kể về một trận đánh in sâu trong ký ức thời cầm súng của mình: “Trong thời kỳ triển khai Chiến lược chiến tranh cục bộ, địch điều lên đây hơn 40 tên lính Mỹ và lính đánh thuê đặt chốt án ngữ ngay trên tuyến hành lang chiến lược. Một đêm, nắm được tin có cán bộ ta vào buôn móc nối với đồng bào, địch cho quân vây ráp với âm mưu thảm sát cả buôn làng. Trước tình hình hết sức hiểm nguy, cán bộ kháng chiến và đội du kích đã mai phục đánh chặn hậu cho bà con tản vào rừng lánh nạn”. Chị Năm Lôi nói: “Tôi và bác Điểu Đoi chỉ có hai khẩu súng trường nhưng vẫn thay nhau nhả đạn và luồn lắt léo trong rừng để dụ địch sa xuống hầm chông. Trận ấy, chúng tôi diệt được mười tên da trắng!”. Sau trận đánh đầy mưu trí, dũng cảm này, du kích Điểu Thị Lôi được nữ tướng Nguyễn Thị Định gửi tặng chiếc khăn rằn và khẩu súng ngắn, đó là nguồn động viên to lớn mà người nữ du kích S’tiêng khắc ghi vào tâm khảm suốt cả đời mình… 
 
* * *
 
Dòng ký ức hào hùng một thời liệt oanh của những người như tổng già làng Điểu Đoi, cựu Dũng sĩ Điểu Thị Lôi, cựu chiến binh Điểu K’Lộc và những người con Đồng Nai Thượng như hòa vào trong mạch sống của nước biếc, non xanh vùng đất thượng nguồn. Từ xúc cảm với câu chuyện của họ, tôi lại ngước nhìn về phía thung sâu, nơi ấy dòng Đồng Nai vẫn lượn lờ trôi bình yên qua những buôn làng nơi cuối đất Lâm Đồng, đầu trời Đồng Nai, Bình Phước. Dòng sông như một dòng chảy chất chứa trong lòng biết bao trầm tích, biết bao hoài niệm sống động, tươi nguyên về những năm tháng gian lao và anh dũng của một thời vệ quốc. 
 
Cửa ngõ Chiến khu D là đây. Vùng chiến địa một thời mà ta và địch tranh chấp từng gốc cây, ngọn cỏ là đây. Cát Tiên cũng từng là giao điểm quan trọng trên con đường hành lang chiến lược Bắc Nam, nối miền Bắc, miền Trung với Đông Nam Bộ trong những ngày kháng chiến chống Mỹ. Mảnh đất tôi đang đứng giữa trưa nắng thanh bình là nơi đã được khắc đậm lên trang sử đất nước những dấu son chói lọi. Năm tháng cũ hằn in lên những cánh rừng, những ngọn núi, những buôn làng vô vàn câu chuyện về chiến công và lòng quả cảm. Ngước nhìn lên tượng đài sừng sững giữa trời xanh ở trung tâm cụm Di tích lịch sử Khu VI Anh hùng mà tâm hồn dậy lên biết bao cảm xúc. Cảnh sắc và không gian thiêng liêng như nhắc nhở rằng, đã 45 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng màu máu đỏ, xương trắng của đồng chí, đồng bào đã ngã xuống trên những cánh rừng, những ngọn núi, những khe suối, làng buôn vẫn tươi nguyên trong cảm thức tri ân của thế hệ hôm nay… 
 
Những đứa trẻ ở Đồng Nai Thượng.
Những đứa trẻ ở Đồng Nai Thượng.

 

Không ai có thể lãng quên, nơi một thời “rừng thiêng nước độc” này từng là chiến địa ác liệt trên hành trình các lực lượng ta vượt dòng Đồng Nai về với đồng bằng. Những bậc cao niên như Điểu K’Khen, Điểu K’Lộc còn thuộc tên, nhớ mặt các cán bộ, chiến sĩ Đoàn C200 cùng đồng bào các dân tộc anh em nếm mật nằm gai làm nhiệm vụ bảo vệ đường hành lang chiến lược, sản xuất lương thực, xây dựng cơ sở cách mạng, đánh địch mở rộng vùng giải phóng. Đây cũng là địa bàn đặt đại bản doanh của Khu ủy Khu VI thuộc Trung ương Cục miền Nam trong những năm dài đánh Mỹ. Anh Đặng Văn Hòa, hướng dẫn viên của khu di tích, dẫn chúng tôi tham quan mô hình các cơ quan khu bộ và nhà truyền thống. Những mái nhà lá giữa núi rừng bình yên, những hiện vật lặng lẽ giữa không gian tĩnh mịch mà như đang kể sống động những câu chuyện về một thời hào hùng. Rất nhiều trong số hiện vật mà khu di tích trưng bày là những vũ khí hiện đại được sản xuất từ Hoa Kỳ từ hơn nửa thế kỷ trước. Những khẩu pháo, súng bộ binh, bom, mìn các loại mà địch từng sử dụng nhằm hủy diệt chúng ta. Còn phía ta, trước khi quân chủ lực về, vũ khí diệt thù của các đội du kích người Mạ, S’tiêng chỉ là chông tre, bẫy đá, cây dao, chiếc nỏ đi rừng. Anh Hòa kể, sau ngày khánh thành di tích, nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan khu ủy cũ hoặc người thân của họ đã mang đến hiến tặng những kỷ vật đã được lưu giữ từ thời chiến tranh. Chúng tôi đứng lặng trước bức chân dung Bác Hồ kính yêu mà Ban tổ chức Khu ủy treo trong phòng làm việc từ năm 1969. Bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã bợt chỉ, sờn gáy, nét in rô-nê-ô phai mực. Rồi chiếc ống nhòm của đồng chí Trần Lê, nguyên Bí thư Khu ủy sử dụng trong những lần thị sát chiến trường. Và rất nhiều, rất nhiều hiện vật như những chứng tích lặng lẽ kể về những năm tháng gian khổ, can trường…

 
Thả bước chân chầm chậm giữa khu vườn mát lành cây trái của một ngày sau 45 năm đất nước hòa bình, mà trí tưởng tượng của tôi như trở về với không gian thời binh lửa can qua. Ngắm núi, nhìn sông mà như còn hiển hiện bóng áo bà ba, chiếc gậy cầm tay lội suối băng rừng của các đồng chí lãnh đạo cao cấp như Võ Chí Công, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Nam Trung... vượt qua đất này về Nam chiến đấu. Những đêm trường làng buôn rộn rã, tiếng đuốc nổ lép bép và giai điệu bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng hòa cùng nhịp chày tay giã gạo rền vang kịp nuôi quân trong Chiến dịch Phước Long. Như còn nghe hiệu lệnh xuất quân của lãnh đạo Khu ủy và hình ảnh những đoàn quân len qua lau lách Bàu Sấu, Bàu Chim, vượt dòng Đồng Nai về với đồng bằng. Sừng sững dáng hình những chiến binh Mạ, S’tiêng khố rách, lưng trần mà gan góc, can trường vượt rừng rậm, suối sâu đánh giặc, bảo vệ từng mái nhà, làng buôn, tấc đất quê hương.    
 
* * *
 
Tôi mãi nhớ về xứ sở này với những con người của một thế hệ từng đi qua chiến tranh, họ không tiếc máu xương cho sự bình yên của làng buôn đại ngàn, lấy mục tiêu độc lập, tự do của Tổ quốc làm lẽ sống đời mình. Câu chuyện của họ về một thời binh lửa vẫn như còn tươi mới dù hòa bình đã trở về trên quê hương gần nửa thế kỷ. Tôi cũng sẽ không quên lời chị Điểu Thị Lôi: “Chúng tôi từng cầm súng, vót chông giữ lấy buôn làng, còn những người như cô cháu gái Điểu Thị Prợt đây sẽ tiếp tục gánh vác trách nhiệm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đồng bào ấm no, hạnh phúc.”. Đó như lời gửi gắm của người nữ cựu binh với lớp trẻ hôm nay. Tôi cảm nhận, truyền thống cách mạng ở vùng quê từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng này vẫn được đắp bồi như dòng sông Đồng Nai mãi chảy, lớp sóng sau nối dồn muôn sóng trước.
 
Chia tay vùng chiến địa xưa, từ đỉnh dốc Khỉ, tôi thỏa mắt ngắm một không gian khoáng đạt đang mở ra phía trước. Cái nắng màu mật ong dịu ngọt của bầu trời Cát Tiên trải dài như những dải thảm ấm trên những cánh rừng cổ sinh tươi tốt đầu nguồn. Cánh đồng lúa giữa triền phù sa cổ vừa qua vụ gặt còn trơ gốc rạ. Những buôn làng, phố thị bình yên. Tôi thả hồn giữa đại ngàn mênh mang cho dòng cảm xúc hòa về với những tháng ngày oanh liệt từ hơn nửa thế kỷ trước. Bây giờ đang là cuối tháng Tư...
 
Ghi chép: UÔNG THÁI BIỂU