Khi con tim hòa chung nhịp điệu phát triển

05:07, 30/07/2020

Đà Lạt - Lâm Đồng đã được biết đến là thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao và thiên đường du lịch...

Đà Lạt - Lâm Đồng đã được biết đến là thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và thiên đường du lịch. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, Đà Lạt có sự chung tay của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong nhiều lĩnh vực với các ý tưởng sáng tạo, làm phong phú danh mục sản phẩm mang thương hiệu Đà Lạt và lan tỏa sức hấp dẫn về xứ sở của thác nước, đồi thông, sương mù, hoa trái...
 
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể đưa Đà Lạt thành vựa rau của thế giới. Ảnh Tư liệu
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể đưa Đà Lạt thành vựa rau của thế giới. Ảnh Tư liệu
 
Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist) - Thiên nhiên là nền tảng và con người tạo nên giá trị
 
Dalattourist được thành lập từ năm 1976, là công ty du lịch lâu đời nhất và có quy mô hoạt động lớn nhất tại Đà Lạt. Qua gần 45 năm phát triển, Dalattourist như một người anh lớn trong cộng đồng DN Lâm Đồng, vững vàng với những thành quả gắn liền cùng sự phát triển của thành phố Đà Lạt. Quản lý những địa điểm có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất tại Đà Lạt, Lâm Đồng và một số cơ sở du lịch có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa như: núi Lang Biang, thác Datanla, Nhà hàng Thuỷ Tạ, Khách sạn Nice Dream, Cáp treo Đà Lạt, Đường hầm điêu khắc... Không chỉ dừng lại ở hoạt động khai thác tự nhiên, Dalattourist còn tạo dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, điển hình là: Xe trượt ống dài nhất Đông Nam Á, Zipline xuyên rừng dài nhất Việt Nam, hành trình trên cao, đu dây vượt thác, Nhà hàng Buffet Rau Léguda... 
 
Cùng với sự phát triển về sản phẩm, Dalattourist còn có một đội ngũ cán bộ, nhân viên trên 500 người có trí tuệ, kỹ năng, phong cách... thể hiện các giá trị văn hóa của DN trên mảnh đất du lịch Đà Lạt và Tây Nguyên, xứng đáng với vai trò tiên phong, đầu tàu trong phát triển ngành Du lịch tại Đà Lạt, Lâm Đồng. 5 năm trở lại đây, lượng du khách đến Đà Lạt liên tục tăng trưởng, đạt trên 6,5 triệu lượt khách năm 2018 và trên 7,1 triệu lượt năm 2019, thì lượng khách đến các điểm thuộc Dalattourist trên 3 triệu (2018) và trên 3,7 triệu (2019), chiếm trên 46% tổng lượt khách của Lâm Đồng trong năm 2018 và 52% tổng lượt khách năm 2019.
 
Công ty TNHH Vĩnh Tiến - Đa dạng hóa các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu địa phương
 
Không “lão làng” như Dalattourist, Vĩnh Tiến lại là gương mặt rất mới trong lĩnh vực du lịch. Vĩnh Tiến tiền thân là DN có tiếng sản xuất các loại đặc sản có nguồn gốc Đà Lạt, như trà atiso, trà thảo dược, rượu vang, nước cốt trái cây và những sản phẩm chức năng có lợi cho sức khỏe. Từ định hướng của tỉnh nhà, cơ sở sản xuất của Vĩnh Tiến trở thành điểm du lịch canh nông vào năm 2018 với ý tưởng tạo điểm đến mới lạ, độc đáo; đồng thời, du khách có thể tham quan quy trình sản xuất, tìm hiểu giá trị thực dưỡng và dược tính, đối chứng sản phẩm, điểm du lịch canh nông Fairytale Land của Vĩnh Tiến hình thành, mô phỏng làng cổ tích Hobitt ở Newzealand, với những sáng tạo mới phù hợp với sở thích của người Việt Nam. Fairytale Land nhanh chóng thu hút du khách bởi những cánh đồng hoa tươi luôn rực rỡ, ngôi nhà của những người lùn lấp ló dưới bờ cỏ, những câu chuyện trên đường đi, những điểm dừng lãng mạn trong đường hầm rượu vang...
 
Bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa của tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Các DN Lâm Đồng nói chung và Vĩnh Tiến nói riêng, trong quá trình phát triển đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, thu hút lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách, giải quyết đầu ra cho bà con nông dân, tham gia công tác xã hội từ thiện, tạo phúc lợi cho người lao động. Trong đó, những điểm đến mới của du lịch Đà Lạt, đặc biệt là điểm đến du lịch canh nông được đa dạng hóa và có tính độc đáo càng làm tăng sự kích thích, khám phá của du khách, tạo thành những điểm nhấn trên các cung đường Đà Lạt và làm phong phú thêm dòng sản phẩm “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. 
 
“Sunfood Dalat CO.OP - Thực phẩm an toàn của mọi nhà”
 
Cũng như Vĩnh Tiến, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt đang đầu tư dự án mô hình du lịch canh nông dựa trên nền tảng năng lực sản xuất nông nghiệp của chính mình. Du khách được tham quan khu trải nghiệm thực tế NNCNC để hiểu hơn về quy trình trồng từng loại sản phẩm, đối chứng sản phẩm và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp được chế biến của Sunfood Đà Lạt. Với mong muốn nông nghiệp trở nên gần gũi hơn với mỗi người bởi phương châm “Sunfood Dalat CO.OP - Thực phẩm an toàn của mọi nhà”, ngay từ khi hoạt động Sunfood đã định hướng các lĩnh vực sẽ nghiên cứu, phát triển, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng, sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn VietGAP với giá cả hợp lý. Đồng thời, thay đổi thói quen đi chợ của người tiêu dùng bằng dịch vụ đặt hàng qua mạng hoặc điện thoại, giúp người nông dân ổn định sản xuất. 
 
Sunfood cam kết thực hiện chuỗi giá trị với thành viên liên kết, khách hàng để đưa nông sản an toàn từ vườn sản xuất đến bếp người tiêu dùng với giá bình ổn quanh năm; vận chuyển đến tận tay khách hàng trên toàn quốc bằng dịch vụ giao hàng tận nhà, hoặc tại các khách sạn, homestay các sản phẩm mang thương hiệu Đà Lạt. Sau hơn 2 năm hoạt động, Sunfood Đà Lạt hiện có 40 ha canh tác, 50 thành viên liên kết cung ứng hàng hóa với 26 hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất và DN; đồng thời, hợp tác với 14 siêu thị, 142 cửa hàng, phân phối rau, củ, quả Đà Lạt và đặc sản các vùng miền ở 29 tỉnh, thành; sản lượng tiêu thụ, doanh thu của HTX và thu nhập của người lao động tăng đáng kể; từ đó, Sunfood có điều kiện tham gia công tác xã hội nhiều hơn.
 
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Tân Tiến - Địa chỉ rau sạch dưới chân núi Hòn Bồ
 
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Tân Tiến 5 năm trở lại đây, có nhiều chuyển biến cùng với việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX mới. Các thành viên thay đổi tư duy sản xuất từ kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác, làm tăng giá trị trên đất sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên; qua đó, có thêm nhiều thành tựu góp phần vào sự phát triển của địa phương, tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Từ quy mô sản xuất nông hộ, liên kết thành tổ hợp tác, rồi HTX, 25 năm qua, ông Mai Văn Khẩn (Giám đốc HTX Tân Tiến) có gần 15 năm tạo dựng thương hiệu rau VietGAP Tân Tiến ở thị trường trong nước, mang lại doanh thu bình quân 18 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. 
 
Hiện nay, HTX Tân Tiến có 20 hộ gia đình thành viên (40 ha) và 40-50 hộ nông dân (khoảng 60-80 ha) liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cùng tham khảo kỹ thuật mới, cây trồng mới, bảo đảm đầu ra với sản lượng bình quân mỗi năm từ 2.600-3.000 tấn, gồm 50 loại sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, có hệ thống chăm tưới điều khiển tự động, ghi chép nhật ký đồng ruộng bằng smartphone... Tân Tiến đang cung cấp sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc cho hệ thống siêu thị Mega Market, KFC, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trong cả nước. HTX Tân Tiến dự định đến năm 2025 sẽ chuyển đổi 40 ha rau VietGAP sang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. 
 
"Công ty TNHH Dalat G.A.P khẳng định mình qua 12 năm giữ chứng nhận GlobalGap”
 
Ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty Dalat G.A.P cũng khẳng định: NNCNC là hướng đi rất phù hợp hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam, cho năng suất tăng 1,5-2,5 lần so với sản xuất truyền thống, chất lượng cải thiện rất đáng kể, kỹ thuật khoa học công nghệ hiện đại cũng giúp giảm sức lao động chân tay của con người. Muốn hội nhập, muốn xuất khẩu phải ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đà Lạt là vùng khí hậu rất đặc thù, nói Đà Lạt có thể trở thành vựa rau của thế giới cũng không quá, khi được đầu tư phát triển đúng mức và còn có thể tạo sức lan tỏa đến các vùng có khí hậu tương tự Đà Lạt.
 
NNCNC ở Lâm Đồng là rau, hoa, cây dược liệu, chè, cà phê, cây cấy mô... đều cho tăng trưởng khoảng 20%/năm, doanh thu tăng lên lại có nguồn lực tái đầu tư cải thiện chất lượng phục vụ xuất khẩu và hội nhập kinh tế. Công ty TNHH Dalat G.A.P có chứng nhận GlobalGap (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) từ năm 2008, luôn duy trì sự phát triển ổn định và bền vững trong lĩnh vực sản xuất NNCNC với 32 ha, sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn/năm. Dalat G.A.P cùng hệ thống xuất khẩu rau sang thị trường Hàn Quốc trong mấy năm vừa qua tăng trưởng rõ rệt từ 10 container năm 2018 tăng lên 20 container năm 2019. Định hướng phát triển NNCNC, nông nghiệp thông minh là một chủ trương đúng đắn giúp người nông dân tăng giá trị nông sản và tăng thu nhập cho chính mình, đồng thời bảo vệ được sức khỏe và hỗ trợ được cộng đồng.
 
LÊ HOA