Những điểm 10 môn Lịch sử

06:09, 21/09/2020

Với sự yêu thích, nỗ lực và bằng các phương pháp học đúng đắn, những học sinh dưới đây đã đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử trong kì thi THPT vừa qua - một môn học mà đa phần học sinh đều cảm thấy khô khan, khó học.

Với sự yêu thích, nỗ lực và bằng các phương pháp học đúng đắn, những học sinh dưới đây đã đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử trong kì thi THPT vừa qua - một môn học mà đa phần học sinh đều cảm thấy khô khan, khó học.
 
Vũ Hoàng Thảo Lý
Vũ Hoàng Thảo Lý
 
Vũ Hoàng Thảo Lý (sinh năm 2002, học sinh Trường THPT Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh): 
Ước mơ trở thành luật sư
 
Mở đầu câu chuyện về điểm 10 môn Lịch sử, Thảo Lý chia sẻ: “Em đến với môn Sử như một cái duyên. Năm học lớp 11 và 12, em được may mắn tham gia đội tuyển ôn tập thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử của trường. Chính khoảng thời gian đó đã giúp em nhận ra mình đam mê Lịch sử. Tuy thời điểm đó, em chưa mang được thành tích về cho nhà trường, nhưng em nghĩ đó là quá trình mình được trau dồi và bổ sung nhiều kiến thức quý giá”. 
 
Phương pháp học Lịch sử hiệu quả đối với Thảo Lý chính là nắm chắc kiến thức cơ bản cộng với việc tìm hiểu, liên hệ với các vấn đề thực tiễn, quan tâm đến tin tức thời sự, rèn luyện tư duy theo logic. “Học bất kỳ bộ môn nào cũng cần sự quyết tâm và có phương pháp học đúng đắn. Với môn Sử, không thể học tốt bằng cách học thuộc một cách rập khuôn, máy móc” - Thảo Lý cho biết. 
 
Điều khiến Thảo Lý gặp nhiều khó khăn khi học Lịch sử là ghi nhớ các mốc thời gian chính xác. Để khắc phục điều này, em ghi những mốc ngày, tháng quan trọng theo thứ tự vào giấy ghi nhớ, sau đó dán vào các chỗ dễ nhìn thấy nhất trong nhà hoặc gắn với mỗi sự kiện lịch sử là một điều gì đó liên quan đến bạn bè, người thân, ví như sinh nhật của bạn bè.
 
Việc giải trí cũng được Thảo Lý chọn lọc, thay vì xem các kênh giải trí thông thường, em hình thành thói quen tìm xem các phim tài liệu về lịch sử hoặc đọc những bài báo liên quan đến lịch sử qua các kênh youtube hay trang mạng uy tín. Bởi em cho rằng điều này vừa giúp mình mở rộng kiến thức, vừa trau dồi tinh thần yêu nước, giúp mình yêu thích môn học hơn, tiếp thêm động lực để đạt được những mục tiêu học tập đã đề ra.
 
Đồng hành cùng cô con gái nhỏ trong kì thi THPT, cô Hoàng Thị Chiến (51 tuổi) vui mừng khi nhận được kết quả. Cô cho hay: “Từ nhỏ, Thảo Lý đã có thói quen tự học nên bố mẹ ở nhà không mấy khi phải nhắc nhở cháu. Ngoài học ở trường thì cháu dành hầu hết thời gian học ở nhà, chứ cũng không tham gia ở các lớp học thêm bên ngoài. Công việc của bố cháu làm việc xa nhà, tôi lại đi dạy học nên ít có thời gian đồng hành cùng con. Tuy nhiên, tranh thủ những lần không soạn giáo án thì tôi lại cùng con ôn lại bài học”.
 
Ước mơ của cô học trò nhỏ ấy là trở thành tân sinh viên của Học viện Tòa án, và em vẫn đang đợi tin vui trong ngày gần nhất.
 
Vũ Văn Tuấn
Vũ Văn Tuấn
 
Vũ Văn Tuấn (sinh năm 2002, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Lâm Hà): 
Đặt ra mục tiêu để cố gắng hoàn thành
 
Ấn tượng đầu tiên khi gặp Tuấn là chàng trai cao gần 1m8, nhưng ít nói và có phần hơi nhút nhát khi lần đầu gặp người lạ. Tự nhận mình chỉ có học lực bình thường, nhưng ngoài điểm 10 môn Lịch sử, Tuấn còn đạt điểm 9,75 môn Địa Lý và điểm 7 môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Với số điểm đạt được, Tuấn đang hy vọng lớn trở thành tân sinh viên của Trường Sỹ quan Chính trị.
 
Với Tuấn, niềm yêu thích môn Lịch sử và Địa lý đến với em một cách tự nhiên từ nhỏ. Em chia sẻ rằng mình không có cách học nào đặc biệt, chỉ thường xuyên trau dồi kiến thức bằng cách luyện đề. Câu nào khó, em sẽ làm một vài lần để nhớ và hình thành tư duy, giúp nắm chắc từng phần trong lúc học. Điểm 10 môn Lịch sử lần này cũng là mục tiêu mà em hướng đến, vì nhiều lần giải đề thi thử ở mức độ khó, Tuấn vẫn đạt được điểm cao. Tuy nhiên, tổng điểm 26,75 vẫn vượt kỳ vọng của em.
 
Bố mẹ Tuấn làm nông dân, quanh năm gắn bó với cà phê, nương rẫy, nhưng vẫn luôn muốn con mình được rèn luyện trong môi trường quân đội. Thế nên, động lực của Tuấn càng tăng thêm nhiều lần trong năm học cuối cấp. Tuấn cho hay: “Những năm học trước, thành tích học tập của em bình thường chứ không có gì nổi trội. Tuy nhiên, đến đầu năm lớp 12, khi đã đặt ra mục tiêu cho mình, em bắt đầu tập trung ôn luyện khá nhiều để đạt được số điểm như mình mong muốn. Khi tìm hiểu nhiều và sâu vào môn Sử, em mới nhận ra cả một quá trình mà lịch sử ghi lại, và những kiến thức đó chắc chắn sẽ có ích cho ngành học sau này của mình”. 
 
Gắn bó và dõi theo Tuấn trong suốt năm học cuối cấp quan trọng, cô Phạm Thị Ánh Như - Giáo viên Chủ nhiệm lớp 12A5 cho hay: Tuấn tự nhận ra mình có điểm xuất phát chưa được cao lắm trong 3 môn Văn, Sử, Địa. Thế nên, ngay từ đầu năm học lớp 12, khi đã đặt ra mục tiêu thi khối C00 vào Trường Sĩ quan Chính trị - một trường lấy điểm chuẩn tương đối cao, dưới sự định hướng của các giáo viên bộ môn, Tuấn đã nhanh chóng tập trung hết sức để ôn tập. Điểm 10 môn Lịch sử nói riêng và tổng điểm của 3 môn nói chung là kết quả của quá trình nỗ lực trong một thời gian dài của Tuấn. Với học sinh vùng sâu, đó là niềm tự hào, và là động lực cho nhiều đàn em phía sau.
 
Đặng Tuyết Nhung
Đặng Tuyết Nhung
 
Đặng Tuyết Nhung (sinh năm 2001, cựu học sinh Trường THPT Tân Hà, Lâm Hà):
Mẹ là động lực lớn lao
 
Với Tuyết Nhung, điểm 10 môn Lịch sử không phải là điều bất ngờ với em. Bởi ngay khi đặt chân ra khỏi phòng thi, em đã biết mình nắm chắc trong tay 9,75 điểm. Nhung chia sẻ: “Trong khi hầu hết các bạn khác cảm thấy khó khăn với môn Lịch sử, thì em lại cảm thấy dễ dàng hơn, có lẽ vì em có một niềm yêu thích và may mắn tìm được con đường tiếp cận với môn Sử”.
 
Với nhiều người, Lịch sử là môn học khô khan và chỉ cần phải học thuộc lòng. Nhưng Tuyết Nhung chọn cho mình cách học theo sơ đồ tư duy, và khi học hay tưởng tượng để dễ ghi nhớ. Đồng thời, em thường hay để ý các chi tiết nhỏ, đọc thêm nhiều sách nâng cao để tăng thêm kiến thức liên quan cho mình.
 
Để ôn luyện có hiệu quả, Nhung nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Sau đó tìm học sách nâng cao, sách bồi dưỡng cho học sinh giỏi và thường xuyên luyện đề, tập trung luyện đề chất lượng chứ không ôn tràn lan theo các đề thi trên mạng. “Em thấy đề Lịch sử năm nay không hỏi nhiều câu quá nâng cao, nhưng ở mức độ sâu và rộng hơn, mình phải xâu chuỗi, liên kết nhiều sự kiện từ trước đến nay, hệ thống lại thì mới chọn được đáp án đúng” - Nhung cho hay.
 
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Tuyết Nhung là thí sinh tự do. Bởi năm ngoái, em thiếu 1,68 điểm để đậu vào Học viện An ninh. Bước chậm lại một nhịp để quyết tâm đặt chân vào ngôi trường mơ ước, Nhung dành một năm tự ôn luyện ở nhà, và tổng điểm 27,1 năm nay (Sử: 10; Văn: 8,5; Toán: 8,6) là đáp đền xứng đáng cho sự nỗ lực của em.
 
Động lực cho sự quyết tâm đó của Tuyết Nhung, có một phần rất lớn từ mẹ. Cha mất từ năm Nhung học lớp 2, một mình mẹ em vất vả nuôi hai anh em ăn học nên người. Nhung chia sẻ rằng mình không nhớ nhiều về tuổi thơ thiếu thốn, chỉ biết rằng lớn lên, thấy mẹ càng lúc càng già yếu, em chỉ biết mình nên cố gắng để làm mẹ vui lòng, đền đáp cho những vất vả, nhọc nhằn của mẹ. Cô bé có thành tích học tập tốt trong suốt 12 năm đến trường, và 3 năm cấp III đều đạt danh hiệu Học sinh giỏi. Anh trai của Nhung cũng tốt nghiệp Học viện An ninh và hiện đang làm công an, là tấm gương cho em nhìn vào và cố gắng.
 
Thầy Bùi Duy Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Hà cho hay: “Tuyết Nhung có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuy nhiên, không vì thế mà em lơ là việc học. Đổi lại, Nhung luôn cố gắng, phấn đấu đạt kết quả cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và là một trong những học sinh tiêu biểu của trường”. Năm nay, 100% học sinh trường THPT Tân Hà đủ điểm xét tốt nghiệp, trong đó có 2/3 học sinh đăng kí dự thi tổ hợp Xã hội. Ngoài điểm 10 môn Lịch sử của Nhung, trường còn có 1 học sinh đạt điểm 10 môn Địa lý duy nhất trong toàn tỉnh.
 
V.QUỲNH - T.HIỀN