Đạ PLoa không còn xa

05:11, 25/11/2020

Xã Đạ PLoa là một trong 3 xã có dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên cao nhất trong huyện Đạ Huoai, với tỉ lệ 56,6%...

Xã Đạ PLoa là một trong 3 xã có dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên cao nhất trong huyện Đạ Huoai, với tỉ lệ 56,6%. Nhưng, xã đã thoát khỏi “xã đặc biệt khó khăn” và đang về đích “nông thôn mới” (NTM) vào cuối năm 2020 này. 
 
Thanh bình nông thôn mới Đạ PLoa
Thanh bình nông thôn mới Đạ PLoa
 
Tháng 11 này, tôi về lại xã Đạ PLoa cùng anh K’Mak, là cán bộ Trung Tâm Văn hóa - Thể thao huyện Đạ Huoai. Hăm hả đi bằng cả niềm vui, được Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hồ Ngọc Phong Hải chia sẻ: “Cả 3 xã Đạ PLoa, Đoàn Kết và Phước Lộc đều “thoát nghèo ngoạn mục”. Tổng thu của 3 “xã đặc biệt khó khăn” này đều trên tiệm cận với mặt bằng của huyện, không tụt lại phía sau”. K’Mak chở tôi trên chiếc máy bon bon rồi chậm lại nơi đoạn đường lớp nhớp bùn bazan đỏ sánh dưới cơn mưa đầu mùa khô. Đây là con đường ĐT 723 nối từ Quốc lộ 20 đến tỉnh Bình Thuận. Hơn bốn trăm mét cuối cùng đang thi công này thuộc dự án nâng cấp với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong mấy ngày tới. ĐT 723 mở rất rộng, trải thảm nhựa, ô tô vào ra chạy phà phà. Đi giữa màu xanh tươi của những cụm cây điều lớn đang vươn lộc non bên đường điện trung thế, ký ức trong tôi trôi về hơn 20 năm trước. Đó là dịp công tác Đạ PLoa cùng đoàn cán bộ lãnh đạo các ngành của tỉnh Lâm Đồng, do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Minh Xuyến dẫn đầu. Con đường hồi đó bằng đất, độc đạo của 2 xã vùng sâu Đoàn Kết, Đạ PLoa kết nối với bên ngoài nên “xe Reo” chở gỗ vào ra tạo thành hai con mương sâu hoắm. Hôm đó, cũng mưa lất phất như bây giờ, con mương đầy nước nhưng xe ô tô của đoàn công tác vẫn phải vượt qua. Xe U-oát 2 cầu mà vẫn mắc lầy. Mọi cán bộ phải xuống cắm chân vào bùn, tay vịn lấy cành cây điều sà ra để bươn qua những rãnh sâu nham nhở. Cánh tài xế xúm nhau, người móc cáp, kẻ đào đất lót ván để kéo dìu xe nhúc nhắc đi qua…
 
Anh K’Mak chở tôi vào trụ sở UBND xã Đạ PLoa. Theo lời hẹn trước, Phó Chủ tịch xã, anh Đinh Công Định, người dân tộc Mường tiếp chúng tôi. Uống chưa hết tuần trà thơm thì Bí thư Đảng ủy K’Minh và Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Tuyến đã hoàn thành việc tiếp xúc với dân trở về. Câu chuyện giữa chúng tôi càng cởi mở và phấn chấn hơn trong niềm vui tươi mới của một vùng quê. Các anh cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin của xã. Khái quát về thành tựu trong sự chừng mực, Bí thư K’Minh cho biết: “Qua 5 năm, cơ sở hạ tầng, vật chất được đầu tư khá đồng bộ, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Các chương trình trọng tâm được triển khai thực hiện có hiệu quả. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích có sự cải thiện đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đã được nâng lên một bước. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, an sinh xã hội; chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, đạt được những kết quả tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được duy trì ổn định…”. 
 
Đường ĐT 723 hoàn thành trải thảm nhựa đoạn cuối trong năm 2020
Đường ĐT 723 hoàn thành trải thảm nhựa đoạn cuối trong năm 2020
 
Dẫn một số số liệu của Đạ PLoa trong một nhiệm kỳ hoạt động để hiểu rõ hơn những thành tựu mà Bí thư Đảng ủy xã nêu. Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) ước đạt 168,12 tỷ đồng, tăng 108,92 tỷ đồng so với năm 2015. Thu ngân sách tăng bình quân hàng năm 12% theo chỉ tiêu giao. Thu nhập bình quân đầu người/năm tại thời điểm năm 2015 chỉ đạt 18,7 triệu đồng, đến năm 2020 đạt 43,3 triệu đồng; vượt 44% chỉ tiêu. Giá trị bình quân trên một diện tích vào năm 2020 đạt 62,5 triệu đồng/ha/năm; vượt Nghị quyết giao 39%. Xã Đạ PLoa năm 2015 có 123 hộ nghèo, chiếm 13,82%; đến năm 2020 chỉ còn 8 hộ, chiếm 0,83%. Theo đó, sau 5 năm, xã đã giảm được 12,99%; con số vượt không thể không ngạc nhiên: 224,75% so với Nghị quyết đặt ra! Còn rất nhiều tỷ lệ đầy phấn khích nữa: 34,5% lao động qua đào tạo; 92% về mua bảo hiểm y tế; 100% hộ được sử dụng điện và sử dụng nước hợp vệ sinh; 66,67% (2/3 trường học) đã đạt chuẩn quốc gia; hơn 80% về thu gom rác thải; 72,61% về độ che phủ rừng; 47,9% diện tích cây điều ghép…
 
Tôi hỏi Phó Chủ tịch Đinh Công Định: “Từ sau Đại hội Đảng bộ xã, đến nay chuyển biến mới nhất theo anh là gì?”. Anh Định cho biết: “Đến nay xã đã hoàn thành hồ sơ thủ tục gửi lên huyện để công nhận NTM. Xã đã hoàn thành 18 tiêu chí, năm 2020 chỉ còn tiêu chí 18 là “Hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật” là chưa đạt. Thời điểm này đã cơ bản hoàn thành, như anh biết, xã này là trọng điểm về tình hình an ninh trật tự, nhưng nay đã đưa ra khỏi xã trọng điểm”. “Vậy đâu là khó khăn trước mắt phải vượt qua?”. Anh Định trả lời: “Nói chung an ninh chính trị bây giờ cơ bản đã ổn định, sẽ tiếp tục chú ý và quan tâm. Vấn đề lớn nữa là tuyên truyền bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Xã Đạ PLoa ở đây có đến 56,6% dân tộc thiểu số (539 hộ với 2.412 người-PV) cho nên phong tục, phương thức canh tác có những hạn chế so với nơi khác. Qua tuyên truyền vận động, bà con có sự chuyển biến lớn, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng sang những cây có giá trị kinh tế cao…”.
 
Đạ PLoa có tổng diện tích đất tự nhiên 9.074,89 hecta; trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 2.230 hecta và đất lâm nghiệp hơn 6.619 hecta… Tìm hiểu thêm việc phát triển cây trồng của xã, được biết, cây chủ lực là điều với 1.636,5 hecta; trong đó điều ghép hơn 790 hecta, năng suất bình quân đạt 8,4 tạ/ha. Sầu riêng chất lượng cao đã phát triển được hơn 290 hecta, năng suất 130 tạ/ha. Toàn xã hiện đã chuyển đổi được gần 553 hecta; trong đó diện tích Nhà nước hỗ trợ gần 482 hecta (bao gồm hơn 334 hecta điều; gần 38 hecta sầu riêng, hơn 69 hecta bắp và hơn 28 hecta chè); diện tích còn lại do Nhân dân tự chuyển đổi. Chủ tịch UBND Trần Thanh Tuyến còn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, xã đã gieo trồng với tổng diện tích gần 2.308 hecta, đạt 99,92% kế hoạch năm. Các hộ dân tiếp tục tự chuyển đổi thêm 27 hecta; trong đó chủ yếu là cây sầu riêng (19,8 hecta) và điều hạt già cỗi (16,8 hecta)… “Nhận thức của người dân về công tác tỉa cành tạo tán cho cây điều sau thu hoạch đã được quan tâm đúng mức nên đến thời điểm này các hộ đã tự tỉa cành và chăm sóc cây điều đạt 41,77%, diện tích bón phân đạt hơn 20%”, anh Tuyến cho biết. 
 
Qua các anh lãnh đạo của xã Đạ PLoa, chúng tôi còn được cung cấp nhiều số liệu khác trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Không thể nêu hết, nhưng tôi ấn tượng đến con số về tỷ lệ độ che phủ rừng 72,61%. Để đạt được kết quả màu xanh như vậy dĩ nhiên Đạ PLoa đồng thời thực hiện nhiều giải pháp và biện pháp; trong đó vai trò quản lý, bảo vệ rừng của người dân tại chỗ rất được coi trọng. Xã có 240 hộ được nhận khoán, trong đó có 199 hộ đồng bào DTTS với diện tích giao gần 5.844 hecta. Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 248 hộ được thụ hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng với hơn 5.814 hecta. Rừng được bảo vệ, và cùng với phát triển kinh tế thông qua trồng trọt, chăn nuôi,... đời sống người dân được nâng lên rất rõ rệt...
 
Chỉ hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2020. Xã Đạ PLoa đã trình hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM lên huyện. Đây cũng là bàn đạp để xã phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất trong 5 năm tới (2020-2025) từ 11-12%; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác đạt 125 triệu đồng; thu nhập bình quân khoảng 67 triệu đồng/người/năm. Cùng đó, tỷ lệ hộ nghèo vào năm 2025 còn 0,3%; riêng đồng bào DTTS giảm còn 0,53%; tỷ lệ hộ cận nghèo bằng 50% số hộ nghèo…Nông thôn mới nâng cao; nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích gieo trồng; phát triển chăn nuôi là 3 chương trình trọng tâm của xã Đạ PLoa từ nay đến năm 2025. 
 
Đạ PLoa không còn xa, mà rất gần. Gần về địa lý nhờ con đường ĐT 723 rộng dài láng nhựa; gần về đời sống vật chất và tinh thần đã tiệm cận trên mặt bằng chung của huyện cửa ngõ tỉnh Lâm Đồng. Và thật gần: “xã đặc biệt khó khăn” trở thành quá vãng lùi xa; xã nông thôn mới đang cán đích...  
 
Bút ký: MINH ĐẠO